Financial Times ngày 18/4 đưa tin, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông bằng cách bồi lấp các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên một số rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm đã buộc quân đội Mỹ phải đặt cược tương lai vai trò của mình ở Biển Đông vào một công nghệ mới - tàu ngầm không người lái.
Tàu ngầm không người lái, hình minh họa: Business Insirder. |
Trong 6 tháng qua, Lầu Năm Góc đã bắt đầu nói chuyện công khai về một chương trình bí mật phát triển tàu ngầm không người lái, một phần trong kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc dùng vũ lực thống trị Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã nhắc đến chương trình phát triển tàu ngầm không người lái của Mỹ khi phát biểu về chiến lược quân sự Hoa Kỳ ở châu Á.
Ông Ash Carter đã gợi ý thẳng, hãy sử dụng tàu ngầm không người lái ở Biển Đông, một vùng biển nông khá rộng. Đặc điểm chính của thiết bị này là có khả năng hoạt động trong những vùng nước nông mà các tàu ngầm thông thường không thể. Chúng có kích thước, tải trọng và tính năng đa dạng.
Bằng việc tiết lộ một số thông tin liên quan đến dự án công nghệ này, người ta hy vọng những chiếc tàu ngầm không người lái chính thức đầu tiên được Hoa Kỳ đưa vào biên chế vào cuối thập kỷ này. Lầu Năm Góc đang cố gắng ngăn chặn các đối thủ tiềm ẩn như Trung Quốc và Nga bằng cách tiếp tục duy trì ưu thế quân sự của mình.
Shawn Brimley, một cựu quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cho biết, nếu sử dụng lực lượng này ở Biển Đông, chắc chắn Trung Quốc sẽ khó có thể phát hiện ý đồ chiến lược và bố trí đội hình của quân đội Mỹ. Điều này có thể có một số tác động ngăn cản các hành vi khiêu khích, leo thang.
Khi cạnh tranh quân sự Trung - Mỹ ở Tây Thái Bình Dương gia tăng, tàu ngầm đã trở thành một trong những loại vũ khí khí tài then chốt. Việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào tên lửa đã đặt ra nguy cơ đe dọa tồn vong với lực lượng của Mỹ đồn trú tại một số căn cứ trong khu vực, cũng như các chiến hạm mặt nước của Hoa Kỳ.
Kết quả là Washington phải rót thêm 8 tỉ USD trong những năm tiếp theo để phát triển lực lượng tàu ngầm, đảm bảo cho Hoa Kỳ duy trì được ưu thế quân sự dưới biển, năng lực tấn công chống ngầm tiên tiến nhất trên thế giới.
Tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ đã được Mỹ sử dụng trong tìm kiếm cứu nạn. Hải quân Mỹ cũng đã sử dụng tàu ngầm không người lái do thám, phát hiện mục tiêu. Các khoản đầu tư mới là nhằm mục đích cho lực lượng này hoạt động tự chủ hơn, và cuối cùng có thể mang và sử dụng vũ khí.
Nếu các hoạt động thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, tới năm 2020 Hoa Kỳ sẽ sở hữu một hạm đội tàu ngầm không người lái có thể hoạt động liên tục trong 30 ngày. Sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho đối phương thăm dò, trinh sát và phát hiện lực lượng tàu ngầm không người lái của Hoa Kỳ.
Các quan chức Hoa Kỳ cũng đang tranh luận xem tàu ngầm không người lái được cấp quyền tự chủ cho lực lượng tàu ngầm không người lái, một khi chúng được trang bị các loại vũ khí.