Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, để thuận lợi cho công tác, Chính phủ quyết định chọn khu vực Thành cổ Hà Nội là nơi làm việc của Bộ Quốc phòng. Từ đó, khu vực Thành cổ Hà Nội trở thành Khu A, là nơi làm việc của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu, trở thành Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngôi nhà hai tầng do quân Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX trước thềm rồng được chọn làm nơi làm việc của Cục Tác chiến/Bộ Tổng tham mưu, sau này thường gọi là Nhà làm việc Cục Tác chiến.
Được che phủ bằng những tán cây cổ thụ, Khu A Thành cổ Hà Nội luôn là vị trí ưu tiên bảo vệ an toàn tuyệt đối trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ. Năm 1964, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, sau đó mở rộng chiến tranh, đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam.
Việc cấp thiết, quan trọng là phải bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến để chủ động đối phó chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo đảm an toàn các phương tiện kỹ thuật chỉ huy đến các chiến trường. Một căn hầm bí mật ở phía Tây Nhà làm việc Cục Tác chiến được xây dựng năm 1965, hoàn thành năm 1966 với mật danh là T1.
Hầm tác chiến T1 do các kỹ sư thuộc Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế, xây dựng. Để giữ bí mật và che mắt địch, Bộ Tư lệnh công binh đã tự phá sập một phần Nhà tác chiến (ngôi nhà 2 tầng do Pháp xây dựng) để tạo hiện trường giả. Khi hòa bình lập lại, Bộ quốc phòng đã cho xây dựng lại phần nhà Tác chiến như hiện nay.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến BTTM (người đứng giữa), thăm lại Hầm tác chiến T1. Đằng sau ông là tấm bản đồ còn khá nguyên vẹn. (Ảnh chụp ngày 6-10-2011). |
Từ năm 1966 đến năm 1975, Hầm tác chiến T1 dùng làm Sở chỉ huy, được tăng cường hệ thống tiêu đồ, hệ thống thông tin liên lạc, còi báo động, loa phóng thanh thông báo về máy bay địch, xây dựng đường dây thông tin trực tuyến với Bác Hồ, và các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị.
Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn… đã thường xuyên làm việc và trực tiếp chỉ đạo các chiến trường tại đây. Yếu tố thời gian là rất quan trọng trong công tác tác chiến, nên nhiều khi các cán bộ tác chiến trực tại sở chỉ huy thường vượt cấp báo cáo trực tiếp với Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau đó mới báo cáo lại với Thủ trưởng Cục Tác chiến.
Đồng chí Lê Duẩn có lần từng nói: “Các đồng chí trực trong Sở chỉ huy thế này quan trọng lắm. Cục Tác chiến không phải chỉ là Cục của Bộ Tổng tham mưu mà còn là Cục Tác chiến của Bộ Chính trị nữa đấy!”. Đặc biệt trong thời điểm chiến sự ác liệt, các đồng chí lãnh đạo cao cấp trong quân đội thường xuyên có mặt ở Hầm T1 chỉ huy các chiến trường kịp thời. Sau giải phóng miền Nam đến cuối năm 1975 do tình hình thực tế lúc đó, Hầm T1 ít được sử dụng hơn, tuy nhiên vẫn là sở chỉ huy dự bị khi có tình huống.
Năm 2004, Bộ Quốc phòng bàn giao những công trình thuộc Khu A cho Thành phố Hà Nội quản lý, trong đó Hầm ngầm T1 được bàn giao cho Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội sử dụng. Tuy nhiên hiện nay mặc dù đã được xếp hạng di tích, nhưng Hầm T1 vẫn chưa đón du khách vào tham quan.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến BTTM-người đã có nhiều năm liền làm việc trong Hầm T1 sau nhiều năm về nghỉ, khi thăm lại nơi mình từng làm việc nói với chúng tôi, sau bao nhiêu năm, mọi thứ bài trí trong căn hầm gần như vẫn còn nguyên vẹn. Ông còn cho biết thêm trong Hầm T1 có một chiếc điện thoại đặc biệt dành riêng để liên lạc trực tiếp với Bác Hồ ở Phủ chủ tịch vì Cục Tác chiến là nơi đầu tiên (cấp trung ương) nhận được thông tin các đơn vị báo về tình hình chiến sự, trong đó có thông tin máy bay Mỹ sắp tấn công nơi nào.
Ngày 6-10 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cổ Loa –Thành cổ Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Di tích Cách mạng hầm tác chiến với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Trong buổi tọa đàm này, các nhà khoa học cũng như những nhân chứng lịch sử đã cung cấp thêm nhiều chứng cứ và tư liệu lịch sử quan trọng góp phần khẳng định những giá trị lịch sử của Hầm T1. Mong rằng trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội sớm có phương hướng trùng tu, tôn tạo Hầm T1 để du khách trong và ngoài nước có thêm một điểm tham quan có ý nghĩa khi đến với quần thể Di tích Thành cổ Hà Nội.