Thông tin về việc cá biển chết trôi dạt vào bờ dọc các tỉnh miền Trung từ Nghệ An vào đến Thừa Thiên – Huế liên tục được truyền thông đưa tin những ngày qua đang nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là những người dân sinh sống gắn liền cuộc sống với biển.
Không còn cá để đánh bắt
Việc cá biển bơi lừ đừ rồi chết hàng loạt không rõ nguyên nhân cụ thể không chỉ tạo ra tâm lý hoang mang lo lắng cho nhiều người mà thực tế là nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của nhiều người dân sinh sống ven biển.
Một con cá Vẩu khoảng 35kg chết trôi dạt vào bờ tại thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh hôm 18/4. Ảnh: B.S |
Cụ thể, tại huyện Phú Lộc, tình Thừa Thiên – Huế hiện tượng cá bơi lờ đờ ở ngoài biển đã bắt đầu xuất hiện từ ngày 14 và 15/4/2016. Đến ngày 16 và 17/4 hiện tượng cá chết hàng loạt đã trôi dạt vào bờ dọc theo bờ biển cửa Lạch Giang; Mũi Chân Mây Đông ở Cảng Chân Mây đã xuất hiện với số lượng và mật độ dày hơn.
Khoảng 3 ngày trở lại đây, cá chết không rõ nguyên do đã bắt đầu có ảnh hưởng đến vùng nước lợ, cửa sông ven biển và lồng nuôi của người dân,..
Trước hiện tượng lạ chưa từng xuất hiện từ trước đến nay, lúc đầu khi mới bắt gặp nhiều người dân tỏ ra vui mừng. Tuy nhiên khi số lượng cá chết tăng lên một cách bất thường, từ mừng nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực ven biển bắt đầu cảm thấy lo lắng thực sự.
Ông Nguyễn Xuân Thảo (55 tuổi) trú tại thôn Bình An xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Bình thường ở Cửa Lạch vẫn thấy cá bơi lội, nhưng cách đây khoảng ba hôm khi thủy triều lên, nước biển ngập vào là khoảng một tiếng sau đã thấy cá chết nổi trắng sông”.
Hiện tại, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn một nửa số dân đang sống nhờ vào nghề đánh bắt gần bờ, phần còn lại đều dựa cả vào biển từ công việc mua bán thủy, hải sản.
Thế nhưng đã hơn một tuần nay nhiều ngư dân không thể ra khơi đánh bắt bởi lượng cá không đủ, mà nếu có đánh bắt được thì cũng không có ai mua.
Ngư dân tại xã Lộc Vĩnh một tuần nay không thể ra khơi đánh bắt cá. Ảnh: B.S |
Trước thông tin cá chết hàng loạt, người dân đã bắt đầu có thái độ dè chừng với đồ biển. Người tiêu dùng không còn chọn hải sản là món ăn ưa thích khiến công việc đánh bắt của các ngư dân cũng như công việc mua bán của các thương lái trở nên vô cùng khó khăn, nói đúng hơn là không có việc gì để làm.
Ông Nguyễn Văn Tạo (60 tuổi) một ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ tại thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc cho biết: “Công viêc chính của người tôi và người dân ở đây là đánh bắt gần bờ.
Tuy nhiên đã gần một tuần tôi cũng như nhiều ngư dân khác không ra biển được chuyến nào bởi cá chết hàng loạt không còn đủ số lượng để đánh bắt. Sống nhờ nghể biển mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ tôi thấy chuyện lạ thế này”.
Cá chết là do nước biển nhiễm bẩn
Những loại cá chết rồi tấp vào bờ không chỉ có loại hiếm gặp mà còn có giá trị cao như: cá mú, cá hanh, cá đuối, cá hồng,... Không chỉ vớt ăn, bà con còn vớt mang về bán lại. Tuy nhiên khi phát hiện cá chết nhiều một cách bất thường, người dân không còn vớt ăn nữa.
Mẫu nước biển nhiễm bẩn được Chi cục Thủy Sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa đi xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân. Ảnh: B.S |
Ông Nguyễn Điểm (58 tuổi) trú tại Phú Hải, Lộc Vĩnh, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) cho hay: “Do người dân không còn vớt mang về, cùng với đó số lượng cá chết quá nhiều, sau mấy ngày cá chết đọng lại đã tạo ra một mùi hôi khó chịu. Một số hộ dân xúc cá mang về cho vịt ăn khiến đàn vịt cũng chết theo”.
Hiện tại, không chỉ có ngư dân, những hộ dân có hồ nuôi trồng thủy sản cũng đang đứng ngồi không yên. Trước việc đã có một số hộ dân có cá trong hồ bị chết do nguồn nước biển nhiễm bẩn, các hộ còn lại vẫn đang tích cực sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ hồ nuôi của mình.
Trước tình trạng nói trên, ông Lê Công Minh – Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết: “Chính quyền địa phương đã có ra thông báo cho người dân không nên ăn và sử dụng cá chết trôi nổi trên biển. Các hồ nuôi trồng thủy sản cũng không nên bơm nước vào vì nguồn nước chưa xác định được”.
Ông Lê Công Minh – Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh làm việc với phóng viên về việc cá biển chết hàng loạt tại địa phương. Ảnh: B.S |
Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Cục Thủy Sản tỉnh Thừa Thiên - Huế (thuộc Sở NN&PTNN tỉnh Thừa Thiên - Huế) khẳng định:
"Nguyên nhân dẫn đến cá biển chết hàng loạt là do nước biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng thêm với việc cá chết lần lượt xuất hiện từ Bắc vào Nam có thể dễ dàng thấy rằng nguồn tác nhân gây hại đã đi theo dòng hải lưu.
Từ trước đến nay hiện tượng cá chết dạt vào bờ nếu có xảy ra thì chỉ xảy ra cục bộ, cá chết dạt vào bờ trên diện rộng như vậy chứng tỏ nguồn tác nhân phải rất lớn".
Được biết, hiện tại mẫu nước từ vùng biển bị nhiễm bẩn đã được Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa đi tiến hành xét nghiệm để đưa ra kết quả cụ thể nhằm tìm ra hướng giải quyết.