Đưa tiêu chí "khó" để loại nhà thầu?
Theo phản ánh của một chuyên gia kinh tế, trong khi tìm hiểu nguyên nhân Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nguy cơ mất trắng hàng ngàn tỉ mà dư luận nêu thời gian qua thì ông phát hiện một chuyện khác tại cơ quan này, cũng rất đáng lo ngại.
Theo ông, quá trình đấu thầu mua sắm máy phát điện cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam các tỉnh, thành phố theo phương thức tập trung, đơn vị tổ chức đấu thầu có nhiều dấu hiệu bất thường, vi phạm Luật Đấu thầu.
Trước đó, ngày 18/3/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Quyết định số 405/QĐ-BHXH phê duyệt dự án đầu tư mua sắm máy phát điện cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố theo phương thức tập trung với tổng mức đầu tư là 48,8 tỷ đồng.
Theo đó, sẽ có 54 cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố được trang bị trong năm 2016 (máy phát điện 500KVA: 03 chiếc; máy phát điện 300KVA: 01 chiếc; máy phát điện 200 KVA: 50 chiếc).
Ngày 05/4/2016, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký Quyết định số 150/QĐ-VP về việc phát hành Hồ sơ mời thầu Gói thầu mua sắm máy phát điện cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố theo phương thức tập trung, với trị giá gói thầu là 47.346.200.000 đồng.
Nguồn vốn từ chi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đến 10h15 ngày 26/4/2016, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiến hành mở hồ sơ dự thầu của các nhà thầu (phần đề xuất kỹ thuật).
Hồ sơ mời thầu, gói thầu mua sắp máy phát điện cho Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố... (ảnh: TIẾN MINH). |
Vị chuyên gia này sau khi xem Hồ sơ dự thầu gói thầu nêu trên cho biết, với hồ sơ mời thầu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì cực kỳ ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được các yêu cầu.
“Tôi lấy làm lạ, nếu đúng đây là hồ sơ mời thầu thì với kiến thức của tôi cho thấy ở Việt Nam chỉ có vài doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu. Điều này khiến cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam mất đi cơ hội lựa chọn hàng tốt, giá tốt...”, vị chuyên gia này nói.
Theo chuyên gia này, có thể liệt kê nhiều nội dung nhằm hạn chế nhà thầu được bên mời thầu đưa ra trong Bảng dữ liệu đấu thầu như: Thư hỗ trợ hoặc giấy phép bán hàng của hãng sản xuất (hoặc đại diện hãng sản xuất tại khu vực châu Á/Việt Nam) đối với động cơ và đầu phát của máy phát điện nhà thầu chào trong gói thầu này.
Giấy ủy quyền OEM tại Việt Nam của hãng sản xuất hoặc đại diện hãng sản xuất tại khu vực châu Á đối với động cơ và đầu phát của máy phát điện nhà thầu chào trong gói thầu này còn hiệu lực tối thiểu 04 tháng tính từ thời điểm đóng thầu.
Những điểm này bên mời thầu đưa ra chỉ phù hợp với loại máy phát điện được lắp ráp trong nước, không phù hợp với các sản phẩm nhập khẩu đồng bộ.
Từ những nội dung hạn chế trong bảng dữ liệu đấu thầu đã được “cài cắm” triệt để trong phần yêu cầu về kỹ thuật.
Cụ thể, đối với máy phát điện 500KVA, phần động cơ
“...Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”, Điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. |
(phần quan trọng nhất của máy) trong hồ sơ đã đưa ra các thông số chốt chặt như: số xi lanh, kiểu: lớn hơn hoặc bằng 8 xi lanh, kiểu V; đường kính và hành trình pitong: 132x145mm; kiểu bộ điều tốc: điện tử EMR2; tiêu chuẩn điều tốc: G2... Đối với máy phát điện 300KVA và 200KVA cũng đưa ra những yêu cầu kỹ thuật tương tự.
Theo các chuyên gia về máy phát điện, với những yêu cầu nêu trong hồ sơ trên là hạn chế động cơ cho máy phát.
"Với các thông số trên, hiện nhà thầu nào đang có trong tay loại máy phát điện sử dụng động cơ Duetz là đạt yêu cầu.
Còn đối với các doanh nghiệp có máy phát điện nhưng không sử dụng động cơ Duetz không thể đáp ứng được yêu cầu.
Hồ sơ mời thầu mà chả khác gì chỉ định thầu với các yêu cầu dường như đã được định sẵn cho một sản phẩm cụ thể nào đó...", vị chuyên gia chỉ ra mấu chốt của vấn đề.
Yêu cầu cơ bản của quá trình lựa chọn nhà thầu là bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Những nội dung này đã được cụ thể hóa rất rõ ràng trong các điều khoản trong Luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật liên quan.
Với giá gói thầu gần 50 tỷ đồng và với những biểu hiện vi phạm Luật Đấu thầu mà nhà thầu phản ánh, các cơ quan chức năng cần khẩn trương làm rõ những nghi vấn trên.
Ngày 26/11/2015, Quốc hội Khóa 13 đã thông qua Luật đấu thầu sửa đổi. Tại đây, có nhiều điều khoản mới, trong đó có giao nhiệm vụ cho Chính phủ ban hành các quy định nhằm xiết chặt các hoạt động đấu thầu. Đặc biệt chú ý đến việc nâng cao quản lý, hạn chế tình trạng thông thầu, hạn chế thầu và các tiêu cực khác trong công tác này. |