Trung Quốc sẽ leo thang những gì tiếp theo ở Biển Đông?

17/04/2016 07:11
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc có thể vin cớ Mỹ-Philippines tuần tra chung và tăng cường hợp tác ở Biển Đông để tăng tốc quân sự hóa đảo nhân tạo ở Trường Sa.

South China Morning Post ngày 17/4 bình luận, xô xát ngày càng tăng giữa Bắc Kinh với Washington trên Biển Đông đã khiến ngày càng nhiều quốc gia châu Á muốn trở thành đồng minh với Mỹ. Trung Quốc có thể vin cớ này để đẩy mạnh quân sự hóa trên các đảo nhân tạo nước này bồi đắp (bất hợp pháp).

Các nhà phân tích Trung Quốc lập luận rằng hoạt động bảo vệ tự do hàng không hàng hải của các tàu chiến Mỹ trên Biển Đông là đang đi qua (cái gọi là) không gian chủ quyền của Trung Quốc, khiêu khích không cần thiết với Bắc Kinh, bởi Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin thăm tàu sân bay USS John C. Stennis ở Biển Đông, ảnh: defense.gov.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin thăm tàu sân bay USS John C. Stennis ở Biển Đông, ảnh: defense.gov.

Người viết cho rằng, nói cách khác giới phân tích và truyền thông Trung Quốc vẫn chỉ âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò cũng như các yêu sách hàng hải pháp lý phi lý, phi pháp và bành trướng cho một số thực thể Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông.

Trong khi đó họ lờ tít đi những hành động leo thang quân sự hóa đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực, họ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi kéo mớ vũ khí tối tân họ ra Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự từ Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc có thể vin cớ Mỹ-Philippines tuần tra chung và tăng cường hợp tác ở Biển Đông để tăng tốc quân sự hóa đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

"Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất phòng thủ trên đảo nhân tạo, bao gồm các loại vũ khí trang bị đất đối không, không đối không, biển đối không và các loại vũ khí cần thiết khác trên lịch trình có sẵn", Lý Kiệt bình luận.

"Hải quân Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên ở Hoa Đông, đi qua các chuỗi đảo trong khu vực vì các hoạt động hàng hải giữa Mỹ và Philippines cho thấy hai nước này có thể cắt đứt đường cơ động của hải quân Trung Quốc ra khỏi khu vực", ông Kiệt nhận xét.

Nghê Lạc Hùng, một nhà bình luận quân sự từ Thượng Hải cho rằng, liên minh tăng cường an ninh Mỹ - Philippines và viện trợ quân sự của Mỹ cho các nước châu Á khác trong tương lai đã chứng minh Washington muốn kiềm chế (tham vọng bành trướng ngông cuồng của) Trung Quốc bằng cách thiết lập một liên minh quân sự từ Hoa Đông tới Biển Đông.

Ông Hùng cho rằng, việc Mỹ can thiệp vào tranh chấp Senkaku / Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào cuối năm 2013 đã "đẩy" Bắc Kinh tuyên bố đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không đầu tiên ở Hoa Đông.

"Bắc Kinh đang rất tức giận sau tuyên bố chung của G-7 về Biển Đông hôm Thứ Hai vừa qua, trong đó cho thấy thậm chí Mỹ sẽ sử dụng phương tiện kinh tế và ngoại giao để gây áp lực lên Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông", ông Hùng bình luận.

Hồng Thủy