Ngày 27/5, ông Lê Văn Tiến, trú tại xóm 15, xã Nghi Trung (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, khoảng 13h ngày 27/5, trong lúc gia đình đang nghỉ trưa thì nghe tiếng ngói trên mái nhà đổ xuống. Tại thời điểm này, trời không có gió mạnh hay giông lốc. Tuy nhiên, có một chiếc máy bay (không rõ của hãng nào) vừa bay qua.
Nhà một hộ dân ở Vinh bị tốc mái do việc cất hạ cánh máy bay tại sân bay Vinh gây ra (Ảnh Vietnamnet). |
Do đó người dân nghi vấn nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngói nhà đổ xuống do ảnh hưởng từ chiếc máy bay trên.
Ngay sau đó, Cảng vụ hàng không miền Bắc tại Vinh kiểm tra thông tin tại Đài không lưu, lịch trình bay tại sân bay quốc tế Vinh.
Đối chiếu với thời gian chính xác người dân phản ánh, sự việc xảy ra lúc 13h có chuyến bay VN1264 của hàng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh lúc 12h58.
Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh làm tốc mái nhà dân |
Nguyên nhân ban đầu xác định, có thể do lúc hạ cánh, sức gió của máy bay cùng với luồng gió ngoại lực bất thường tác động đã làm tốc mái nhà dân.
Trước nghi vấn ngói mái nhà bị xô chuyến bay VN 1264 gây ra, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tá Mai Trọng Tuấn - cựu phi công quân sự thuộc Đoàn bay 919 cho biết, thông thường luồng gió từ máy bay khó có thể ảnh hưởng đến nhà dân. Tuy nhiên, khi độ cao máy bay thấp, phi công phải tống ga đột ngột sẽ tạo ra luồng gió mạnh, luồng gió này đi xuống gây hiện tượng rung chuyển, tốc mái nhà dân.
“Nguyên tắc khi máy bay hạ cánh phải ở chế độ công suất thấp, tức máy bay giảm dần công suất khi hạ cánh. Do đó thông thường khi hạ cánh, công suất máy bay giảm dần, không thể dẫn đến tạo luồng gió mạnh, tuy nhiên có trường hợp đang hạ cánh nhưng bất ngờ tống ga tạo nên luồng gió mạnh”, Trung tá Mai Trọng Tuấn lý giải.
Theo Trung tá Mai Trọng Tuấn, có hai trường hợp dẫn đến việc phi công phải tống ga: Thứ nhất, do gặp sự cố bất ngờ phía dưới máy bay không thể hạ cánh được, khi đó máy bay đang bay tầm thấp phát hiện hoặc được báo có chướng ngại vật không thể hạ cánh nên phải tống ga đẩy máy bay bay lên tạo nên luồng gió mạnh cộng với nguồn gió ngoại lực làm tốc mái nhà.
Thứ hai do quy trình hạ cánh phi công, nguyên tắc máy bay hạ cánh sẽ hạ cánh dần với tầm bay ngang chứ không phải tống ga bay chéo thẳng lên. Vì vậy có thể phi công để máy bay bay quá thấp, tầm bay đó không thể đến được sân bay hạ cánh, phi công buộc phải tống ga để tàu bay vươn đến.
Khi tống ga mạnh, bất ngờ tạo luồng gió lớn có thể là nguyên nhân làm tốc mái nhà.
Ông Mai Trọng Tuấn một cựu phi công quân sự thuộc Đoàn bay 919 - ảnh nguồn Tiền Phong |
Cùng chung nhận định hiện tượng mái nhà người dân bị xô ngói, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng phải có liên hệ với chuyến bay bay qua.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, về lý thuyết, khi tàu bay bay, để có lực nâng động cơ sẽ tạo ra luồng gió xoáy, luồng gió này sẽ đi xuống theo chiều dọc do đó có thể gây tác động cơ học làm tốc mái nhà dân.
Tuy nhiên thực tế khoảng cách máy bay với nhà dân ngay cả khi giảm độ cao để hạ cánh cũng có khoảng cách rất xa, khó có thể gây ảnh hưởng đến mái nhà dân.
“Khả năng có thể xảy ra do tiếng ồn của động cơ máy bay cộng hưởng cấu trúc căn nhà tạo nên độ rung chuyển khiến ngói máy nhà bị xô xuống”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt nghi vấn.
Mặt khác theo ông Tống, thông thưowfng với nhà dân gần khu vực sân bay, ảnh hưởng lớn nhất là tiếng ồn âm thanh chứ không phải luồng gió.
Được biết hiện Cục Hàng không Việt Nam đang tiến hành kiểm tra dữ liệu quản lý điều hành bay, dữ liệu khai thác tàu bay để xác định sự việc nêu trên có liên quan đến hoạt động bay của tàu bay hay không. Nếu sự việc trên có nguyên nhân từ hoạt động của tàu bay, Cục Hàng không Việt Nam sẽ yêu cầu hãng hàng không giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thông tin nhà dân bị hiện tượng như tốc mái, ngói mái bị xô do máy bay hạ cánh không phải lần đầu tiên xuất hiện. Trước đó năm 2013, một người dân sống tại quận Gò Vấp - TP.HCM gặp hiện tượng ngói nhà bị xô, rơi xuống sau khi một khi một máy bay bay qua.