Đa Chiều ngày 1/5 có bài bình luận xuyên tạc về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ với tiêu đề: "Mỹ tiếp chiêu cho Việt Nam, Biển Đông rồi đây khó sóng yên biển lặng".
Những bình luận xuyên tạc này được tập trung vào phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 28/4: "Chính phủ Mỹ ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ năm ngoái, ảnh: AP. |
Tờ báo bình luận: "Một lần nữa Ash Carter lại có phát ngôn chĩa dùi vào Trung Quốc, sau khi hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc tháng này ngay trước thời điểm sắp diễn ra theo dự kiến. Hơn nữa, Tổng thống Barack Obama lại sắp sửa sang thăm chính thức Việt Nam khiến người ta không thể không đặt câu hỏi, ý đồ chiến lược của Mỹ là gì?"
Nhắc lại phát biểu của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại An ninh Shangri-la 2013 về vai trò điều phối của Hoa Kỳ ở Biển Đông, Đa Chiều bình luận: "Phát biểu này của ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng khác nào nói thẳng ra rằng, rào cán cuối cùng giữa hai nước Việt - Mỹ đã bị xóa bỏ, hai nước cần nhau và sau đó cùng đạt được nhận thức chung sẽ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Để tránh bị dư luận có ấn tượng rằng quan hệ Việt - Mỹ phát triển là nhằm vào Trung Quốc, hai nước lựa chọn giao lưu hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự ít nhạy cảm làm dự án hợp tác đầu tiên.
Từng là kẻ thù không đội trời chung trong Chiến tranh Việt Nam, bây giờ hai nước "dị khẩu đồng thanh" nhấn mạnh hợp tác kỹ thuật hạt nhân chỉ sử dụng hạn chế trong lĩnh vực dân sự. Có thể thấy, sau khi cân nhắc về chính trị, hai bên đã tìm thấy lợi ích chung rất tự nhiên".
Thời báo Hoàn Cầu cay cú bình luận xuyên tạc quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Trung |
Đa Chiều cho rằng, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều tỏ ra âm thầm trong việc thực hiện quan hệ đối tác chiến lược nhưng không thể "giấu" nổi điều này. Chứng minh cho lập luận này, Đa Chiều nhắc đến việc tháng 10/2014 Quốc hội Mỹ quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì mục tiêu chiến lược hàng hải.
"Sau đó do tình hình Biển Đông ngày một căng thẳng, Hoa Kỳ không thể làm dịu mối lo ngại của Việt Nam về việc mất cân bằng chiến lược ở Biển Đông nên phải vội vã nhảy từ sau cánh gà lên trước sân khấu, Ash Carter tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Trong tương lai, vũ khí Mỹ bán cho Việt Nam sẽ không còn chỉ là mục tiêu chiến lược hàng hải, mà còn là sức mạnh vũ khí hàng không.
Có thể dễ dàng thấy rằng, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Việt đang dịch chuyển từ mô hình trung tính sang mô hình quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có chủ đích".
Tuy nhiên Đa Chiều cho rằng, có 3 lý do sẽ khiến quan hệ Việt - Mỹ vẫn tồn tại những khoảng cách, nghi kỵ hay còn gọi là "đồng sàng dị mộng". 3 lý do tờ báo này đưa ra là, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghỉ chế độ, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào hồi kết.
Vẫn với tư duy phiến diện và bình luận chia rẽ nội bộ Việt Nam thường thấy trên truyền thông Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu, Đa Chiều cho rằng quan hệ Việt - Mỹ phụ thuộc vào cá nhân một số nhà lãnh đạo hơn là xu thế hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc.
Truyền thông Trung Quốc dường như rất thích sử dụng chiêu bài "ý thức hệ" để ly gián quan hệ Việt - Mỹ, trong khi hòa bình và đối thoại, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế chung của nhân loại văn minh.
Trung Quốc bắt tay Hoa Kỳ từ khi Mao Trạch Đông còn tại vị từ năm 1972 và hưởng lợi rất nhiều từ cú bắt tay xuyên Thái Bình Dương này. Nhưng "lạ" là truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như rất không muốn Việt Nam làm điều tương tự, bắt tay và hợp tác với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia độc lập có chủ quyền với chính sách đối ngoại minh bạch, muốn làm bạn với tất cả các quốc gia dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý, đa phương hóa - đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại để tạo nguồn lực cho phát triển đất nước, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Truyện Kiều, quan hệ Việt - Mỹ và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông |
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ năm ngoái, và tháng 5 này Tổng thống Obama trở thành vị Tổng thống Hoa Kỳ thứ 3 thăm Việt Nam đã nói lên nhiều điều.
Còn những khác biệt xung quanh vấn đề quyền con người, hai nước vẫn tiếp tục trao đổi, đối thoại để tìm được tiếng nói chung, bởi mỗi nước một thể chế, một mô hình, một hệ thống khác nhau thì sự khác biệt trong nhận thức về một vấn đề nào đó cũng là điều dễ hiểu.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang đến hồi kết thúc, ông Obama đã ở vào thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ", nhưng chính sách đối nội, đối ngoại của một quốc gia là nhất quán. Nó được chi phối bởi lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, không phải là ý chí chủ quan của cá nhân một hay một vài nhà lãnh đạo.
Châu Á - Thái Bình Dương chính là địa bàn lợi ích địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế của Hoa Kỳ đang bị đe dọa bởi hành động phiêu lưu quân sự, xưng hùng xưng bá của Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ vì thế sẽ vẫn tiếp tục và tăng cường, bởi nó chính là đòn bẩy bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và Việt Nam từng là kẻ thù trong chiến tranh, đó là sự thật lịch sử không ai phủ nhận được. Nó cũng giống như sự thật Trung Quốc cất quân xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam từ 1979 đến 1989, chưa kể 2 lần cất quân xâm lược nốt Hoàng Sa năm 1974, 6 thực thể ở Trường Sa năm 1988 gây ra biết bao đau thương và mất mát cho nhân dân, đất nước Việt Nam mà vết thương đến nay vẫn chưa lành.
Tuy nhiên không vì thế mà người Việt Nam chỉ biết ngồi đó ôm lấy thù hận. Vì tương lai, vì hòa bình ổn định, vì lợi ích quốc gia dân tộc của chính mình cũng như của đối tác, Việt Nam đã chấp nhận gác lại quá khứ hướng tới tương lai, nhưng không vì thế mà mơ hồ mất cảnh giác trước những âm mưu thâm độc của ngoại bang hòng hạ gục, ru ngủ mình bằng những viên đạn bọc đường nhân danh "đại cục".
Hoa Kỳ, Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác, đều là đối tác bình đẳng trong quan hệ với Việt Nam. Đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, đã từng phải đương đầu với đế quốc thực dân các kiểu từ Đông sang Tây, hơn ai hết người Việt Nam hiểu sự quý giá của hòa bình, độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia nên không dễ gì bị lung lạc bởi bất cứ luận điệu, miếng mồi nào.