LTS: Với bản tính năng động và luôn đổi mới, giới trẻ Việt Nam ngày nay nhanh chóng hòa nhập và bắt kịp với lối sống hiện đại.
Chúng ta không thể phủ nhận những thành tích mà thế hệ trẻ đạt được tuy nhiên cũng chính thời điểm này, nước ta đang phải đối mặt với một bộ phận giới trẻ sa sút về đạo đức đặc biệt khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thầy giáo Nguyễn Cao có nhiều điều băn khoăn về thực trạng này, hôm nay, trong bài viết này, thầy mạnh dạn chỉ ra những yếu kém đó của một bộ phận thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Người Việt Nam ta có câu: “Thương người như thể thương thân” và “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước thì thương nhau cùng” để nói lên sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau dù trong hoàn cảnh nào.
Nhưng, trớ trêu ở cuộc sống hiện đại- một bộ phận giới trẻ đang bị mai một đạo lí truyền thống, đã thờ ơ, vô cảm với đồng loại, với chính bạn bè, người thân của mình. Đôi lúc lại cổ vũ cho cái ác, cái xấu, xem đó là niềm vui...
Thời công nghệ thông tin, ta thấy nhiều thuận lợi trong việc kết nối các thông tin lại với nhau. Nhưng cũng từ công nghệ thông tin ta lại phải chứng kiến nhiều chuyện đau lòng.
Khi giới trẻ cổ vũ cho cái xấu (Ảnh chưa rõ tên tác giả) |
Cứ vài ngày ta lại thấy một clip học sinh đánh nhau, được chính các em học sinh quay lại và tung lên mạng xã hội. Đây là điều đau lòng với những bậc làm cha, làm mẹ, với nhà trường…những người đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục các em.
Mấy ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt đưa tin về các vụ học sinh đánh nhau, nào là: Đánh bạn xong bắt ăn cát, bắt quỳ gối, lột đồ…rồi có những nữ sinh mới học lớp 8 mà đang tay tát bạn 52 cái liên tục đến nỗi chảy cả máu mũi, máu miệng ngay trong lớp học,…
Vậy mà nhiều học sinh chứng kiến, điềm nhiên quay clip, cổ vũ, không một lời can ngăn, thậm chí còn cổ vũ bạn bè đánh nhau.
Có lẽ, chưa bao giờ tình trạng bạo lực học đường được diễn ra nhức nhối như hiện nay. Trong đó, nhiều nhất vẫn là học sinh cấp 2-3, lứa tuổi đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lí. Cái tuổi mà trẻ con chưa qua, người lớn thì chưa đến nên một số em không giữ được sự bình tĩnh, thích chứng tỏ mình, hay bị kích động bởi bạn bè.
Chỉ một cái nhìn, một câu nói vu vơ trên mạng xã hội hay những hờn ghen của tuổi mới lớn cũng đủ làm nguyên nhân để các em ẩu đả với nhau.
Nhức nhối tội phạm hình sự ở học sinh, sinh viên(GDVN) - Trước con số đáng báo động, 8000 vụ học sinh, sinh viên vi phạm hình sự trong 5 năm, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội nằm ở đâu? |
Và, những bạn bè xung quanh khi thấy bạn mình đánh bạn, hay bị đánh thì đáng lẽ phải ra tay can ngăn.
Vậy mà, khi thấy bạn mình đánh nhau đã không can ngăn mà còn cổ vũ, reo hò, quay phim…tung lên mạng, trong khi các em cùng sinh ra và lớn lên trên một địa bàn, học cùng trường với nhau.
Không hiểu sự lĩnh hội tri thức, nhân cách đạo đức ở trường học của các em đến đâu? Rõ ràng đây là một thực trạng buồn, một hồi chuông đang cảnh báo cho toàn xã hội.
Khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, đang trong vòng tay yêu thương của gia đình, nhà trường và bạn bè, khi mà các em đang hàng ngày được kèm cặp, dạy bảo cả về tri thức và nhân cách nhưng trớ trêu ở chỗ nhiều em không xem đó là môi trường tốt để lĩnh hội tri thức và tu dưỡng đạo đức cho mình.
Sau này, khi các em lớn lên, các em sẽ là những cử nhân, những công dân tương lai của đất nước thì lẽ nào bây giờ lại thờ ơ, vô cảm với bạn bè đến mức đó sao?
Những hình thức kỷ luật hiện nay ở nhà trường chỉ mang tính răn đe chứ chưa đủ mạnh để các em học sinh phải “sợ’.
Ví dụ như em nữ sinh tát bạn 52 cái vào mặt chỉ bị đình chỉ học tập một tuần, khi mà học kì II đã thi xong thì có ý nghĩa gì. Không đình chỉ học tập thì giai đoạn này các em cũng ít vào trường.
Trên lớp cũng không còn học nữa, bài vở cơ bản đã xong hết rồi. Hoặc các hình thức cảnh cáo trước toàn trường hay hạ bậc hạnh kiểm chưa đủ để “hạ nhiệt” một số cái đầu “nóng” của học sinh bây giờ.
Khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường, chúng ta đã mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài, đã tiếp cận những tinh hoa của văn hóa thế giới nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những văn hóa lai căng, cái xấu từ bên ngoài.
Nhiều bậc làm cha, làm mẹ thì mải lo cơm áo gạo tiền mà bỏ bê con cái. Nhà trường thì chưa dành nhiều thời gian để uốn nắn đạo đức học sinh bởi rất nhiều những ràng buộc hành chính, quyền hành.
Trách nhiệm của phụ huynh học sinh đang ở đâu?(GDVN) - Diễn biến đạo đức, hành vi của học sinh phổ thông ngày càng phức tạp nên nếu chỉ dựa vào nhà trường thì e rằng khó quản lý các em. |
Chính vì thế mà từ lâu chuyện bạo lực học đường, chuyện vô cảm của giới trẻ đã là hồi chuông cảnh tỉnh cho người lớn chúng ta trong việc quản lý và giáo dục các em học sinh. Trong việc bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách cho các em.
Từ những sự việc đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian qua, thiết nghĩ nhà trường- gia đình cần thiết phải quan tâm, uốn nắn, kèm cặp các em sâu sát hơn nữa. Chúng ta nên chủ động dành cho các em nhiều hơn về thời gian, về sự quan tâm, về những bài học làm NGƯỜI trên lớp cũng như lúc các em ở nhà.
Văn hóa Việt từ xưa đến nay lấy cái nghĩa, cái tình làm trọng để đối xử với nhau… Đâu rồi những giá trị văn hóa cổ truyền tốt đẹp của dân tộc, đâu rồi những hành động nghĩa hiệp biết yêu thương đồng loại?
Mỗi năm chúng ta tự hào có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp. Song, bên cạnh thành tích bề nổi đó chúng ta đang phải đối mặt với một bộ phận giới trẻ sa sút về đạo đức, coi thường tương lai, kệ mặc với đời. Coi trường học như đầu đường, xó chợ để hành xử với nhau như kẻ vô học.