(GDVN) - “Về vụ việc cháu Nguyễn Tiến Dũng, ở phường Hoàng Văn Thụ (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) uống thuốc ngủ tại nhà trẻ BabyHome, theo tôi, cần phải xử lí trách nhiệm cả địa phương, trách nhiệm ngành giáo dục, chứ không chỉ về phía trường, có như vậy mới tránh được những việc tương tự”.
>>Bé uống thuốc ngủ tại nhà trẻ: Sở Giáo dục HN chưa biết
GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nêu quan điểm của mình với phóng viên Giáo dục Việt Nam.
Sức khỏe Dũng đã ổn định |
- Mấy ngày gần đây, ông có theo dõi thông tin Bé 2 tuổi (Nguyễn Tiến Dũng ở Hoàng Mai) uống thuốc ngủ tại nhà trẻ không? Ông suy nghĩ thế nào trước sự việc này?
Đây là một lời cảnh báo nữa về các trường mầm non, nhất là trường tư thục. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao trong phòng của trẻ có thuốc ngủ. Ai cũng biết rằng những thứ có thể gây nguy hiểm cho trẻ (như dao, lửa, nước sôi, thuốc, kể cả thuốc bổ nữa) không bao giờ được phép để gần trẻ. Chuyện này người lớn nào cũng phải biết. Các nhà giáo lại càng phải biết.
Vì vậy, chuyện phụ huynh học sinh nghi ngờ và đặt câu hỏi: "Phải chăng các cô giáo thường cho trẻ uống thuốc ngủ để công việc của mình nhàn hơn?", là lẽ bình thường.
Trách nhiệm trong việc này trước hết thuộc về người trực tiếp phụ trách lớp và nhà trường. Điều này đã rõ. Tuy nhiên, theo tôi, cần phải xử lí trách nhiệm cả địa phương chứ không chỉ về phía trường BabyHome, có như vậy mới tránh được những việc tương tự. Ngành giáo dục cũng phải có trách nhiệm trọng chuyện này, thanh tra giáo dục ở đâu mà lại để trường hoạt động không giấy phép? Không thể lấy lý do thiếu trường mà cho tồn tại và không có giấy phép được vì đây là pháp luật, là quyền lợi của người dân, của trẻ em.
- Trong những năm gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc trẻ tử vong tại nhà trẻ, bảo mẫu hành hạ trẻ... Theo ông, đâu là lí do khiến những vụ việc này cứ ngày càng gia tăng?
Theo tôi, trước hết là do các trường quản lý không tốt, các cô không có lòng yêu trẻ và thiếu kĩ năng sư phạm. Câu hỏi cần đặt ra là vì sao các vị đó mở trường, vì sao họ chọn nghề mẫu giáo. Người ta chỉ có thể chọn nghề giáo dục nếu người ta yêu trẻ, yêu sự nghiệp giáo dục. Nếu mở trường chỉ nhằm mục đích kinh doanh, đi làm cô giáo, thầy giáo chỉ để kiếm sống thì không nên chọn nghề này. Nguyên nhân thứ hai là ngành giáo dục và chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, thanh tra thường xuyên.
GS Nguyễn Minh Thuyết |
- Phải chăng, trong những năm gần đây, việc cấp chứng chỉ cho người nuôi dạy trẻ đang ngày càng trở nên dễ dàng?
Gần đây, Chính phủ có chủ trương phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, nhưng xem ra việc phổ cập này cũng hết sức khó khăn. Một mình nguồn lực Nhà nước không đủ để lo việc này.
Còn về tình hình cấp chứng chỉ cho người làm nghề nuôi dạy trẻ thì có lẽ nó cũng nằm trong tình hình chứng chỉ, bằng cấp nói chung ở nước ta hiện nay, nhiều khi không đúng thực chất, có sai sót, thiếu trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá nghiêm túc và có biện pháp giải quyết những bất cập này.
Cơ quan chức năng tạm đóng cửa trường mầm non BabyHome |
Mầm non Quốc tế đôi khi chỉ là “treo đầu dê…”
- Hiện nay rất nhiều trường mầm non mang thương hiệu quốc tế, liệu chất lượng ở các trường này đến đâu?
Hiện nay, từ bậc học mầm non đến đại học, cái tên "quốc tế" bị lạm dụng rất nhiều. Nhiều trường tự xưng là "quốc tế" nhưng không hiểu "quốc tế" ở chỗ nào. Lẽ ra trường quốc tế phải được hiểu là trường có học sinh thuộc nhiều quốc tịch khác nhau theo học chứ không phải trường "có chất lượng quốc tế". Nhưng người mở trường thì cố ý đặt tên một cách mập mờ, còn phụ huynh và học sinh, sinh viên cũng ngộ nhận nên mới có chuyện đổ xô vào các trường ấy. Vấn đề này, ngành giáo dục phải có trách nhiệm. Không phải ai muốn đặt tên trường như thế nào ngành cũng chấp nhận được, vì cái tên mập mờ làm người dân ngộ nhận, gây thiệt hại cho dân.
- Ông nghĩ sao khi ngày càng có nhiều phụ huynh bỏ ra hàng chục triệu đồng để "chạy" cho đứa con mới 2 - 3 tuổi của mình vào được trường mầm non tốt?
Về phía phụ huynh, tôi nghĩ đó là điều tự nhiên. Ai cũng muốn cho con mình học ở những trường có điều kiện tốt nhất.
Còn về phía ngành giáo dục, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để có nhiều cơ sở tốt như thế để cho phụ huynh không phải “chạy”? Bên cạnh các trường công, cũng cần khuyến khích đầu tư từ xã hội. Nhưng xã hội hóa phải trong sự kiểm soát của Nhà nước, tức là đảm bảo các cơ sở mầm non tư thục được mở ra có chất lượng tốt và ngày càng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Đây là một nhiệm vụ mà chính quyền và các cấp cần phải quan tâm.
Xuân Trung
{iarelatednews articleid='920,902,973,1051,1026,1107'}