Để tránh phí, vận chuyển hàng bằng... xe bò
Trạm thu phí BOT tại QL 1A, Km 604+700, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) do Công ty Cổ phần TASCO khai thác, áp dụng mức thu phí mới của Bộ Tài chính từ đầu năm 2016.
Việc áp dụng mức phí này khiến nhiều lái xe không khỏi ấm ức vì mức phí quá cao, có phương tiện hàng ngày chỉ đi khoảng 2km nhưng vẫn phải trả 45.000 đồng cho mỗi lượt qua. Vì vậy, nhiều người đã tìm đủ mọi cách để tránh việc đi qua trạm thu phí này.
Gia đình anh Lễ Vũ Hưng, (ở xã Quảng Đông, Quảng Trạch) có 5 xe ô tô kinh doanh theo hình thức xe taxi.
Dân lập rào chắn chặn xe đi vào đường làng (Ảnh: Thủy Phan) |
Trước đây, việc kinh doanh của gia đình anh khá thuận lợi vì người dân đi taxi nhiều. Tuy nhiên, từ khi có trạm thu phí, rồi mức phí tăng liên tiếp lên 30.000 đến 45.000 đồng/lượt khiến công việc của anh trở nên khó khăn hơn do phải tính thêm tiền phí đường với khách đi xe.
Nhiều khi chỉ đi gần 2km, nhưng anh vẫn phải đóng 90.000 đồng tiền phí cho cả lượt đi lẫn về. Tiền phí kia, anh đành phải đánh vào khách hàng. Giá cước cao lên, người dân không còn mấy ai đi taxi nữa.
"Ngày trước, 2-3 km cũng có khách gọi taxi. Nhưng từ khi có trạm thu phí, chỉ những người có việc đi đường xa hay ai có việc gì gấp họ mới chấp nhận “cõng” thêm phí đường để đi taxi. Còn lại, chủ yếu người dân chuyển sang đi xe máy hoặc xe ôm để tránh phí”, anh Hưng cho biết.
Theo nhiều người dân ở xã Quảng Đông, từ khi mức phí tăng, ở địa phương hình như chưa có thêm chiếc xe ô tô nào. Thậm chí, nhiều người có ô tô cũng không dám đi vì có khi chỉ đi khoảng 2km đường nhưng vẫn phải đóng 90.000 đồng cho cả lượt đi lẫn về.
Từ khi Trạm thu phí BOT tại QL 1A, Km 604+700, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) áp dụng mức phí mới, nhiều lái xe đã tìm đủ cách để trốn phí (Ảnh: Thủy Phan) |
Hơn nữa, cách xã Quảng Đông khoảng 5km về phía Bắc, còn có trạm thu phí đèo Ngang. Do đó, người dân xã này bị “quây” bởi hai trạm thu phí trong chỉ khoảng 7 km.
“Giờ muốn vào chợ Roòn (cách khoảng 2 km) mua bộ bàn ghế, ngày trước còn được chủ cửa hàng chuyển về tận nhà cho. Nhưng giờ họ không chở nữa vì phải mất thêm phí. Nếu chở thì họ đưa xe bò ra kéo.
Có cửa hàng khi mình gọi điện đặt hàng, họ còn phải hỏi nhà ở phía trong hay ngoài trạm thu phí mới tính đến chuyện bán”, một người dân ở xã Quảng Đông nói.
Chạy vào đường làng để “né” phí
Anh Lê Công B., chủ một xe tải ở thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, (Quảng Trạch) cho biết, trước đây, mỗi năm anh chỉ phải đóng 1,4 triệu đồng tiền phí, nhưng bây giờ thì tăng lên hơn 10 triệu đồng. Tính cả những loại thuế khác nữa, tổng cộng mỗi năm anh B. phải đóng gần 30 triệu đồng.
“Công việc làm ăn của chúng tôi thì có lời lãi được bao nhiêu mà phải chịu mức phí quá cao. Cho nên giờ chúng tôi không mua vé qua trạm thu phí nữa. Khi đến đoạn này, chúng tôi đi vòng vào đường làng trong thôn để tránh phải đi qua trạm.
Biết như vậy là không đúng, nhưng vẫn phải chạy thôi. Nếu họ giảm phí xuống, chúng tôi không ngại gì mà không đóng cả. Nhưng giờ mức phí cao như vậy thì làm sao chúng tôi chịu nổi”, chị T., vợ anh B. bức xúc nói.
Tại đường làng ở thôn Nam Lãnh, (xã Quảng Phú), mỗi ngày có hàng chục chiếc xe ô tô các loại chạy qua để “né” trạm thu phí.
Xe chạy vào đường làng để tránh trạm thu phí (Ảnh: Thủy Phan) |
Vì vậy, người dân phải tự làm rào chắn ở hai đoạn đường trong thôn để chặn xe và chỉ cho những ô tô trong làng được đi qua.
“Chúng tôi đã tự làm rào chắn để chặn xe, nhưng chỉ chặn được xe to, xe nhỏ thì vẫn lọt qua được. Hôm trước, một xe tải từ nơi khác chạy đi vào đoạn đường bên kia bị chặn, họ đã chặt đứt rào chắn để chạy qua.
Mỗi ngày, hàng chục xe ô tô lớn nhỏ chạy vào trong làng ầm ầm cả ngày lẫn đêm. Cứ tình trạng này, con đường bê tông này sớm muộn gì cũng bị hỏng. Hơn nữa, nguy cơ tai nạn tiềm ẩn, rất nguy hiểm, nhất là với trẻ con”, một người dân ở xóm 2, thôn Nam Lãnh ngao ngán nói.
Tình trạng người dân tìm đủ cách để tránh trạm thu phí này sẽ còn tiếp diễn, nếu mức phí trên vẫn giữ nguyên.
Cũng tại Quảng Bình, trạm thu phí Quán Hàu, (ở huyện Quảng Ninh) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư cũng xảy ra nhiều bất cập khiến người dân bức xúc.
Được biết, mới đây UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản đề nghị hai chủ đầu tư là Công ty Cổ phần TASCO và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh giảm 40-50% mức phí BOT đối với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống ở hai trạm thu phí trên.
Tuy nhiên, phía hai chủ đầu tư này từ chối với lý do, nếu giảm như mức đề nghị thì họ sẽ khó hoàn vốn.