Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp vừa có thông báo triệu tập Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới (14 Lê Quý Đôn, phường 6, quận 3, TP.HCM) liên quan vụ kiện nhãn hiệu “Sườn Cây” - một chuỗi nhà hàng đồ nướng - của doanh nghiệp này bị cho là đang bị làm nhái thương hiệu trên địa bàn.
Theo đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới (Công ty Viên Ngọc Mới), đầu tháng 2/2016, Công ty này phát hiện Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí Anh Em (số 97 đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp) sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên bảng hiệu công ty khi chưa có sự đồng ý của Công ty Viên Ngọc Mới.
Nhà hàng Sườn Cây chính chủ, |
Nhãn hiệu “Sườn Cây” đã được Công ty Viên Ngọc Mới đăng ký và được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419, thời hạn 10 năm kể từ ngày 5/8/2014.
Công ty Viên Ngọc Mới đã 3 lần gửi công văn, thư khuyến cáo yêu cầu phía Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí Anh Em phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên biển hiệu. Tuy nhiên, Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí Anh Em không phản hồi.
Cuối tháng 3/2016, Công ty Viên Ngọc Mới đã đề nghị Viện Khoa học Sở Hữu Trí Tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tiến hành giám định sở hữu công nghiệp đối với các chứng cứ vi phạm của Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí Anh Em.
Kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ thể hiện: “Dấu hiệu “Sườn Cây” gắn trên biển hiệu nhằm kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống - như trên được thể hiện trên tài liệu một là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu “Sườn Cây” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419 của Công ty Viên Ngọc Mới”.
Công ty Viên Ngọc Mới đã làm đơn khởi kiện đến TAND quận Gò Vấp yêu cầu Công ty Anh Em chấm dứt hành vi vi phạm và thay đổi biển hiệu Sườn Cây tại nhà hàng 97 Quang Trung và yêu cầu Công ty Anh Em phải công khai xin lỗi và bồi thường 1 tỷ đồng.
Theo ông Phan Bá Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Viên Ngọc Mới: “Chúng tôi đã gây dựng nhãn hiệu Nhà hàng Sườn Cây trong nhiều năm qua, đã đăng ký bảo hộ Sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu này.
Công ty chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ cho việc nghiên cứu phát triển chất lượng món ăn, đội ngũ nhân sự và xây dựng văn hoá dịch vụ chuyên nghiệp với mong muốn hình thành và phát triển chuỗi nhà hàng mang tên Sườn Cây với phong cách ẩm thực ngon và hoàn toàn khác biệt.
Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự ủng hộ cũng như những thông tin từ phía khách hàng về những trường hợp nhái, giả thương hiệu Sườn Cây để chúng tôi có thể sớm hỗ trợ khách hàng trong việc nhận diện thương hiệu tốt hơn cũng như sớm có hướng giải quyết nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho khách hàng”.
Ông Ngọc là người người sáng lập doanh nghiệp và cũng là một người đam mê cống hiến những món ăn đặc sắc cho người tiêu dùng với mong muốn góp phần tạo nên một thị trường kinh doanh món Nướng & Beer thật sự lành mạnh và đặc sắc.
Biển hiệu Sườn Cây bị tố là nhái. |
Trong khi đó, theo người đại diện của Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí Anh Em, họ chỉ biết bị khởi kiện qua báo chí cung cấp và cũng không biết đơn vị của mình có vi phạm bản quyền hay không.
“Hiện chúng tôi chưa thấy tòa án quận Gò Vấp mời lên làm việc, mọi việc đúng sai bây giờ để tòa giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi chưa hề nhận được thông tin phản ánh nào từ phía Công ty Viên Ngọc Mới.
Cách đây vài hôm, khi biết bị kiện, chúng tôi đã chủ động liên hệ với Công ty Viên Ngọc Mới để có buổi làm việc, nhưng do hai bên đều bận nên chưa sắp sếp gặp nhau để trao đổi được”.
Ông Trần Đăng Tân, Chánh án TAND quận Gò Vấp cho biết, đơn vị này đã thụ lý đơn của Công ty Viên Ngọc Mới khởi kiện đối với Công ty cổ phần dịch vụ ăn uống và giải trí Anh Em về việc “Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Sườn Cây”.
"Tòa sẽ căn cứ theo thời gian được quy định và TAND quận Gò Vấp cũng rất ít thụ lý các vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ", vị chánh án nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết: “Theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, Tòa án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nguyên đơn – tức Công ty Viên Ngọc Mới phải chứng minh mình là chủ thể quyền đối với nhãn hiệu; cung cấp cho Tòa án chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nếu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại.
Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại”.
Người đại diện Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhìn nhận, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có xu hướng ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt với đối tượng nhãn hiệu.
Trường hợp tranh chấp nhãn hiệu “Sườn Cây” giữa Công ty Viên Ngọc Mới và Công ty cổ phần dịch vụ ăn uống & giải trí Anh Em là một điển hình.
Trong phạm vi bảo hộ và thời hạn hiệu lực, Công ty Viên Ngọc Mới, với tư cách là chủ sở hữu nhãn hiệu Sườn Cây được độc quyền sử dụng, cho phép hay ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu và định đoạt nhãn hiệu theo các quy định tại Điều 123, Điều 124, Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ.
Tương ứng với quyền của chủ sở hữu, thì hành vi của tổ chức, cá nhân sử dụng các dấu hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu Sườn Cây cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc có liên quan đến dịch vụ nhà hàng, ăn uống; có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ mà không có sự đồng ý của Công ty Viên Ngọc Mới đều bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Sườn Cây".