Khi bỏ phiếu lựa chọn đại biểu, cử tri cần phải hiểu Đại biểu có những quyền hạn gì?
Quyền trong việc trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh
Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.
Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật.
Quyền khi là thành viên và tham gia Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội. Căn cứ vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác, Đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội.
Trên cơ sở đăng ký của Đại biểu Quốc hội lập danh sách thành viên Hội đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền đăng ký tham dự phiên họp do Hội đồng, Ủy ban tổ chức để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.
Mỗi đại biểu quốc hội cần phát huy mạnh mẽ quyền hạn của mình, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. ảnh: Trung tâm thông tin báo chí. |
Quyền tự ứng cử và giới thiệu người ứng cử
Quyền của đại biểu khi ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh nhà nước do Quốc hội bầu. Người được ứng cử có quyền rút khỏi danh sách những người ứng cử
Quyền chất vấn
Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại phiên họp Quốc hội. Trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.
Trường hợp Đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.
Quyền kiến nghị làm Hiến pháp
Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập ủy ban lâm thời của Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà Đại biểu Quốc hội thấy cần thiết.
Bên cạnh các quyền, Đại biểu Quốc hội cũng phải có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Tiếp xúc cử tri theo chương trình của đoàn Đại biểu Quốc hội. Có trách nhiệm báo cáo cử tri về hoạt động của đại biểu và Quốc hội. Tiếp nhận các khiếu nại tố cáo của công dân và chuyển tới cơ quan có thẩm quyền; đôn đốc và theo dõi việc giải quyết, thông báo cho người khiếu nại tố cáo biết. |
Kiến nghị của Đại biểu Quốc hội được gửi bằng văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nêu rõ lý do, nội dung kiến nghị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của Đại biểu Quốc hội theo thẩm quyền và báo cáo Quốc hội trong các trường hợp quy định hoặc trong các trường hợp khác mà Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy cần thiết.
Trường hợp có từ 1/3 tổng số đại biểu trở lên kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập ủy ban lâm thời của Quốc hội, quyết định họp bất thường, họp kín hoặc có từ 20% tổng số Đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với một người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo để Quốc hội xem xét, quyết định.
Số lượng kiến nghị cần thiết là tổng số kiến nghị mà Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp nhận được trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp này đến trước ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo hoặc đến trước ngày tiến hành phiên họp của Quốc hội về nội dung có liên quan trong trường hợp Đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội tổ chức phiên họp kín.
Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Quyền đối với những hành vi vi phạm pháp luật
Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của đại biểu quốc hội, cơ quan, tổ chức phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu quốc hội biết.
Quá thời hạn này mà cơ quan, tổ chức không trả lời thì Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu của cơ quan, tổ chức cấp trên xem xét, giải quyết.
Quyền yêu cầu cung cấp thông tin
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu quốc hội yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội có quyền miễn trừ
Không được bắt, giam, giữ, khởi tố Đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của Đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và làm việc của Đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền Viện trưởng VKS nhân dân tối cao.
Trường hơp đại biểu quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.