Đa Chiều ngày 22/4 cho biết, hạ nghị sĩ Mỹ Mark Takai đã phản đối Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương-2016 tổ chức ở Trân Châu Cảng. Ông đề nghị sửa đổi Luật trao quyền quốc phòng năm tài khóa 2017, mục đích là trong tình hình Lầu Năm Góc không huỷ bỏ lời mời, vẫn cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Giao lưu quân sự Trung-Mỹ. Nguồn ảnh Reuters/Đa Chiều |
Ông yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cần hủy bỏ lời mời (có điều kiện) Quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương-2016.
Tờ The National Interest Mỹ ngày 19/4 dẫn bài viết của cựu chuyên gia Shirley A. Kan từ Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho rằng, Quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quan trọng này vẫn là một vấn đề nhạy cảm đối với Mỹ.
Điều này chủ yếu xuất phát từ sự lo ngại trên một số phương diện như: bảo vệ kỹ chiến thuật, phương pháp và thủ tục của Mỹ và đồng minh; ngăn chặn rò rỉ thông tin về các trang thiết bị và dịch vụ quốc phòng của Mỹ; tuân thủ luật pháp Mỹ.
Thông qua việc từ chối cho Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, Mỹ sẽ truyền đi một thông điệp chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc.
Bởi vì Quân đội Trung Quốc rất coi trọng cuộc tập trận do Mỹ đứng đầu. Họ không chỉ muốn tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị của Mỹ, mà còn muốn học hỏi huấn luyện, tri thức và kinh nghiệm tác chiến tiên tiến và linh hoạt hơn của Quân đội Mỹ.
Diễn tập hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương-2012. Nguồn ảnh: Internet |
Đối với Quân đội Trung Quốc, tham gia tập trận chung với quân đội nước ngoài có thể đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, năm 2013, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo, Quân đội Trung Quốc có thể làm quan sát viên khi tham gia cuộc tập trận có sự tham gia của các thiết bị, hệ thống và vũ khí Mỹ. Điều này có thể sẽ làm rò rỉ thông tin về các trang thiết bị quốc phòng, thông số kỹ thuật hoặc dịch vụ quốc phòng của Mỹ.
Mỹ loại Trung Quốc ra ngoài có rất nhiều nguyên nhân. Từ chối Quân đội Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương có thể làm cho nguồn lực tài chính có hạn và các nguồn lực khác tập trung nhiều hơn cho đồng minh và đối tác, chứ không phải để Trung Quốc thu lợi.