Tân Hoa Xã ngày 9/5 có bài xã luận "phủ dụ" các ứng viên tranh cử Tổng thống Philippines, dù ai thắng cử và trở thành Tổng thống mới của Philippines thì một mối quan hệ "lành mạnh" với Trung Quốc cũng là điều cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Philippines.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc - nỗi ám ảnh kinh hoàng của ngư dân các nước ven Biển Đông, ảnh: Bloomberg. |
Bài xã luận của Tân Hoa Xã viết: "Là một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đối tác thương mại số 1 của ASEAN mà Philippines là một thành viên quan trọng, Trung Quốc đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của khu vực năng động này với chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi.
Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc khởi xướng đã mang lại nguồn vốn cho các dự án mới, trong khi chương trình thế kỷ Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 - một phần của sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, đang hứa hẹn những cơ hội mới cho các nước trong khu vực, bao gồm Philippines.
Thật không may, trong 6 năm qua dưới sự cai trị của Tổng thống Benigno Aquino, vị thế của quốc gia Đông Nam Á này ngày càng tụt dốc do ảnh hưởng của những kẻ hiếu chiến ở Washington và Tokyo, trong khi mang lại rất ít lợi ích thực sự và sự tiến bộ cho người dân.
Với chiến lược tái cân bằng tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một chiến lược được biết đến rộng rãi nhằm kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy thịnh vượng, cùng với các hoạt động mở rộng sức mạnh quân sự, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã lợi dụng các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết ở Biển Đông làm cái cớ hoàn hảo để tạo ra căng thẳng hòng thò tay can thiệp.
Vai trò của Philippines trong khu vực dưới con mắt của các chính trị gia diều hâu ở Washington và thế lực cánh hữu cực đoan ở Tokyo, rõ ràng chỉ là một con tốt. Họ chỉ quan tâm thúc đẩy nhiệt tình cho việc sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippines và bán vũ khí cho nước này.
Aquino đã quá ngây thơ khi tin rằng, ông ta có thể sử dụng ảnh hưởng của Washington và Tokyo để đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc là một đối tác chân thành của đối thoại và hợp tác trong khu vực. Trong khi đó những kẻ chọc ngoáy thì vui mừng ra mặt khi thấy thù hận và đối đầu, còn hậu quả thì chỉ mình người dân Philippines gánh chịu.
Ông Aquino cũng phạm sai lầm chiến lược nghiêm trọng khi đánh lạc hướng ASEAN khỏi sự tập trung phát triển kinh tế xã hội để chú ý vào các tranh chấp song phương, gây ra những vấn đề không cần thiết, cản trở nhiệm vụ quan trọng của tổ chức ASEAN.
"Sức bật lò so" Trung Quốc cũng không thay đổi được phán quyết của PCA |
Mới nghe qua thì Manila tưởng chừng là một thành viên ASEAN mạnh mẽ và độc lập, trong khi thực tế lại là một con rối của Chú Sam và cố gắng lèo lái cả khối, chắc chắn sẽ là việc làm vô ích.
Với kế hoạch vững chắc như "Một vành đai, một con đường" hay định chế AIIB nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển và hội nhập trong khu vực, Trung Quốc đã chứng minh bằng hành động khát vọng thật sự của mình về các hoạt động hợp tác cùng thắng và thịnh vượng chung.
Chính quyền mới ở Manila rất đáng được khuyến khích để thấy rõ, ai mới là bạn bè thật sự của mình, và để họ tham gia vào các cuộc đối thoại, hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết bất đồng giữa hai bên, từ đó góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương."
Vài lời nhận xét
Người viết cho rằng, bản thân những hành động leo thang bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc, thói hành xử cả vú lấp miệng em của Bắc Kinh trong quan hệ với láng giềng và chiêu trò dùng kinh tế để chia rẽ, gây sức ép các bên liên quan ở Biển Đông phải đi theo quỹ đạo song phương mà Trung Quốc mong muốn, tự nó đã là câu trả lời cho bài xã luận này.
Người dân Philippines bình thường hay các nhà lãnh đạo đang tranh cử Tổng thống Philippines hẳn đều biết rõ kẻ nào đã cướp quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough và ngư trường của mình năm 2012? Chắc chắn không phải Mỹ hay Nhật.
Ai là kẻ ra rả suốt ngày kêu gọi đàm phán giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, trong khi lại đưa ra mệnh đề chặn đứng mọi cánh cửa đối thoại: Thừa nhận chủ quyền thuộc Trung Quốc, rồi đàm phán gì thì đàm phán? 18 năm ròng rã Philippines tìm cách đối thoại, giải quyết tranh chấp trên cơ sở thiện chí và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng những nỗ lực ấy chỉ là dã tràng se cát Biển Đông.
Trước phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague, Hà Lan về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông với đường lưỡi bò bành trướng, Bắc Kinh đang ra sức đánh lừa dư luận bằng thủ đoạn đánh tráo khái niệm hòng làm lệch bản chất vụ kiện thành "tranh chấp chủ quyền và phân định biển".
Bản thân các nhà chức trách Philippines khi đệ đơn lên PCA cũng nhận thức được rằng, với những gì Bắc Kinh đã thể hiện thì họ sẵn sàng chà đạp lên luật pháp quốc tế và ít khả năng Trung Quốc chấp nhận và thực thi phán quyết của Tòa. Nhưng trước một đối thủ mạnh nhờ nắm đấm và lại rất hung hãn, chỉ có cách dùng áp lực dư luận thông qua con đường pháp lý để đấu tranh.
Do đó, phán quyết của PCA mang ý nghĩa rất lớn về chính trị và dư luận, đánh thẳng vào uy tín và vị thế quốc tế của một nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang đánh bóng hình ảnh bành trướng của mình bằng tiền bạc, kinh tế và cả vũ lực.
Những hành động của Trung Quốc ngay trước thềm phán quyết của PCA cho thấy, không phải Bắc Kinh không biết sợ công luận và sự thật. Vấn đề là công luận có lên tiếng đủ mạnh và đoàn kết trong việc bảo vệ hòa bình, công lý và luật pháp quốc tế hay không mà thôi.
Nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế hay thị trường xuất khẩu rộng lớn từ Trung Quốc là điều những quốc gia đang phát triển như Philippines rất mong muốn có được. Nhưng nó không phải là điều kiện tiên quyết để Philippines phát triển thịnh vượng, càng không thể là con bài để Bắc Kinh đem ra mặc cả và đánh đổi các lợi ích an ninh, không gian sinh tồn của dân tộc mình trên Biển Đông, cũng như sự công bằng của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc chỉ sử dụng kinh tế, thương mại, đầu tư như một thủ đoạn chính trị hòng đạt được mục tiêu bành trướng Biển Đông. Trong sự cố Scarborough tháng 4/2012, ngành xuất khẩu và nông dân Philippines đã điêu đứng thế nào vì các chiêu trò của Trung Quốc. Làm ăn với Trung Quốc là một bài toán kinh tế - chính trị, chứ không phải một bài toán kinh tế thuần túy theo quy luật thị trường.