Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ về việc điều chỉnh lãi suất cho vay với doanh nghiệp và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc nghiên cứu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường... Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay kể từ ngày 29/4/2016.
Cụ thể, lãi suất cho vay VNĐ sẽ được điểu chỉnh giảm như sau: Lãi suất cho vay ngắn hạn: Giảm đến 0,5%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh;
Lãi suất cho vay trung dài hạn: Tối đa không quá 10%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh;
Phạm vi áp dụng: Đối với các khoản vay mới kể từ thời điểm công bố thông tin.
Từ ngày 29/4/2016 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện giảm lãi suất vay VND - ảnh nguồn BIDV |
Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, BIDV đồng thời thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tín dụng, huy động vốn, tài chính...
Theo đó, trong thời gian tới, BIDV tập trung đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ qui mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.
Đồng thời, BIDV tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập...
Trong lĩnh vực huy động vốn, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững nền vốn hiện tại, BIDV đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và các chỉ số an toàn theo qui định của Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, từ nay đến cuối 2016, BIDV sẽ nỗ lực tiết giảm 500 - 600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến qui trình nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính...
Với việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này, BIDV thể hiện vị trí, vai trò của tổ chức tín dụng luôn chủ động, tiên phong thực hiện chính sách tiền tệ, các chính sách kinh tế lớn của Nhà nước. Đây cũng là hành động thiết thực của BIDV nhằm chia sẻ tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Trước đó phát biểu tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam 2016, Chủ tịch BIDV ông Trần Bắc Hà cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2016 kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức, GDP có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Quý 1 chỉ tăng 5,46% (so với 6% năm 2015); chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 7,3% (so với mức 9,4% cùng kỳ năm trước); 6 tháng đầu năm GDP dự báo tăng khoảng 5,7-5,8%, chỉ số sản xuất công nghiệp dự báo tăng khoảng 7,5%, CPI sẽ ở mức 2,5-3%.
Chủ tịch BIDV ông Trần Bắc Hà cho biết trong khi chờ quyết định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì BIDV sẽ chủ động giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp |
Để đạt mức tăng trưởng 6,7% năm 2016, GDP quý 3 và 4 phải đạt mức tăng trưởng 7,2-7,4%; sản xuất công nghiệp phải tăng khoảng 9%; và CPI có thể tăng vượt mức 3% (khoảng 3,5-4%), theo ông Trần Bắc Hà không dễ dàng.
Qua đó, vị Chủ tịch BIDV nêu ra bốn giải pháp: Thứ nhất, phải hoàn thiện thể chế, thúc đẩy doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước. Trong đó cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Cụ thể, các cơ chế cần được thể chế hóa bằng Luật, nhưng cần đảm bảo phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế cũng như các FTA Việt Nam đã ký kết; để đến năm 2018 Việt Nam chính thức được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là về nhân lực/lao động, tài chính, Khoa học Công nghệ, thương mại, khởi nghiệp...
"Phải xây dựng cơ chế giám sát và chế tài xử lý mạnh mẽ đối với những cán bộ thực thi công quyền không hoàn thành nhiệm vụ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp; tăng cường giám sát trực tiếp của người dân, doanh nghiệp, báo chí", Chủ tịch Trần Bắc Hà cho biết.
Thứ hai, phải đẩy mạnh việc minh bạch, công khai, thực hiện niêm yết công khai các quy định, chính sách, thiết lập các cổng thông tin điện tử, đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính điện tử. Quy định cụ thể thời gian tối đa đối với các thủ tục hành chính và trách nhiệm trực tiếp của người thực thi, có chế tài cụ thể xử phạt hành chính bằng tiền, thi hành kỷ luật đối với các hành vi sách nhiễu, hạch sách, tự đưa ra các quy định.
Đối với những tố cáo, khiếu nại chính đáng của người dân, doanh nghiệp, người đứng đầuu đơn vị phải trực tiếp xử lý một cách khách quan, trung thực và công khai.
Thứ ba, từng bước hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế tư nhân của quốc gia. Trên cơ sở chủ trương đã được khẳng định tại Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng XII cũng như kinh nghiệm phát triển các tập đoàn kinh tế lớn của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; Chính phủ cần xây dựng chiến lược cụ thể trong khuyến khích phát triển, hình thành các tập đoàn kinh tế lớn của quốc gia
Thứ tư, cần đổi mới trong tư duy hợp tác kinh doanh phát triển. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ “Thắng – Thua” sang “Hai bên cùng thắng” (Win – Win” trên quan điểm vừa hợp tác vừa cạnh tranh, tăng cường liên kết – kết nối, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, văn hóa ... mở rộng quan hệ hợp tác, chia sẻ thông tin thị trường những vẫn đảm bảo tính cạnh tranh.
Để thực hiện mục tiêu trên, BIDV đề xuất 5 nhóm giải pháp cụ thể và cam kết đồng hành, hỗ trợ đối với các Doanh nghiệp như: Thứ nhất, nhóm giải pháp tăng cường cung ứng vốn, đầu tư cho sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bao gồm. Trong đó BIDV đề nghị phải tiếp tục xem xét giải pháp gia tăng vốn đầu tư và giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% -1%; tiếp tục thực hiện tiết giảm chi tiêu và đa dạng hóa đầu tư công; phát triển cân bằng, đa dạng thị trường tài chính.
Thứ hai tiếp tục thực hiện tiết giảm chi tiêu và đa dạng hóa đầu tư công
Thứ ba, nhóm giải pháp xử lý triệt để vấn đề nợ xấu
Thứ tư, nhóm giải pháp giải quyết vấn đề tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.
Thứ năm, thí điểm phát hành Trái phiếu Chính phủ hàng hóa