Tạp chí The National Interest Mỹ ngày 15/4 cho rằng, vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông sẽ được Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc đưa ra phán quyết vào tháng 5/2016, kết quả cơ bản sẽ không như ý của Bắc Kinh, chỉ ra tính chất pháp lý của “đường chín đoạn”, càng sẽ không ủng hộ việc Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Máy bay chiến đấu Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam ngày 30/10/2015. Ảnh nguồn: Thời bào Hoàn Cầu, Trung Quốc |
Lần này, Bắc Kinh sẽ không có nhiều khả năng giữ thái độ “tiêu cực, im lặng”. Trung Quốc rất có thể sẽ lấy hình thức “báo thù” bằng cách tuyên bố thiết lập cái gọi là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới ở Biển Đông. Thời điểm tuyên bố có thể trước hoặc sau khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết.
Trước đó, Bắc Kinh cũng đã đơn phương lập ra vùng nhận dạng phòng không đầu tiên ở biển Hoa Đông vào tháng 11/2013. Đây được cho là một “đột phá chiến lược quan trọng trên biển, trên không” của Trung Quốc, là một quyết định được cấp cao Trung Quốc có nhiều tính toán.
Quyết định này đưa tiêu điểm quan tâm của hải, không quân Trung Quốc từ đảo Senkaku và mỏ dầu khí ở tuyến trung gian biển Hoa Đông mở rộng tới eo biển Miyako – nơi Trung Quốc muốn chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất.
Khi đó, Nhật Bản đã tiến hành phản ứng rất mạnh mẽ, đẩy nhanh một loạt hoạt động triển khai quân sự ở hướng tây nam. Từ đó, các bên liên quan tranh chấp Biển Đông cũng đặc biệt tăng cường cảnh giác với khả năng Trung Quốc có hành động tương tự ở Biển Đông.
Theo The National Interest, nếu Trung Quốc lập ra ADIZ ở Biển Đông, nó có thể sẽ bao trùm lên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough (Trung Quốc cưỡng chiếm từ tay Philippines).
Trung Quốc bắn thử bất hợp pháp tên lửa HQ-9 ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc |
Một báo cáo của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ cũng đưa ra quan điểm tương tự, rằng Trung Quốc có thể sẽ lần lượt lập ra 2 vùng nhận dạng phòng không (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Theo báo cáo này, xét thấy sự hiện diện quân sự (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa mạnh hơn ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc có thể tuyên bố trước: bầu trời quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh là vùng nhận dạng phòng không.
Sau đó, chờ cho đến khi năng lực quân sự mạnh lên, Trung Quốc thấy đủ sức mạnh thì họ sẽ lập ra vùng nhận dạng phòng không thứ hai ở Biển Đông, bao trùm lên quần đảo Trường Sa.
Báo cáo cho rằng, nếu phạm vi vùng nhận dạng bao trùm lên toàn bộ “đường chín đoạn” thì khi đó Trung Quốc sẽ tuyên bố ranh giới yêu sách của họ như thế nào.
Hình ảnh chụp được từ vệ tinh của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho thấy, việc xây dựng (bất hợp pháp) trạm radar ở quần đảo Trường Sa giúp cho Trung Quốc có thể tiến hành giám sát các tàu thuyền và máy bay ở khu vực này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng một số đường băng ở đây. Nếu Bắc Kinh triển khai máy bay chiến đấu ở đó thì hoạt động tuần tra trên không của Bắc Kinh sẽ bao quát 90% khu vực.
Hình ảnh Trung Quốc xây dựng trái phép trạm radar cao tần ở đá Châu Viên, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) do AMTI của cơ quan nghiên cứu Mỹ CSIS công bố ngày 22/2/2016 |
Vào tháng 2/2016, Bắc Kinh đã triển khai (bất hợp pháp) tên lửa đất đối không HQ-9 ở đảo Phú Lâm, tạo ra mối đe dọa lớn đối với máy bay hoạt động trong phạm vi 125 dặm Anh.
Một loạt hoạt động này của Trung Quốc rõ ràng là đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông, hỗ trợ cho Bắc Kinh tăng cường áp đặt yêu sách bất hợp pháp và vô lý ở khu vực này, đồng thời ngăn chặn các đối thủ trong khu vực.
Trong tương lai, Mỹ có thể sẽ thúc đẩy được các đồng minh và đối tác cùng tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông, tiếp cận vùng biển các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Theo bài báo, để tránh cho tình hình căng thẳng Biển Đông ngày càng gay gắt, Bắc Kinh “vẫn cần thận trọng hành động” trong việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông.