China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 22/4 bình luận, đúng lúc Biển Đông căng thẳng việc ông Tập Cận Bình khoác quân phục rằn ri, đi giày dã chiến đến Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp - cơ quan đầu não của quân đội Trung Quốc thị sát với chức danh mới, Tổng chi huy / Tổng tư lệnh mang một thông điệp cứng rắn, liên quan đến căng thẳng leo thang trên Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình trong trang phục dã chiến và ngồi ghế Tổng chỉ huy, ảnh: ifeng.com. |
Động thái này diễn ra sau một loạt sự kiện, Phạm Trường Long đổ bộ (bất hợp pháp) xuống Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), Trung Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 "gần Biển Đông", và một loạt hành động leo thang kéo vũ khí ra Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) cũng như quân sự hóa ở Trường Sa.
China Times lưu ý, trước đây quân đội Trung Quốc cũng lập sở chỉ huy trong các hoạt động quân sự, nhưng chỉ thành lập khi có nhiệm vụ. Còn quy trình chỉ huy thì mỗi trận, mỗi đơn vị một kiểu. Nhưng từ tháng 9 năm ngoái khi ông Tập Cận Bình bắt đầu khởi động chiến dịch cải cách quân đội, mọi thứ đã thay đổi.
Ông Bình trực tiếp thống lĩnh, quản lý và chỉ huy các lực lượng vũ trang, không qua các tướng Phó Chủ tịch Quân ủy như những nhà lãnh đạo tiền nhiệm.
Tờ Đa Chiều ngày 21/4 thì bình luận, các đời Chủ tịch Quân ủy trung ương tiền nhiệm chỉ mặc bộ đồ kiểu "đại cán" Mao Trạch Đông màu xanh lục khi dự họp cùng quân đội chứ chưa ai mặc áo rằn ri, đi giày dã chiến như ông Bình.
Tháng 1/2014, lần đầu tiên Tập Cận Bình khoác rằn ri, đi giày dã chiến thị sát bộ đội biên phòng. Lần này với trang phục dã chiến thị sát Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp cho thấy, ông rất coi trọng thực chiến. Hơn nữa, tại trung tâm này Tập Cận Bình nhắc đi nhắc lại chỉ thị cho quân đội phải biết đánh và đánh thắng trong chiến tranh.
Đồng thời bộ quân phục dã chiến mà ông Bình mặc cũng chuyển tải một thông điệp cứng rắn trong chính sách đối ngoại. Cùng với sự vụ Phạm Trường Long đổ bộ xuống Chữ Thập và Trung Quốc thử tên lửa DF-41 ở Biển Đông thời gian này, Tập Cận Bình khoác "chiến bào" vào sở chỉ huy đầu não là muốn thể hiện thái độ "không sợ chiến tranh". Chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ đang thực sự phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm.
Trong một động thái khác có liên quan, Reuters ngày 22/4 cho biết, giữa lúc Trung Quốc "trỗi dậy", các nước ASEAN đang tập trung thay thế lực lượng máy bay chiến đấu đã lão hóa của không quân nước mình. Việc Trung Quốc ngày một cơ bắp, hung hăng táo tợn hơn trong bành trướng Biển Đông đã khiến các nước Đông Nam Á phải đẩy mạnh phòng thủ.
Những giao dịch hàng tỉ USD để hiện đại hóa lực lượng không quân, hải quân đang diễn ra trong khu vực, mang lại nguồn lợi rất lớn cho các tập đoàn, công ty sản xuất vũ khí, nhất là máy bay chiến đấu. Malaysia đang lên kế hoạch thay thế loạt MiG-29 mua của Nga những năm 1990 đã cũ sau nhiều năm trì hoãn. Kuala Lumpur có thể mua 18 máy bay phản lực mới trị giá hơn 2,5 tỉ USD.
Thái Lan đã sở hữu F-5 của Nothrop và F-16 của Lokheed Martin, đã đặt mua chiến đấu cơ Saab JAS 39 Gripen và có thể đặt hàng nhiều hơn nữa từ Thụy Điển. Việt Nam đã có đàm phán sơ bộ với hãng Saab và Dassault của Pháp để mua ít nhất 12 máy bay chiến đấu, Reuters dẫn nguồn tin ngành công nghiệp quốc phòng cho biết. Việt Nam cũng đang đàm phán mua Su-35 của Nga.
Reuters lưu ý, tuần này máy bay quân sự Trung Quốc đã công khai hạ cất cánh ở đường băng trên đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Điều này thúc đẩy lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sớm kéo chiến đấu cơ hiện đại của họ ra triển khai (bất hợp pháp) ở Trường Sa.
Craig Caffrey, nhà phân tích quốc phòng tại IHS Jane cho biết: "Căng thẳng ở khu vực châu Á - Thái BÌnh Dương đã thúc đẩy một quá trình hiện đại hóa quân sự ở một số nước. Philippines, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển sức mạnh quân sự nhưng vẫn đứng sau Trung Quốc. Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào của việc xu hướng này sẽ kết thúc."