Đa Chiều ngày 7/4 cho rằng, mặc dù không phải là nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Singapore có vị trí địa lý quan trọng, trở thành khu vực trọng yếu chiến lược rất quan trọng của Mỹ và Nhật Bản. Vì vậy Mỹ, Nhật tăng cường hợp tác với Singapore, trong khi đó Singapore cũng có cân nhắc đến nhu cầu của Mỹ và Nhật Bản về mặt chiến lược.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long |
Từ ngày 25 – 28/4, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan sẽ đến thăm Nhật Bản và hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. Ngoài ra, chính phủ hai nước đã tiến hành phối hợp chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 9 tới của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Mục đích của chuyến thăm này là tăng cường phối hợp trong vấn đề Biển Đông. Nếu Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Lý Hiển Long tổ chức hội đàm theo kế hoạch thì đây là cuộc hội đàm lần đầu tiên sau hội đàm cấp cao ở Malaysia vào tháng 11/2015.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng tận dụng thời cơ kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Singapore trong năm 2016 để tăng cường quan hệ với Singapore trên lĩnh vực an ninh và kinh tế. Ngoài ra còn cân nhắc cử quan chức nội các tham gia Hội nghị an ninh châu Á tổ chức ở Singapore vào thượng tuần tháng 6/2016.
Theo kế hoạch, ngày 26/4 Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, hai bên sẽ bày tỏ quan ngại mạnh mẽ chung về vấn đề Biển Đông. Dự kiến hai nước sẽ khẳng định tầm quan trọng của “pháp trị” và vai trò không thể thiếu tự do hàng hải đối với hòa bình và phồn vinh của châu Á, hai bên rõ ràng muốn chống lại chính sách (bành trướng) Biển Đông của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Trung Quốc - Tập Cận Bình |
Ngoài ra, là quốc gia nằm ở cửa ngõ ra vào của eo biển Malacca, Singapore cũng đang gia tăng hợp tác với Mỹ. Những động thái này đều xuất phát từ ý đồ chiến lược của Singapore ở Biển Đông, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác đạt tiến triển.
Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước thành viên do Mỹ đứng đầu đã ký kết được vài tháng. Nhưng đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hy vọng hiệp định này sớm được thông qua, bởi vì ông vừa cho biết, nếu TPP không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn và bị “chết non” thì Mỹ sẽ bị loại ra khỏi hệ thống thương mại châu Á do Trung Quốc đứng đầu.
Ông Lý Hiển Long chỉ ra, về cơ bản các nước châu Á hy vọng Mỹ kiểm soát châu Á, chứ tuyệt đối không phải là Trung Quốc. Mọi người đều hoan nghênh Mỹ lãnh đạo xây dựng quy tắc thương mại.
Vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ không thể thay thế, tất cả hoàn toàn không muốn nhìn thấy Mỹ bị loại ra khỏi Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mà hiệp định RCEP đang được Trung Quốc tìm cách thúc đẩy.
Sẽ có một số quốc gia tham gia cả hai hiệp định TPP và RCEP |
Theo Đa Chiều, phát biểu của ông Lý Hiển Long tiếp tục cho thấy ASEAN coi trọng và trông đợi vào Mỹ, đồng thời cảnh giác với Trung Quốc.
Singapore biết rằng, dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, sau đó thu lợi ích tối đa từ sự cân bằng nhất định giữa hai nước lớn này. Không thể để cho Trung Quốc có thực lực ngày càng tăng kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, nếu không sẽ mất đi quyền chủ đạo quan trọng.
Cân nhắc đến lợi ích của Singapore, mâu thuẫn Trung-Mỹ trở nên gay gắt tuyệt đối không phải là mong muốn của ông Lý Hiển Long. Tính toán của Singapore là thông qua Mỹ kiềm chế Trung Quốc để đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế, chính trị của bản thân, để giành lấy lợi ích tối đa.
Nhưng tiền đề là không để phát triển đến mức xảy ra chiến tranh. Vì vậy, Singapore chưa từng lựa chọn đứng về bên nào trong vấn đề đối đầu Trung-Mỹ ở Biển Đông.