South China Morning Post ngày 18/4 đưa tin, một máy bay quân sự của Trung Quốc đã hạ cánh (bất hợp pháp) xuống đường băng Trung Quốc mới xây dựng (trái phép) trên đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) lần đầu tiên một cách công khai hôm Chủ Nhật với cái cớ "giải cứu 3 công nhân xây dựng bị bệnh nặng".
Máy bay quân sự Trung Quốc Y-8 hạ cánh bất hợp pháp xuống Chữ Thập, Trường Sa, ảnh: SCMP. |
Tờ Quân Giải phóng Trung Quốc nói rằng, chiếc máy bay quân sự này phải "hạ cánh khẩn cấp khi đang tuần tra" ở Trường Sa để chuyển 3 công nhân xây dựng bị bệnh nặng ở Chữ Thập về Tam Á, Hải Nam chữa trị.
Tờ báo này tuyên truyền rằng, hải quân Trung Quốc đã lập tức điều động chiếc máy bay này tới Chữ Thập khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ công trường xây dựng trên các rặng san hô.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 18/4 bình luận, đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc đã công khai thừa nhận hạ cánh một máy bay quân sự ở Chữ Thập, kể từ khi sân bay được hoàn thành vào tháng Giêng 2016. Một máy bay hàng không dân dụng đã hạ cánh (bất hợp pháp) xuống Chữ Thập, chở theo vợ con thân nhân binh lính, sĩ quan Trung Quốc đồn trú (bất hợp pháp) tại đây.
Wang Yanan, biên tập viên tạp chí Kiến thức Aerospace nói với Thời báo Hoàn Cầu, chiếc máy bay tuần tra Y-8 vừa hạ cánh xuống Chữ Thập cho thấy đường băng đã sẵn sàng để sử dụng cho các hoạt động quân sự. Điều này còn cho thấy hiện Trung Quốc đã có thể kiểm soát không phận trên cả khu vực trải dài đến 1000 km ở Biển Đông.
Trương Quân Xã, một nhà bình luận quân sự Trung Quốc ngụy biện, việc chiếc Y-8 được điều động hạ cánh xuống Chữ Thập để "giải cứu công nhân" có thể chứng minh những hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành là để "thực hiện các hoạt động nhân đạo". Thật nực cười!
Tờ India Times ngày 18/4 dẫn nguồn Thời báo Hoàn Cầu bình luận, các đường băng Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa đủ dài để cất hạ cánh các loại máy bay ném bom tầm xa, máy bay vận tải quân sự hay máy bay chiến đấu phản lực hiện đại nhất trong biên chế.
Điều này khiến Trung Quốc chiếm lợi thế tác chiến đường không trong chiều sâu phòng ngự, "trái tim" của Đông Nam Á, chưa từng có từ trước đến nay.
Động thái leo thang này đã được cảnh báo ngay đầu năm 2016. Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu được South China Morning Post dẫn lời cho biết hôm 8/1, trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, sớm muộn Trung Quốc cũng cho cất hạ cánh thử nghiệm máy bay quân sự (bất hợp pháp) ở Trường Sa.
Người viết cho rằng đây là một bước leo thang mới nguy hiểm đã được cảnh báo và dự đoán từ trước. Việc Trung Quốc lấy cớ "cấp cứu công nhân" thực tế chỉ là một màn kịch theo kiểu "vải màn thưa che mắt thánh" hòng "hoãn xung" phản ứng của các bên liên quan mà vẫn đạt được mục đích thử nghiệm cất hạ cánh máy bay quân sự, quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa.