3 tháng đầu năm khởi sắc của các "ông lớn" ngân hàng

07/05/2016 09:09
Nguồn chinhphu.vn
(GDVN) - Trong quý I/2016, tình hình kinh doanh các ngân hàng có nhiều dấu hiện khả quan khi lợi nhuận thuần tăng, cơ cấu tín dụng phù hợp

Trong quý I/2016, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 6,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 377 tỷ đồng, tăng mạnh 39% so với cùng kỳ năm trước.

VietinBank cũng tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu về hiệu quả lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank trong quý I/2016 đạt 2.405 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu thu nhập của VietinBank đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng đẩy mạnh tăng trưởng quy mô và tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng.

VietinBank cũng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, tiếp tục là ngân hàng có chất lượng tài sản hàng đầu (tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,96% dư nợ cho vay khách hàng và chiếm 0,8% dư nợ tín dụng, thấp nhất ngành ngân hàng).

Một tổ chức tín dụng lớn khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có kết quả kinh doanh quý I/2016 với mức lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng tăng trưởng đột biến 61% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 2.300 tỷ đồng.

Vietcombank đã trích lập dự phòng 1.300 tỷ đồng cho riêng quý vừa kết thúc.

Trong quý I/2016, nguồn vốn của Vietcombank tăng trưởng 2,7% so với quý trước đó, tín dụng tăng 6,5% và tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với đầu năm, đạt 1,76%.

Nợ xấu quý I/2016 của ngân hàng ở mức 1,76%, giảm so với mức 1,84% cùng kỳ năm ngoái. Nhưng do tín dụng tăng nhẹ nên có số nợ xấu tuyệt đối tăng nhẹ so với năm trước. Trích lập dự phòng rủi ro trích lập đạt 1.300 tỷ đồng (kế hoạch cho cả năm là 5.500 tỷ đồng).

Sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế quý I/2016 của ngân hàng đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 61,7% so với cùng kỳ.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, tăng trưởng của Vietcombank những tháng đầu năm khá tích cực, nguồn vốn quý I tăng 2,7% với cơ cấu tăng trưởng, chủ yếu ở nguồn vốn giá rẻ.

Hiện Vietcombank có lãi suất huy động thuộc hàng thấp nhất thị trường nhưng nhờ thương hiệu mạnh nên nguồn vốn huy động được rất lớn.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố Báo cáo Tài chính hợp nhất quý I/2016 với thu nhập lãi thuần đạt 5.640 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh dịch vụ đạt gần 502 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt gần 90 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với quý I/2015. Quý I/2016, BIDV có khoản lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh hơn 80,8 tỷ đồng (trước đây lỗ).

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng của BIDV đạt 4.069 tỷ đồng, tăng 25% so với quý I/2015. Tuy nhiên, BIDV cũng có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên đến 1.991 tỷ đồng, gấp 2,03 lần so với cùng kỳ trước đã khiến cho lợi nhuận trước thuế chỉ còn 2.077,48 tỷ đồng, giảm 8,6% so với quý I/2015.  

Lợi nhuận sau thuế đạt 1.682,55 tỷ đồng, giảm 9,8% so với quý I/2015; trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông ngân hàng đạt 1.659 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/3/2016 của BIDV đạt 1,8%, cao hơn mức 1,7% hồi đầu năm 2016, trong đó, nợ có khả năng mất vốn đạt 5.656 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.

Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) có thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt hơn 888 tỷ đồng, tăng tới 44% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2016 của SHB là hơn 244 tỷ đồng, tăng 47,5%.  Hết quý I/2016, tổng tài sản của SHB đạt 203.630 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 4,73%. Tiền gửi của khách hàng đạt 154.817 tỷ đồng, tăng 4,02% so với số đầu năm.

Thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực hạ lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và bà con ngư dân, khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay có xu hướng thu hẹp, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng.

Theo chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực, các tổ chức tín dụng cần lưu ý thực hiện tiết giảm chi phí quản lý hoạt động. Theo đó, các ngân hàng đi đầu là các ngân hàng thương mại nhà nước cần có hành động cụ thể để tiết giảm khoảng 10% chi phí quản lý hoạt động trong năm 2016.

Theo ý kiến phân tích từ các chuyên gia ngân hàng, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 dự báo còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Khả năng phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu khả quan; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và diễn biến thời tiết thất thường không thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; giá dầu thô biến động khó lường… Tuy nhiên, cơ hội phát triển và tiềm năng thị trường sẽ có nhiều cải thiện tích cực.

Nguồn chinhphu.vn