Đa Chiều ngày 5/5 bình luận, Nga đang ra sức lấy lòng ASEAN và đổ vào canh bạc Biển Đông khiến Bắc Kinh đặc biệt chú ý. Sau khi Obama tổ chức hội nghị thượng đỉnh Sunnylands với lãnh đạo 10 nước ASEAN, Putin cũng sẽ làm điều tương tự tại Sochi trong 2 ngày 19 và 20/5 nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, ảnh: VOA. |
Đặc biệt phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu rằng, hai bên Nga và ASEAN có lập trường rất giống nhau trong việc giải quyết các xung đột quốc tế đã khiến Bắc Kinh chột dạ.
Bởi lẽ chỉ gần 1 tháng trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, rằng tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp trên cơ sở UNCLOS, DOC.
Tuy nhiên, Đa Chiều cho rằng mặc dù Trung Quốc và ASEAN đã có nhiều đồng thuận trong việc kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, nhưng hai bên vẫn tồn tại khác biệt.
Một là có ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua quá trình tư pháp, tố tụng trên cơ sở UNCLOS hay không. Hai là thái độ của ASEAN trong việc Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) thế nào? Cả hai câu hỏi này còn chưa có câu trả lời.
Đúng lúc này Ngoại trưởng Nga lại lên tiếng tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhận xét "lập trường của Moscow với ASEAN trong xử lý khủng hoảng quốc tế giống nhau" khiến Bắc Kinh không khỏi lo ngại Moscow đang "chơi trò 2 mặt" với mình.
Quan hệ giữa ASEAN với Nga cũng khá thăng trầm. Năm 2005 Putin muốn tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á do ASEAN tổ chức nhưng bị một số thành viên của khối phản đối, Kremlin mất dần hứng thú trong tham gia các sự vụ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hai kỳ hội nghị thượng đỉnh Đông Á mà ASEAN tổ chức năm 2010 và 2012 đều mời Tổng thống Nga tham dự, nhưng cả Putin lẫn Medvedev đều từ chối. Nhưng từ khi Nga "thôn tính" Crimea, Moscow bắt đầu tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế, thấy Trung - Mỹ cạnh tranh khốc liệt ở Đông Nam Á, Moscow bắt đầu nhảy vào.
Đa Chiều lưu ý, Nga đã thông qua Việt Nam - nước (bị) Trung Quốc tranh chấp nghiêm trọng nhất, làm đột phá khẩu để vào ASEAN. Tháng 5 năm may Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Khí thiên nhiên Nga Alexei Miller thăm Việt Nam bàn bạc việc mở rộng hợp tác khai thác dầu khí trên (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ở) Biển Đông.
Ngày 27/4, một nhà máy đóng tàu của Nga vừa hạ thủy chiếc khinh hạm thứ 3 đóng cho Hải quân Việt Nam. Trong lễ hạ thủy, một quan chức cấp cao của Nga nói rằng nước này sẽ tiếp tục giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển của mình.
Ngoài Việt Nam, Nga còn đặc biệt quan tâm đến Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào. Năm ngoái Thủ tướng Nga đã thăm Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Năm nay Nga vừa ký hợp đồng chế tạo chiến đấu cơ cho Myanmar, trong khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan vừa thăm Nga tháng 2 vừa qua.
Trong vấn đề Biển Đông, Đa Chiều cho rằng lập trường của ASEAN tương đối yếu ớt vì bị Trung - Mỹ cạnh tranh gay gắt, Nga đã không bỏ lỡ cơ hội để tạo dựng ảnh hưởng. Bởi lẽ ngoài yếu tố lợi ích địa chính trị, căng thẳng leo thang ở Biển Đông sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, thị trường vũ khí khu vực này là điều Nga không thể bỏ qua.
Đa Chiều kết luận, dù Nga cách Biển Đông khá xa, không có liên hệ trực tiếp nào đến các tranh chấp, nhưng một khi có lợi thì "chơi trò 2 mặt" ở Biển Đông sẽ trở thành lựa chọn của Moscow.