"Người Mỹ mất việc này tìm việc khác, người Trung Quốc mất việc đi biểu tình"

14/04/2016 09:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Công nhân Mỹ bị sa thải, anh ta có thể tìm kiếm một công việc khác để sống. Nhưng nếu một công nhân Trung Quốc bị sa thải, anh ta sẽ đi biểu tình trước trụ sở.

South China Morning Post ngày 13/4 cho biết, "nghỉ hưu nội bộ" là một trong những cách thức Bắc Kinh áp dụng để cắt giảm 1,8 triệu lao động trong ngành thép - than để đảm bảo tái cấu trúc các ngành công nghiệp nặng đang dư thừa, đồng thời tránh bất ổn xã hội. 

Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một quỹ đặc biệt 100 tỉ nhân dân tệ để thúc đẩy việc sắp xếp lại 2 ngành công nghiệp này. Quỹ này dự kiến sẽ trả hơn 50 ngàn nhân dân tệ cho mỗi công nhân bị mất việc làm trong 2 ngành than và thép. Quỹ này lấy từ ngân sách trung ương, các địa phương và doanh nghiệp không phải đóng góp.

Công nhân ngành khai thác than và sản xuất thép Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mất việc làm và chưa biết làm gì để sống, ảnh: SCMP.
Công nhân ngành khai thác than và sản xuất thép Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mất việc làm và chưa biết làm gì để sống, ảnh: SCMP.

Trung Quốc không gọi khoản tiền này là "trợ cấp thất nghiệp" để tránh tâm lý bức xúc cho công nhân, mà gọi nó là "hưu nội bộ". Tức những công nhân chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng được "nghỉ hưu nội bộ" để tái cấu trúc các tập đoàn nhà nước ngành thép - than sẽ được hưởng chế độ này. Đến tuổi nghỉ hưu chính thức thì được hưởng lương hưu từ bảo hiểm xã hội.

Su Hainan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu lao động Trung Quốc bình luận: "Đó là một sự sắp xếp tốt cho các công nhân doanh nghiệp nhà nước. Thay vì bị sa thải, họ vẫn có thể nhận các khoản trợ cấp và phúc lợi của công ty mà không phải làm việc. Nhưng hiện chưa có con số cụ thể bao nhiêu công nhân được hưởng chế độ này".

Chen Yuyu, giáo sư kinh tế học Đại học Bắc Kinh đánh giá: Giải pháp này là bắt buộc bởi điều kiện lịch sử, do lo ngại có thể xảy ra bất ổn xã hội nếu sa thải hàng loạt công nhân. Mối đe dọa này hoàn toàn thực tế và hiện hữu.

Ông Chen Yuyu cho rằng, nếu một công nhân Mỹ bị sa thải, anh ta có thể tìm kiếm một công việc khác để sống. Nhưng nếu một công nhân Trung Quốc bị sa thải, anh ta sẽ đi biểu tình trước trụ sở chính quyền địa phương.

"Người Mỹ mất việc này tìm việc khác, người Trung Quốc mất việc đi biểu tình" ảnh 2

Tỉnh trưởng phán bừa, lòng dân dậy sóng

(GDVN) - Thay vì thành khẩn nhận lỗi trước dư luận, ông Tỉnh trưởng nói rằng mình phát ngôn sai là do báo cáo của cấp dưới không chuẩn.

Shen Jiangguang, chuyên gia kinh tế của Mizuho Securities Asia tại Hồng Kông nhận định, so với việc Chu Dung Cơ sa thải 30 triệu lao động nhà nước cuối thập niên 1990 thì việc Trung Quốc cắt giảm 1,8 triệu lao động ngành thép và than ngày nay không phải vấn đề lớn.

Bởi lẽ nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có quy mô lớn hơn trước rất nhiều, tiền lương vẫn tăng, mạng lưới an sinh xa hội cũng tốt hơn nên có thể giảm thiểu tối đa cú sốc.

Chen Yuyu nhận xét, có hai điều thú vị trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Một là sự suy giảm nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc không tạo ra hiện tượng thất nghiệp tràn lan.

Hai là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ không tạo ra được lượng việc làm đáng kể. Trong trường hợp Trung Quốc, đã có những thay đổi cơ bản trong cơ cấu nền kinh tế và kĩ năng của lực lượng lao động. 

Về mặt tổng thể, Trung Quốc có thể không đáng lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội do cắt giảm 1,8 triệu việc làm trên phạm vi toàn quốc, nhưng phải tính đến những tình huống bất ổn, biểu tình nhỏ lẻ nghiêm trọng ở các ngành, các địa phương hay doanh nghiệp cụ thể.

Ding Shuang, Giám đốc kinh tế của Standard Chartered Trung Quốc cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã được định vị tốt hơn về kinh tế và tài chính so với 2 thập kỷ trước, nhưng nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức mới.

Lý do là hiện tại người dân đều ý thức hơn về quyền lợi của mình, họ có sự hiểu biết tốt hơn về việc bảo vệ lợi ích riêng. Do đó nó có thể dẫn đến sự cố lớn hơn 2 thập kỷ trước khi công nhân bị sa thải hàng loạt.

Hồng Thủy