LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung, ông là Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông viết bài này nhân dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với một sự kiện ngoại giao quan trọng của nước ta, đó là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ, ngài Barack Obama vào ngày 23/5 tới.
Những kỷ niệm đẹp của Bác với Hoa Kỳ là những bài học ngoại giao sâu sắc mà chúng ta hôm nay khi nhắc nhớ lại càng thêm thấm thía, trân trọng.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này với quý vị.
Lần theo những bước đi của nhà giáo Nguyễn Tất Thành từ ngày đầu xa Tổ quốc (năm 1911) cho đến hết năm 1945, trong nửa đầu của thế kỷ XX, chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rất rõ tầm mức mối quan hệ bang giao với Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Cũng như một số nhà ái quốc, lãnh tụ ở Đông Nam Á và châu Á, Người luôn chủ trương đa phương hóa, quốc tế hóa trong quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế, văn hóa, để đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ bài học đó, hiện nay, để xây dựng, phát triển, hiện đại hóa nhanh chóng đất nước và để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của chúng ta, tôi xin kiến nghị Đảng và Nhà nước ta: Tham khảo sâu sắc những bài học kinh nghiệm đắt giá của quốc gia và quốc tế, nhất là bài học đa phương hóa, quốc tế hóa trong quan hệ, để xác định được tầm mức, vai trò của Hoa Kỳ trong các mối quan hệ đa phương.
Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã có thiện cảm với Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
Còn nhớ, khi tháp tùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ (19-25/6/2005), chúng tôi đã đến thăm “khách sạn hoạt động liên tục lâu đời nhất” nước Mỹ Ommi Parker House (1855-2005), nơi Bác Hồ đã làm đầu bếp lò bánh ngọt trong hai năm (1911-1913).
Cái bàn mà Bác đã dùng để làm bánh nay vẫn còn được khách sạn gìn giữ và họ tự hào ghi sự kiện này vào lịch sử 150 năm của khách sạn và của cả thành phố Boston.
Rời cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, ngày 05/6/1911 trên chiếc tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin đi tìm đường cứu nước, Bác đã đến Hoa Kỳ, Anh và đến cuối năm 1917, Bác mới đến Pháp.
GS.TSKH Trần Văn Nhung (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Trong hai năm đầu xa Tổ quốc, Bác đã đi làm và tự học tại thành phố Boston của Hoa Kỳ và bốn năm tiếp theo tại thủ đô London của nước Anh. Như vậy, Bác đã bắt đầu học và thành thạo tiếng Anh trước tiếng Pháp và các thứ tiếng khác.
Có thể vì thế chăng mà tư tưởng bất hủ của G. Washington (Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ) về tự do, bình đẳng, bác ái trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, do T. Jefferson (sau này trở thành Tổng thống thứ ba) soạn thảo (và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền của Pháp năm 1789) đã được Bác Hồ trích dẫn trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945.
Cũng trong chuyến thăm Hoa Kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, một vài Thượng nghị sĩ còn nhắc lại và cảm phục sự tinh tế của Bác Hồ, khi Người suy rộng câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng...” trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Washington thành “Tất cả các dân tộc trên Thế giới đều sinh ra bình đẳng...” trong Bản Tuyên ngôn độc lập của mình.
Tư tưởng về “một chính phủ của dân, do dân và vì dân” của A. Lincoln (Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, trong bài phát biểu ở Gettysburg năm 1863) đã được Bác Hồ vận dụng để xây dựng nhà nước dân chủ, pháp quyền đầu tiên tại Việt Nam.
Tôi xin đặt một câu hỏi: Trong số các lãnh tụ phe dân chủ lúc đó và sau này đã có bao nhiêu người biết trân trọng hiến chương, văn minh của nhân loại và của Hoa Kỳ đến mức ấy?
Sau khi tuyên bố độc lập ngày 02/9/1945, trong những nước đầu tiên mà Hồ Chủ tịch đề nghị công nhận Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Hoa Kỳ, nhưng rất tiếc bức thư này đã không được đáp lại.
Trong những năm 1944-1945, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã đón những phi công của Mỹ, trong phe đồng minh, đến để cùng chống Phát xít Nhật.
Hồ Chí Minh gửi sinh viên Việt Nam đi du học Hoa Kỳ năm 1945.
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử(GDVN) - Gần 100 bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoạt động bầu cử đã được trưng bày tại triển lãm nhằm tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp nhân dân. |
Trước đây khoảng gần 15 năm, tại một hội nghị Việt – Mỹ được tổ chức tại Hải Phòng để bàn việc triển khai chương trình học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF) dành cho sinh viên Việt Nam, đã có một kỷ niệm đáng nhớ.
Tổng số tiền mà Quỹ này có là 145 triệu USD. Đây là số tiền mà Chính phủ ta phải trả nợ thay cho Chính quyền Sài Gòn về các khoản vay phi quân sự mà Chính phủ Hoa Kỳ đã cho Chính quyền Sài Gòn vay trong thời gian chiến tranh.
Trước khi hết nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Bill Clinton đã ký một sắc lệnh ủng hộ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung thay vì Việt Nam phải trả trực tiếp cho Hoa Kỳ thì Việt Nam có thể dùng số tiền này để cử sinh viên đại học và sau đại học sang học tập và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học có uy tín cao ở Hoa Kỳ, trong những ngành khoa học, công nghệ tiên tiến, y học,...
Khi đọc kết luận tại hội nghị nói trên, Trưởng đoàn đại biểu phía Hoa Kỳ nhấn mạnh: Đây là một cơ hội to lớn và hiếm hoi cho sinh viên Việt Nam có thể sang học tập tại Hoa Kỳ, các ông cần phải nắm lấy.
Tôi đã thay mặt đoàn Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ và phái đoàn và cũng xin nhấn mạnh: Không phải đợi cho đến đầu thế kỷ XXI chúng tôi mới mong muốn được gửi sinh viên đi đào tạo ở Hoa Kỳ mà ngay từ ngày 01/11/1945, chỉ hai tháng sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ thông qua Ngoại trưởng James F. Byrnes:
“Thưa Ngài!
Nhân danh Hội văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.
Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp.
Trong suốt nhiều năm nay họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam.
Tôi thành thực hy vọng kế hoạch này sẽ được thuận lợi nhờ sự chấp thuận và giúp đỡ của Ngài, và nhân dịp này tôi xin gửi tới Ngài những lời chúc tốt đẹp nhất”.
40 năm Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất(GDVN) - Quốc hội khóa VI (1976 – 1981) được bầu ngày 25/4/1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu. |
Tôi đã tìm thấy bức thư này của Bác Hồ tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội và đã chụp sẵn mang đến hội nghị để đưa cho các đại biểu Hoa Kỳ.
Sau này, tôi biết bức thư này cũng có thể tìm thấy trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4 (1945-1946), trang 80-81, và cũng được lưu trữ tại U.S. Government Printing Office, Washington, 1971, p.90, United States – Vietnam Relations 1945-1967.
Rất tiếc bức thư đầy thiện chí này của Bác đã không đạt được kỳ vọng. Như vậy phải hơn nửa thế kỷ sau, mong muốn gửi thanh niên Việt Nam đi du học ở Hoa Kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được thực hiện.
Cuối cuộc họp nói trên tại Hải Phòng, Trưởng đoàn, các đại biểu và giáo sư Hoa Kỳ đã đến gặp tôi và rất xúc động nói cho đến nay mới được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư này cho Hoa Kỳ và rất lấy làm tiếc là đã không có trả lời. Đây là bức thư về giáo dục.
Và nếu 7 bức thư khác (tổng cộng là 8) Bác gửi cho các Tổng thống Hoa Kỳ về nhiều vấn đề khác nhau nếu không vì các cản trở, trục trặc để đến được đích thì tình hình quan hệ hai nước và quốc tế có thể đã khác.
Tất nhiên chúng ta cũng hiểu rằng quan hệ Việt-Mỹ không chỉ phụ thuộc hai nước mà còn phụ thuộc vào hai phe, vào mối quan hệ toàn cục của chiến tranh lạnh và vai trò của Mỹ trên thế giới.
Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ?(GDVN) - Mỹ là nước duy nhất có thể lập lại trật tự trên Biển Đông trước hành động leo thang của Trung Quốc. Do đó Việt Nam nên tận dụng tối đa. |
Tôi đang viết những dòng này vào ngày 18/5/2016.
Ngày mai (19/5/2016) là tròn 126 năm sinh nhật của Người.
Tưởng nhớ đến Bác cùng với một số dấu mốc và suy nghĩ trên, chúng ta đã có thể dễ hình dung hơn, dễ tìm cách, dễ tìm đối tác khi giải quyết vấn đề Biển Đông theo hướng quốc tế hóa.
Hiện nay, khi Trung Quốc ngày càng có thái độ ngang ngược ở Biển Đông, Hoa Kỳ là nước duy nhất có đủ tiềm lực kinh tế, khoa học, quân sự và có liên đới quyền lợi, trách nhiệm ở khu vực này, có thể hợp tác và hỗ trợ Việt Nam giải quyết hiệu quả theo luật pháp quốc tế.
“Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”
Trong chuyến thăm lịch sử lần này của Tổng thống Barack Obama, chắc chắn một trong các nội dung quan trọng hàng đầu mà hai bên thảo luận và hợp tác là vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ năm ngoái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát những tín hiệu tốt và tạo cơ hội thuận lợi cho chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Barack Obama.
Với tinh thần như Phó Tổng thống Joe Biden đã “lẩy” Kiều trong tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam năm ngoái “Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”, chúng ta tin rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác thiện chí với Việt Nam vì lợi ích chung, vì sự tiến bộ, vì hoà bình, an ninh khu vực và trên toàn thế giới, đúng như niềm hy vọng và tin tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vào Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ trong nửa đầu thế kỷ XX.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn, kinh nghiệm và cách hành văn của tác giả.