Ngư dân cưỡi sóng ra khơi, bác bỏ cấm đoán phi lí của Trung Quốc

27/05/2016 12:08
HOÀNG TUẤN
(GDVN) - Bỏ mặc lệnh cấm đoán phi lí của Trung Quốc ngoài Biển Đông, ngư dân miền Trung hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi ngư trường truyền thống.

Vừa qua, Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá từ 16/5 đến 1/8 trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một phần vịnh Bắc Bộ.

Lệnh cấm bao gồm cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân các nước khác, trong đó có các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông.

Là người chinh chiến với biển cả hàng chục năm nay, ngư dân Trần Văn Mười (SN 1977, trú phường Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, anh cùng với hàng ngàn ngư dân khác bỏ mặc lệnh cấm vớ vẩn đó của Trung Quốc, cùng nhau cưỡi sóng vươn khơi đánh bắt thủy sản.

Ngư dân Trần Văn Mười là một trong những ngư dân tiêu biểu của Đà Nẵng có 5 con tàu đánh bắt xa bờ và tàu hậu cần, trong đó có tàu vỏ thép theo Nghị định 67-CP đầu tiên Đà Nẵng gần 20 tỷ đồng cũng vừa ra khơi chuyến đầu.

“Vừa qua, đúng vào mùa trăng và cũng là dịp bầu cử, anh em chúng tôi vào bờ thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình xong rồi chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhiên liệu…để tiếp tục vươn khơi.

Anh em chúng tôi quan niệm, vùng biển mình mình cứ khai thác, Trung Quốc lợi dụng đưa ra những chính sách phi lí thì mặc họ.

Anh em ngư dân quyết tâm vươn khơi, đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ ở khơi xa. Rất mong cơ quan chức năng của chúng ta tích cực hỗ trợ ngư dân để ngư dân càng yên tâm bám biển”, ngư dân Mười nói.

Ngư dân Trần Văn Mười: "Anh em chúng tôi quan niệm, vùng biển mình mình cứ khai thác, Trung Quốc lợi dụng đưa ra những chính sách phi lí thì mặc họ". Ảnh: Hoàng Tuấn
Ngư dân Trần Văn Mười: "Anh em chúng tôi quan niệm, vùng biển mình mình cứ khai thác, Trung Quốc lợi dụng đưa ra những chính sách phi lí thì mặc họ". Ảnh: Hoàng Tuấn

Đồng quan điểm như ngư dân Mười, ngư dân Vương Cú (41 tuổi, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), chủ tàu QNa 95889 TS, cương quyết, vừa bầu cử xong, tàu cá đã chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm và dầu để phục vụ cho chuyến ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

“Chúng tôi vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển cho dù gặp khăn nhưng vẫn không từ bỏ ngư trường truyền thống của cha ông để lại. Ngoài ra, việc ra khơi còn giải quyết công ăn việc làm cho các anh em thuyền viên kiếm nguồn thu nhập kinh tế lo cho gia đình.

Khi đánh bắt hải sản trên biển, các tàu cá ngư dân thành lập các tổ đại đoàn kết để giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn trên biển hoặc các tàu cá nào đánh bắt gặp trúng mẻ cá sẽ báo tín hiệu cho các tàu cá khác chạy lại đánh bắt cùng”, ngư dân Cú quyết tâm khi đề cập đến việc Trung Quốc cấm đoán phi lí.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá TP. Đà Nẵng, năm nào Trung Quốc cũng làm “trò” đó khiến ngư dân cũng không mấy quan tâm bởi việc cấm đoán đó không có hiệu lực.

Tuy nhiên, chính quyền, Nhà nước ta cần có chính sách, cách thức giải quyết như thế nào cho hợp lí để hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá và không bị Trung Quốc quấy phá.

“Khai thác hải sản, những ngư dân ngoài biển khơi, nay không đơn thuần là ngư dân khai thác mà họ là người, là lĩnh vực góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tư tưởng của anh em cũng nhất quán rồi, Trung Quốc dù cấm đoán phi lý hay có những hành động quá đáng trên biển thì anh em ngư dân vẫn luôn quyết tâm bám biển, nơi vùng biển của ông cha ta xưa nay.

Ngư dân mình nên đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, phát hiện có vấn đề gì bất thường thì báo cho cơ quan chức năng để kịp thời hướng dẫn, xử lý”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vươn khơi đánh bắt thủy sản. Ảnh: Hoàng Tuấn
Ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vươn khơi đánh bắt thủy sản. Ảnh: Hoàng Tuấn

Trong lúc đó, ông Ngô Tấn, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Chúng tôi phản đối hành động vô nhân đạo của tàu cá nước ngoài đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Nam và cướp phá ngư cụ của tàu cá ngư dân.

Hội nghề cá Quảng Nam cũng lên án tuyên bố của Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá tại ngư trường quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) không ngần ngại chia sẻ:

“Khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vùng biển đánh bắt truyền thống từ bao đời nay của ngư dân đất đảo và thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì vậy lệnh cấm đánh bắt ở biển đông bao gồm cả 2 khu vực này mà phía Trung Quốc đã đưa ra, đối với chúng tôi là không có giá trị”. 

HOÀNG TUẤN