Sina ngày 1/5 bình luận xung quanh thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Trung Quốc từ chối cho cụm tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ đến thăm Hồng Kông.
Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Mỹ, Ted Cruz viết trên Twitter. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc |
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, tàu chiến Mỹ đã nhiều lần đến thăm Hồng Kông và Mỹ mong đợi truyền thống này sẽ được tiếp tục.
Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Mỹ, ông Ted Cruz đã viết trên Twitter trong ngày 1/5 rằng: “Tàu sân bay Mỹ thăm Hồng Kông bị từ chối, cho thấy, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không phải là đối tác của Mỹ, chúng ta cần để tàu sân bay chuyển đường đến Đài Loan”.
Theo Sina, căn cứ vào thỏa thuận giữa hai nước, sau khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc, Bắc Kinh cho phép tàu chiến Mỹ tiếp tục đến Hồng Kông sửa chữa và tiếp tế. Nhưng Trung Quốc khẳng định chủ quyền và yêu cầu phải tiến hành xét duyệt từng trường hợp cụ thể.
Những năm gần đây, số lần tàu chiến Mỹ thăm Hồng Kông không ít. Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc từ chối cho tàu chiến Mỹ đến thăm. Trong thời điểm xảy ra va chạm máy bay giữa Trung-Mỹ vào năm 2001, Trung Quốc cũng từ chối cho tàu chiến Mỹ thăm Hồng Kông.
Tàu sân bay USS John C. Stennis là tàu sân bay động cơ hạt nhân, cảng chính ở bang Washington, phía tây nước Mỹ. Tháng 3/2016, cụm tàu sân bay này đã tham gia cuộc tập trận chung Key Resolve giữa Mỹ-Hàn, tháng 4/2016 lại đến Philippines tham gia một cuộc tập trận chung.
Đáng chú ý, ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã đáp máy bay vận tải quân sự lên thăm tàu sân bay USS John C. Stennis khi nó đang tuần tra Biển Đông, cổ vũ cho tự do đi lại của Quân đội Mỹ ở Biển Đông.
Ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ Ted Cruz, ảnh: thesantaclara.org. |
Do đó, Sina dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc từ chối tàu sân bay USS John C. Stennis thăm Hồng Kông là sự “trừng phạt nho nhỏ” đối với việc tàu sân bay Mỹ làm tiên phong thách thức Trung Quốc (bành trướng) ở Biển Đông cho dù về mặt ngoại giao hai nước không nói đến nguyên nhân này.
Sina cho rằng, Hồng Kông là lãnh thổ Trung Quốc, cho nên Trung Quốc có quyền cho phép hoặc không cho phép tàu chiến Mỹ đến thăm, nhất là khi “làm khách” thì phải suy nghĩ kỹ càng.
Trước đó, trong thời gian họp “Lưỡng hội”, ngày 8/3 trả lời phỏng vấn báo chí Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục nhắc lại lập trường sai trái, xuyên tạc rằng Trung Quốc là nước “phát hiện, đặt tên, khai thác và quản lý các đảo ở Biển Đông sớm nhất”.
Ông ta thẳng thừng tuyên bố: “Lịch sử sẽ chứng minh, ai chỉ là khách vội vã qua đường, ai mới là chủ nhân thực sự” (ở Biển Đông). Do đó, trong tương lai, nếu để Trung Quốc thực sự độc chiếm Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý và bất hợp pháp, thì đừng nói tàu sân bay Mỹ khó lòng đến Hồng Kông, ngay cả Biển Đông cũng sẽ bị ngăn sông cấm chợ.
Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trả lời báo chí ngày 8/3/2016. Nguồn ảnh: cnss.com.cn |
Điều này chắc chắn ảnh hưởng to lớn đến tự do và an toàn hàng hải, hàng không, hoạt động thương mại tự do và hoạt động làm ăn truyền thống của ngư dân các nước ven Biển Đông. Đây là điều không thể chấp nhận được, cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh này trên bình diện khu vực và quốc tế - PV.