Phí BOT và câu chuyện tăng phí tại các tuyến đường được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hình thức BOT đã và đang trở thành đề tài nóng được dư luận quan tâm. Không chỉ là những bức xúc của người dân, doanh nghiệp vận tải ngay cả chính quyền địa phương cũng có những kiến nghị xin giảm mức phí BOT trên tuyến đường quốc lộ.
Tỉnh xin giảm phí BOT
UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam xem xét điều chỉnh giảm mức phí xe container trên Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trạm thu phí Quốc lộ 5 - ảnh nguồn Petrotimes. |
Trước đó, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hải Dương, từ ngày cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5 thông báo tăng phí, lưu lượng xe container trên tỉnh lộ 391 tăng đột biến, kéo theo tình trạng an toàn giao thông trên tuyến có nhiều diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng này, Sở Giao thông vận tải Hải Dương đã phải tổ chức cuộc họp bàn với sự tham dự của đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công an tỉnh và Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam nhằm tìm biện pháp giải quyết tình trạng xe đổ về tỉnh lộ 391 tăng đột biến.
Ngay sau hội nghị, Sở Giao thông vận tải Hải Dương đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề xuất phương án cấm xe lưu thông trên tỉnh lộ 391 theo giờ.
Tuy đưa ra giải pháp cấm xe trên nhưng theo UBND tỉnh Hải Dương, nếu không điều chỉnh giảm mức phí cho xe container 4 trục trở lên tại các trạm thu phí trên Quốc lộ 5 và đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì lượng xe đi vào cung đường tỉnh lộ 391 sẽ không giảm, việc mất an toàn giao thông, hư hại tuyến đường là điều khó tránh.
Mặt khác, địa phương như Hải Dương cũng không thể cấm được lái xe container đi vào tuyến đường nếu họ không vi phạm.
Trạm thu phí cầu Hạc Trì - ảnh nguồn Báo Nhân dân. |
Tương tự, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã có kiến nghị Công ty CP BOT cầu Việt Trì miễn phí cho phương tiện dưới 7 chỗ không kinh doanh của người dân phường Bạch Hạc.
Đồng thời, xem xét giảm phí cho phương tiện ôtô dưới 7 chỗ không kinh doanh của người dân xã Sông Lô, hoặc người dân có quê quán ở phường Bạch Hạc có hộ khẩu thường trú ở các xã, phường khác của TP. Việt Trì khi đi qua cầu Hạc Trì.
Trước đề nghị của các địa phương trả lời nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết, miễn hay giảm phí cho các phương tiện như thế nào là tùy thuộc vào nhà đầu tư.
Nhưng khoản miễn, giảm phí cho các phương tiện nhà đầu tư không được tính vào phương án hoàn vốn, tức thời gian hoàn vốn không được kéo dài hơn hợp đồng đã ký là 20 năm 8 tháng.
Nói phí BOT Việt Nam thấp nhất khu vực sao dân còn phản đối?(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên,không có tiêu chí để so sánh và không thể so sánh mức phí BOT giữa các nước bởi mức thu nhập bình quân đầu người mỗi quốc gia khác nhau. |
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, mức phí BOT tại Việt Nam đang thấp nhất Đông Nam Á và để xây dựng phương án BOT, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 3 điều kiện gồm thời gian hoàn vốn thì trong vòng từ 20-30 năm, tốt nhất là 23-25 năm dựa theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới; mức thu phí và chiều dài tuyến đường đầu tư.
Như vậy, theo Bộ Giao thông vận tải, về cơ bản hiện nay vấn đề thu phí đường BOT thu đúng theo quy định và thấp hơn mức quy định của Bộ Tài chính.
Trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu?
Trước câu trả lời của Bộ Giao thông vận tải cho rằng mức thu phí đường BOT hiện nay đúng quy định và việc miễn hay giảm phí cho các phương tiện như thế nào là tùy thuộc vào nhà đầu tư… PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia giao thông đặt câu hỏi: Nếu việc miễn, giảm mức phí phụ thuộc vào chủ đầu tư vậy trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải tại các dự án BOT ở đâu?
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, khi dự án BOT hoàn thành đi vào sử dụng và thu phí, nếu mức thu cao các địa phương đề xuất Bộ Giao thông vận tải cần có giải pháp chứ không phải trả lời chung chung và “đá” trách nhiệm cho nhà đầu tư.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia giao thông trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. |
“Có thể thấy, thay vì cố định thời gian thu phí nên tăng 1-2 năm thu phí để giảm mức thu phí cho người dân giai đoạn hiện nay hoặc giảm mức thu hiện nay và tăng trong giai đoạn sau. Trong kinh tế, bao giờ giá trị tiền tương lai cũng thấp hơn hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.
Lý giải nguyên nhân tăng mức phí đường BOT, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích: Thời điểm phê duyệt lựa chọn hình thức đầu tư BOT thiếu sự minh bạch công khai. Tâm lý cơ quan quản lý nhà nước cho rằng làm đường BOT không sử dụng ngân sách nên để cho nhà đầu tư "toàn quyền" các dự án, hạng mục, điều đó dễ dẫn đến thiếu sự kiểm soát, khiến chi phí xây dựng, nâng cấp đường tăng cao.
Vấn đề quan trọng hiện nay là thiếu kiểm soát các phương án đầu tư. Khi có chủ đầu tư, liên danh nhà đầu tư đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường, cây cầu nào đó, Bộ Giao thông vận tải nên tổ chức đấu thầu, tự khảo sát tính toán riêng để so sánh với phương án của nhà đầu tư.
Tuy nhiên hiện nay, việc dễ dàng chấp thuận khi có doanh nghiệp xin đầu tư làm đường BOT dẫn đến lỗ hổng quản lý suất đầu tư và đây là nguyên nhân khiến mức phí liên tục tăng để kịp với thời gian thu phí.
PGS.TS Tống cũng cho rằng, có sự mâu thuẫn trong trả lời của Bộ Giao thông vận tải, trước đó Bộ từng nói việc thu phí BOT, đặt trạm BOT có sự đồng ý các địa phương. Vậy tại sao đồng ý rồi các địa phương lại có kiến nghị?
“Rõ ràng việc triển khai các dự án BOT nhưng thiếu minh bạch ngay từ phê duyệt dự án, tính toán mức đầu tư dẫn đến hệ lụy mức thu cao, doanh nghiệp, người dân tìm cách né trạm BOT, gây xáo trộn trật tự giao thông dẫn đến nhà đầu tư BOT không thu được vốn, gây hư hại và mất an toàn giao thông các tuyến đường liên huyện, liên xã”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống kết luận.
Để giải quyết triệt để vấn đề mức phí BOT, theo ông Tống có lẽ người dân phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Ở mình ở điều rất lạ những việc nhỏ mà phân cấp quản lý hoàn toàn các địa phương, Bộ, Ngành làm được nhưng cứ phải chờ Thủ tướng chỉ đạo. Vấn đề mức phí BOT theo tôi cũng phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Tống nói.