Phía sau cái vỗ vai dân của "nhà đèn": Này, tiền điện nhà anh sắp tăng đấy!

14/04/2016 07:15
Việt Hoài
(GDVN) - Dự báo của EVN Hà Nội nắng nóng từ tháng 4 nên hóa đơn tiền điện sẽ tăng, dư luận đồn rằng, lời cảnh báo này sẽ là nguyên cớ để họ sẽ làm điều họ muốn.

Hà Nội giờ này chỉ mới chớm bước vào mùa nóng, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã khéo đánh tiếng, thông qua báo cáo gửi Bộ Công thương rằng, mức tiêu thụ điện ở Hà Nội tháng 4 sẽ tăng, ắt kéo theo hóa đơn tiền điện cũng sẽ tăng.

Tất nhiên, người tiêu dùng thì chẳng còn lạ gì với không ít những hóa đơn mà tiền điện cứ “nhảy vọt” theo ngành điện, trước họ cũng chẳng có cơ hội để giám sát số điện đã dùng, nghiễm nhiên cứ việc móc hầu bao để trả.

Cũng đã có không ít người dân thấy bất ngờ tiền điện tăng vọt, trong khi nhu cầu sử dụng điện của gia đình vẫn như tháng trước. Dân khiếu nại thì ngành điện mới thừa nhận là có sai sót. Đó là những hộ dân bị tăng với chỉ số tiêu thụ lớn, còn một vài trăm số thì đành an ủi “có lẽ mình dùng nhiều”.

Nhớ lại chuyện này năm ngoái, điển hình là trường hợp gia đình ông Nguyễn Quang Quý ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), hóa đơn tiền điện tháng 6/2015 tăng tới 16 lần so với tháng 5. Khiếu nại, nhân viên ngành điện vẫn quả quyết không sai.

Dự báo của EVN Hà Nội nắng nóng từ tháng 4 nên hóa đơn tiền điện sẽ tăng (Ảnh: vietnamnet.vn)
Dự báo của EVN Hà Nội nắng nóng từ tháng 4 nên hóa đơn tiền điện sẽ tăng (Ảnh: vietnamnet.vn)

Ông Quý yêu cầu đưa ảnh chụp chỉ số công tơ thời điểm ghi số thì nhân viên trả lời không có, yêu cầu kiểm tra công tơ thì nhân viên nói “chỉ số đã chốt từ 5 ngày trước, số hiện tại không chính xác”.

Chỉ đến khi tận mắt được nhìn công tơ, ông Quý tá hỏa, chỉ số mà gia đình ông dùng có 5 ngày sau khi ghi hóa đơn cũng đã gấp đôi chỉ số gia đình ông đã dùng trong tháng 5.

Khi bị “bắt tận tay, day tận mặt”, nhân viên ngành điện đã đồng ý chỉ thu số tiền bằng 1/3 so với hóa đơn đã ghi.

Tương tự trường hợp ở quận Đống Đa, cũng có sự nhầm lẫn đến kỳ lạ của nhân viên ngành điện.

Phía sau cái vỗ vai dân của "nhà đèn": Này, tiền điện nhà anh sắp tăng đấy! ảnh 2

EVN rút gọn biểu giá điện, ai hưởng lợi?

(GDVN) - Đề án này sẽ nghiên cứu, cải tiến và đề xuất cơ cấu biểu giá điện mới đồng thời là bước tiếp theo đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường.

Ngày 9/6/2015 nhân viên ghi chỉ số tiêu thụ là 7.822. Một tuần sau thì gia đình kiểm tra công tơ thấy chỉ số là 7.789. Lúc này nhân viên đổ thừa là nhìn nhầm số 6 thành số 8.

Người dân thấy sốc với số tiền phải trả, còn ngành điện thì bình thường, không có sai sót.

Người dân thấy không công bằng khi bỏ tiền mua điện mà không được biết chỉ số điện mà mình đã dùng. Một điều thật dễ hiểu là công tơ thì treo tít trên cao, muốn kiểm tra thì phải có thang.

Và lại người dân cũng không biết nhân viên ngành điện đi ghi ngày nào để cùng kiểm tra, hơn nữa đâu phải người dân nào cũng ngồi nhà trông chờ ngày ghi chỉ số. Tất cả đều “cậy nhờ” vào sự trung thực của nhân viên ngành điện.

Đặc biệt là việc tính giá điện bậc thang tới 6 bậc của EVN càng tạo kẽ hở cho nhân viên ngành điện không “trung thực” với dân. Đã từng xuất hiện trường hợp vài tháng ghi chỉ số dùng ít đi, dân mừng vì trả tiền điện ít. Nhưng đến tháng mà nhân viên điện lực cộng dồn, bỗng số tiêu thụ tăng vọt, kiểm tra công tơ không sai con số.

Ngành điện được hưởng lời lãi từ chỉ số tăng lũy tiến, nhân viên thì được thưởng từ số tiền “vênh” của bậc thang cuối. Chỉ người dân là thiệt.

Phía sau cái vỗ vai dân của "nhà đèn": Này, tiền điện nhà anh sắp tăng đấy! ảnh 3

Khi lãi lớn, sao không thấy EVN giảm giá điện?

(GDVN) - Từ trước đến nay, cụ thể trong 3 năm gần nhất, tỷ giá ổn định, EVN liên tục công bố lãi lớn nhưng chưa bao giờ đề xuất giảm giá điện.

Việc EVN tự áp tính tiền điện theo 6 bậc thang thì chỉ người dân thiệt, còn ngành điện thì hưởng lợi từ nghịch lý của sự độc quyền theo kiểu “có một không hai” này.

Theo Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ Trần Đình Long:

Tỷ lệ giá tăng thêm theo mỗi bậc thang mà EVN đặt ra, không tuân thủ theo quy luật nào cả. Phá vỡ quy tắc, càng dùng nhiều càng phải trả giá đắt, không tăng cố định của từng bậc”.
 
Ai cũng thấy với cách tính “không theo quy luật” giá bán lẻ điện của EVN không khác gì “bảng giá cong một cách mềm mại”. Người dân rơi ma trận tít mù với những cách tính mà chỉ mỗi EVN hiểu.

Không chỉ người dân kêu mà ngay cả các chuyên gia cũng than, đòi EVN phải sòng phẳng với dân, không thể đặt lợi ích của doanh nghiệp trên quyền lợi của người dân trong việc tính lại việc áp 6 bậc thang.

Trước áp lực của dư luận, EVN đã xây dựng “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện bán lẻ”, với ba phương án đưa ra. Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia thì EVN thay vì giảm chi phí chứ không thể là cứ tự làm giá điện bán cho dân.

Dù phương án nào thì EVN cũng nên sòng phẳng, minh bạch trong việc tính giá bán lẻ.

EVN thì luôn kêu lỗ. Cuối quý 3/2015 EVN phát đi thông điệp lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng và EVN mong muốn là người tiêu dùng sẽ gánh thay EVN khoản lỗ này bằng việc tăng giá điện.

Trong khi thông báo của EVN Hà Nội sẽ tăng hóa đơn tiền điện, được EVN Hà Nội cho là cảnh báo trước để người dân ý thức tiết kiệm, bởi theo EVN Hà Nội thì “thời tiết sẽ ở mức gay gắt hơn và kéo dài hơn so với trung bình các năm trước, do tác động của hiện tượng El Nino”.

Trong khi đó, báo chí đăng tải ý kiến của ông Lê Thanh Hải- Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia: Thời tiết đã chuyển về trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh, nên mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng sẽ không gay gắt bằng năm ngoái. 

Mùa hè năm 2015, vào tháng 4 đã xuất hiện nắng nóng gay gắt, nhưng năm nay phải đến cuối tháng 4 mới xuất hiện đợt nắng nóng đầu tiên. Theo dự báo thì “cao điểm của mùa hè ở miền Bắc là từ tháng 5 đến tháng 7”.

Như vậy, rõ ràng là dự báo của EVN Hà Nội ngược với cơ quan chuyên môn là sao?

Dự báo của EVN Hà Nội nắng nóng từ tháng 4 nên hóa đơn tiền điện sẽ tăng, dư luận đồn rằng, lời cảnh báo này sẽ là nguyên cớ để ngành điện làm điều mình muốn như các câu chuyện nói ở trên, cũng không loại trừ là nguyên cớ để tăng giá điện trong khi “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện bán lẻ” thì vẫn nằm trong nghiên cứu.

Việt Hoài