Dưới sự chủ trì trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị doanh nghiệp 2016 diễn ra tại TP.HCM đã thành công, hoàn thành mục tiêu trở thành câu nối để doanh nghiệp Việt Nam được trực tiếp trao đổi, đối thoại với Chính phủ, ngưới đứng đầu chính phủ về những khó khăn, vướng mắc cũng như tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực để phát triển kinh tế đất nước”, Hội nghị doanh nghiệp 2016 khẳng định, doanh nghiệp là nhân tố trọng tâm, là động lực phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, muốn phát huy được sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước mắt Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 - Ảnh: chinhphu.vn. |
Điều hành, chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề.
Với doanh nghiệp, nói thẳng những vướng mắc, những rào cản đang gặp phải. Với các Bộ, ngành... Thủ tướng yêu cầu phải trả lời thẳng vấn đề thắc mắc của doanh nghiệp.
Tinh thần làm việc nghiêm túc, dư âm của Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam 2016 thực sự trở thành diễn đàn mở ghi nhận và từng bước giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp.
Chia sẻ cảm nhận bên lề Hội nghị doanh nghiệp 2016, TS.Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) thừa nhận: Đây là hội nghị rất có ý nghĩa, tạo niềm tin lớn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu phải tôn trọng, trả lời "tới nơi, tới chốn" cho doanh nghiệpThủ tướng Chính phủ: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế |
“Như chúng ta đã biết, lần đầu tiên một cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp có sự tham gia của đầy đủ thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng, bốn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ có tiếng nói quyết định đến tăng trưởng phát triển kinh tế. Riêng động tác này đã tạo niềm tin lớn cho doanh nghiệp” - TS. Cao Sỹ Kiêm cho biết.
TS. Kiêm phân tích: Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thành công hội nghị chính là sự tham dự đầy đủ các thành viên Chính phủ mới. Khi đó, những vấn đề còn tắc của doanh nghiệp, những vướng mắc, rào cản doanh nghiệp đang gặp phải sẽ được lắng nghe trực tiếp, đầy đủ hơn, cụ thể hơn.
“Các vấn đề như nợ xấu, tỷ giá, lãi suất, thuế, hải quan, thủ tục hành chính, phân cấp quản lý… đều được đề cập thẳng thắn là điều đáng mừng.
Theo tôi, chắc chắn khi nghe trực tiếp những rào cản doanh nghiệp đang gặp phải, Thủ tướng sẽ có chỉ đạo trực tiếp các Bộ, ngành... để “xung trận” quyết liệt hơn, giải quyết các vướng mắc sẽ tích cực hơn, nhanh chóng hơn. Vì vậy chất lượng hội nghị rất cao, đặc biệt ở nội dung thảo luận” - TS.Cao Sỹ Kiêm nói.
TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme)-ảnh: Hoàng Lực |
Chủ tịch Vinasme cũng đánh giá, Hội nghị doanh nghiệp 2016 càng có ý nghĩa hơn khi những vấn đề khó khăn, cản trở doanh nghiệp phát triển được đưa ra và giải quyết trước khi Việt Nam tham gia TPP, ASEAN… Giải quyết được những khó khăn sẽ làm đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài khi hội nhập sâu.
“Tôi từng được dự rất nhiều đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp qua các thời kỳ khác nhau nhưng chuyển biến không được nhiều, hoặc chuyển biến không theo ý muốn là vì nội dung hội nghị chưa được cụ thể hóa sự phối hợp các ngành chưa được chặt chẽ; giám sát các ngành của cơ quan công quyền như tư pháp chưa triệt để... vì vậy gặp và nghe nhưng giải quyết chưa như ý muốn. Nhưng hội nghị này tôi tin sẽ khác, tôi tin những nội dung cụ thể nêu ra chưa được giải quyết thì lần này sẽ được giải quyết”, TS. Kiêm nói.
Theo ông Kiêm, có 3 yếu tố sẽ quyết định doanh nghiệp phát triển: Thứ nhất, tạo thông thoáng cơ chế chính sách thủ tục; Thứ hai, tạo đội ngũ cán bộ có tư duy nhận thức có trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp, phục vụ dân rất rõ ràng;
Thứ ba, có cơ chế kiểm tra kiểm soát, khen thưởng kỷ luật rõ ràng với người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu doanh nghiệp.
“Trước đây cái gì cũng phải Thủ tướng giải quyết, Bộ, ngành... dựa dẫm, né tránh trách nhiệm. Nhưng từ khi thành lập chính phủ mới, các thành viên chính phủ đã thể hiện sự chủ động hơn. Trường hợp TP.HCM, cách làm việc của Bí thư Đinh La Thăng là phong cách làm việc mới, tích cực hơn trong con mắt người dân, giúp địa phương chuyển biến tốt”, TS. Kiêm nhận định.