Thời báo Hoàn Cầu: Trung Quốc có thể xây nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông

22/04/2016 11:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhà máy điện hạt nhân trên biển có thể cung cấp điện năng cho đèn biển, thiết bị tìm kiếm cứu hộ, tiền đồn quân sự, sân bay, bến cảng ở Biển Đông.

Reuters ngày 22/4 dẫn nguồn Thời báo Hoàn Cầu cho hay, Trung Quốc đang tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân hàng hải, có thể một ngày nào đó được sử dụng để hỗ trợ các dự án của Trung Quốc ở khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc đang khiến cả khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại vì những hoạt động leo thang quân sự hóa, phá vỡ hiện trạng ở Biển Đông, bao gồm xây dựng đường băng quân sự, Reuters lưu ý.

Hình minh họa: scitechdaily.com.
Hình minh họa: scitechdaily.com.

Thời báo Hoàn Cầu cho biết, nhà máy điện hạt nhân hàng hải có thể là giải pháp cung cấp điện ổn định cho vùng sâu, vùng xa, bao gồm Biển Đông. Liu Zhengguo, người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên biển nói với Thời báo Hoàn Cầu, dự án đang tiến triển.

"Sự phát triển của các nhà máy điện hạt nhân trên biển là một xu hướng. Các con số chính xác của những nhà máy được xây dựng (của tập đoàn này) phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Nhu cầu hiện nay khá lớn", Liu Zhengguo nói.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn một báo cáo hồi tháng Giêng năm nay của Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc cho biết, một nhà máy điện hạt nhân trên biển dự kiến sẽ được Trung Quốc xây dựng xong vào năm 2018 và đưa vào sử dụng năm 2019.

Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu, nhà máy điện hạt nhân trên biển có thể cung cấp điện năng cho đèn biển, thiết bị tìm kiếm cứu hộ, tiền đồn quân sự, sân bay, bến cảng ở Biển Đông.

"Thông thường chúng tôi phải sử dụng điện năng từ than hoặc dầu. Tuy nhiên với khoảng cách từ Trung Quốc đại lục đến Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) và sự thay đổi liên tục của thời tiết, khí hậu trên Biển Đông, việc vận chuyển nhiên liệu ra Trường Sa là một vấn đề. Đó là lý do tại sao việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển có ý nghĩa lớn", Lý Kiệt bình luận.

Trong một động thái có liên quan, sắp đến thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, Bắc Kinh càng điên cuồng tìm cách đối phó.

Trong chuyến thăm Brunei, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lặp đi lặp lại lập trường của Trung Quốc về cái gọi là "tư duy song trục", thực chất là tìm cách gạt Mỹ và cơ quan tài phán quốc tế ra khỏi vấn đề Biển Đông.

Ông Nghị kêu gọi thực hiện cái gọi là tư duy "song trục" hay "hai cánh", rằng tranh chấp Biển Đông chỉ nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp; tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông chỉ nên do Trung Quốc và ASEAN bảo vệ.

Tuy nhiên Đa Chiều ngày 21/4 đã nhận định, đây chỉ là kế hoãn binh của Trung Nam Hải, bởi bản thân giới chức Bắc Kinh chả hy vọng gì vào cái gọi là "tư duy song trục". Nếu có chăng, thì 2 trục Bắc Kinh đang ráo riết thực hiện, một là đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, tăng cường khả năng khống chế thực địa để tạo thế thượng phong trong đàm phán sau này.

Hai là không ngớt miệng rao rảng với các nước ASEAN rằng không được ngả theo Mỹ, trong khi Bắc Kinh vẫn không ngừng leo thang khống chế Biển Đông. Đó mới là bản chất thật của cái gọi là "tư duy song trục".

Hồng Thủy