Narendra Modi thách thức Tập Cận Bình

31/05/2016 06:32
Ngọc Việt
(GDVN) - Bắc Kinh đã tham bát bỏ mâm nên có thế mất cả chì lẫn chài, qua đó khiến cho New Delhi trở nên lợi hại và nguy hiểm hơn.

Bnews ngày 23/5 đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm đến Iran vào ngày 22/5. Đây là chuyến thăm Iran đầu tiên của một quan chức cấp cao nhất của Ấn Độ trong 14 năm qua với hy vọng, hai nước sẽ kết thúc các đàm phán song phương trước đó thành thỏa thuận cuối cùng. 

"Iran luôn coi trọng việc mở rộng quan hệ láng giềng hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và Ấn Độ không phải là ngoại lệ. Ấn Độ đang nổi lên là cường quốc kinh tế mới cả trên phạm vi khu vực và thế giới", Thứ trưởng Ngoại giao Iran phục trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, ông Ebrahim Rahimpour đã trao đổi với báo giới.

Trong khi đó, một vị cựu Ngoại trưởng Ấn Độ nhận định: "Với cá tính mạnh mẽ và phong cách ngoại giao năng động, Thủ tướng Modi đã tăng cường thực hiện những chuyến ngoại giao con thoi có ý nghĩa chiến lược đối với Ấn Độ. Những chuyến công du của ông Modi đều hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh cho Ấn Độ", theo The Straits Times ngày 26/5.

Tờ báo của Singapore cũng nhận định, qua hai năm ngồi ghế Thủ tướng, ông Modi đã rất khéo léo và mềm dẻo để làm nổi bật sức mạnh của Ấn Độ. Thông qua những nỗ lực của mình, ông Modi đã thành công trong việc nâng cao vị thế toàn cầu cho đất nước mình, trong đó đặc biệt là cải thiện quan hệ với Trung Quốc, dù có gần gũi hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: financialexpress.com.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: financialexpress.com.

Có thể thấy rằng, khi New Delhi ưu tiên tăng cường quan hệ với Bắc Kinh là Thủ tướng Modi đã chọn người bạn láng giềng “liền núi liền sông” làm đối tác chiến lược.

Điều này sẽ mang lại “lợi ích kép” cho Án Độ khi vừa có thể khai thác được lợi ích từ quan hệ đối tác, vừa nhận được sự chia sẻ của đối tác trong hạn chế hậu quả của quá trình phát triển nóng mà Ấn Độ có thể sẽ phải trải qua.

Trong khi đó, việc xây dựng quan hệ chiến lược với New Delhi sẽ giúp cho Bắc Kinh khẳng định vị thế thống trị trong BRICS, hạn chế sự chi phối của G-7, qua đó dần đóng vai trò nòng cốt trong G-20.

Đặc biệt, Ấn Độ có ảnh hưởng rất quan trong việc hiện thực hoá “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình với vai trò trong cả “tái cơ cấu” lẫn “con đường tơ lụa mới”.

Dư luận cho rằng, sự hợp tác Trung - Ấn có thể sẽ hình thành nên liên minh Trung - Ấn khống chế toàn bộ khu vực Trung Nam Á với “tam giác cường quốc hạt nhân” Ấn Độ - Trung Quốc – Pakistan.

Sự cộng sinh tạo cộng hưởng này sẽ khiến hình thành một bàn cờ chiến lược mà cả New Delhi và Bắc Kinh đều nâng tầm vị thế của mình trên toàn thế giới.

Vậy nhưng, những động thái gần đây của Tập Cận Bình đã không thể hiện được lợi ích toàn cục ấy. Bắc Kinh đã chọn lợi ích cục bộ của mình để kiềm chế, qua đó khống chế New Delhi phục vụ cho ý đồ riêng của họ.

Tất nhiên Narendra Modi đã không chấp nhận điều này. Một mặt New Delhi gần gũi hơn với các đối thủ của Bắc Kinh, mặt khác Ấn Độ phá vớ những liên minh hay những mối quan hệ đối tác mà Bắc Kinh đã xây dựng và đang hưởng lợi.

Xem thường Narendra Modi, Tập Cận Bình sẽ phải trả giá

Qua tầm nhìn chiến lược và hành động từ khi nắm quyền Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi cho thấy, từ sau khi cố Thủ tướng Indra Gandhi bị ám sát đến nay, chỉ có Pratap Singh – người nắm quyền sau khi Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát năm 1989 - mới có thể so sánh với ông.

Tiếc là cựu Thủ tướng Pratap Singh không có đủ điều kiện để giúp cho Ấn Độ hùng mạnh, cho nên phải hơn 20 năm sau Ấn Độ mới có hy vọng khi Modi ngồi vào ghế Thủ tướng.

Thậm chí khát vọng của Modi còn muốn được so sánh với “Nehru huyền thoại” qua những gì làm được cho đất nước của nền văn minh sông Hằng. Những hành động của ông thể hiện qua chính sách cả đối nội lẫn đối ngoại, nó đã cho thấy tài năng của Narendra Modi có thể hiện thực hoá khát vọng của ông.

Narendra Modi thách thức Tập Cận Bình ảnh 2

Bất ngờ tất yếu

(GDVN) - Thủ tướng Modi cho thấy, nếu người lãnh đạo đất nước có đủ tâm và xứng tầm thì có thể tận dụng mọi cơ hội để mang lại phồn vinh cho đất nước.

Tuy nhiên, có vẻ như Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Nam Hải chưa nhận định đúng về tài trí của Modi nên đã có những hành động mang tính xem thường người bạn khổng lồ này.

Có thể thấy rằng, việc Bắc Kinh chọn Islamabad để dạy cho Bình Nhưỡng một bài học trong việc sử dụng những quân cờ chiến lược là không có gì phải thắc mắc, vì nó hợp lý và cần thiết.

Song việc Bắc Kinh đã không dừng lại ở đó mà còn dùng Pakistan đề kiềm chế Ấn Độ thì rõ ràng Tập Cận Bình đã tước bỏ những gì mà New Delhi cố gắng để có được trong việc cải thiện quan hệ với Isalamabad.

Thủ tướng Modi đã cực kỳ khôn khéo khi thực hiện chuyến “ngoại giao bất quy tắc” tới Pakistan ngay trong sinh nhật của Nawaz Sharif cuối năm 2015, theo The Straits Times ngày 26/5. 

Như người viết đã từng phân tích, chuyến thăm bất ngờ tới Pakistan sẽ giúp Modi biến nhiều điều không thể thành có thể, mà quan trong nhất là phá bỏ được rào cản giữa New Delhi và Islamabad được dựng lên nửa thế kỷ qua.

Nam Á sẽ im tiếng súng và Modi biến chiến trường thành thị trường tại khu vực này, mang lại lợi ích cực kỳ to lớn cho Ấn Độ và Pakistan.

Khi những cơ chế của chuyến viếng thăm “ngoại giao bất quy tắc” chưa kịp vận hành thì Bắc Kinh đã dùng những lợi ích trực tiếp để kéo Islamabad về phía họ.

Thế là lợi ích của chuyến “ngoại giao bất quy tắc” của Modi chưa biết khi nào mới có thể được khai thác. Đặc biệt, với ý đồ của Bắc Kinh thì Nam Á khó có thể im tiếng súng. 

Để làm trầm trọng thêm những thiệt hại của Ấn Độ, Tập Cận Bình đã khởi phát trở lại, nâng tầm quan hệ với Nepal, tạo điều kiện cho Katmandu có thể khai thác tối đa lợi ích “hai mang” với cả Bắc Kinh và New Delhi.

Với vị thế chiến lược như “phên giậu” giữa Ấn Đô và Trung Quốc, Nepal từ lâu đã được New Delhi ưu ái với nhiều lợi ích to lớn.

Nay Bắc Kinh chỉ ném cho vài lợi ích cỏn con là Katmandu có thể “làm mình làm mẩy” để hy vọng New Delhi phải tăng thêm lợi ích cho họ và khoản chi phí mà Ấn Độ dành cho Nepal luôn phải lớn hơn nhiều lần của Trung Quốc.

Bởi lẽ Nam Á có thể trở thành chiến trường thực sự nếu có sự tráo trở của Nepal và Pakistan theo sự xúi bẩy của Bắc Kinh. 

Không khó để nhận ra mục đích của tất cả những động thái mà Tập Cận Bình sử dụng hai quân cờ Pakistan và Nepal đều nhằm tới hy vọng Modi thoả hiệp và New Delhi phải xuống nước với Bắc Kinh, vì lợi ích to lớn mà Trung Quốc có thể mang lại cho Ấn Độ.

Tuy nhiên, có lẽ Tập Cận Bình chưa hiểu hết khả năng của Modi nên đã tính sai, đi sai nước cờ này.

Với động thái gần đây của Modi cho thấy, New Delhi sẵn sàng buông Islamabad và Katmandu để cho Bắc Kinh độc chiếm. Với một Nawaz Sharip thiếu chân thành thì Modi khó hy vọng có thể nhanh chóng khai thác lợi ích từ quan hệ Ấn Độ - Pakistan.

Modi sẽ để cho Islamabad phải trả giá để họ tỉnh ra, ông biết rằng điều đó sẽ xảy ra trong tương lai quan hệ Bắc Kinh – Islamabad.

Với Nepal thì Ấn Độ chỉ cần ba tháng khoá cửa biên giới, trong khi hướng thông thương với Trung Quốc chưa biết khi nào mới hoàn thành, thì có lẽ Katmandu khó có thể cựa quậy.

Tất nhiên, Bắc Kinh đều có lợi từ những động thái đối phó của Modi với hai quân cờ chiến lược này, song cái giá mà Bắc Kinh phải bỏ ra rất lớn vì sẽ phải gánh cả phần của New Delhi.  

Quan trọng hơn nữa, Bắc Kinh sẽ bị thiệt hại rất lớn khi New Delhi chủ động hạ tầm quan hệ Trung - Ấn. Chỉ giữ được Pakistan với hơn 100 triệu dân, một thị trường Nepal “có cũng như không” mà Trung Quốc có thể mất thị trường Ấn Độ khổng lồ với hơn 1 tỷ người.

Một khi để New Delhi chuyển từ đối tác thành đối thủ của Bắc Kinh trong BRICS, Bắc Kinh sẽ còn mất nhiều lợi ích khác nữa khi Modi ra tay.

Quan hệ New Delhi – Teheran có thể tước bỏ vai trò của Bắc Kinh trong việc điều tiết giá dầu và khơi mào cho cuộc chiến thương mại Trung - Ấn

Người viết cho rằng, quan hệ Ấn Độ - Iran sẽ khởi sắc và phát triển bởi nhiều thuận lợi cả song phương và đa phương. Với chiến lược phát triển theo hướng tăng quy mô cho nền kinh tế, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ dầu không thể lý tưởng hơn cho Iran, vì vậy hợp tác trong lĩnh vực dầu khí chắc chắn phải là ưu tiên trong quan hệ Teheran – New Delhi.

Thủ tướng Narendra Modi trong chuyến thăm Iran, ảnh: NDTV.
Thủ tướng Narendra Modi trong chuyến thăm Iran, ảnh: NDTV.

“Dự án kinh tế đầu tiên trong các dự án mà Iran dự kiến sẽ dành cho Ấn Độ là phát triển mỏ dầu Farzad-B. Thỏa thuận sơ bộ liên quan đến thăm dò và phát triển mỏ dầu này đã được Iran ký kết với một tổ hợp gồm ba công ty của Ấn Độ vào năm 2000.

Ấn Độ cũng rất quan tâm đến các dự án tại cảng Chabahar ở khu vực miền Nam Iran. New Delhi mới đây đã đề xuất đầu tư 20 tỷ USD vào các dự án hóa dầu của Teharn, trong đó có các nhà máy khí hóa lỏng tại khu vực này. 

Iran và Ấn Độ cũng đang theo đuổi dự án vận chuyển khí đốt qua một hệ thống đường ống dưới đáy biển. Tới nay, phía Ấn Độ đã đề xuất đầu tư 4,5 tỷ USD để xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí dưới đáy biển để vận chuyển khí đốt từ Iran tới thị trường Ấn Độ”, theo Bnews ngày 23/5.

Có thể thấy rằng, Hoa Kỳ và đồng minh sẽ ủng hộ và thúc đẩy cho mối quan hệ giữa Ấn Độ với Iran vì nó cực kỳ có lợi cho họ. Khi Iran chấp nhận đổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân lấy xoá cấm vận thì trong mắt phương Tây, mối nguy hiểm từ quân cờ này đã giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, tinh thần của Cách mạng 1979 vẫn còn rất mạnh mẽ tại quốc gia Hồi giáo này.  

Cùng với đó là khí tài cùa Iran phục vụ cho chiến tranh quy ước hay xung đột vụ trang có kiểm soát không hề suy giảm mà thậm chí còn tăng lên để bù vào công lực của bảo bối chương trình vũ khí hạt nhân đã bị tước mất mất. Do đó, Mỹ và NATO vẫn phài “phòng và thủ” từ xa đối với cường quốc quân sự Trung Đông này. 

Có điều đó mới chỉ là vũ khi “cứng”, còn vũ khí “mềm” – sự kiềm soát thông qua quan hệ kinh tế, chính trị với Teheran - thì Washington và đồng minh vẫn chưa có đối tác tin cậy để gởi gắm.

Tất cả những gì bao quanh Iran đều là đối thủ của Mỹ và đồng minh, như Nga hay Trung Quốc. Trong khi Israel, Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia đều là đối thủ không đội trời chung với Teheran.

Vì vậy, khi Ấn Độ kết nối với Iran thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ rất hài lòng về mối quan hệ này. Mỹ và đồng minh tăng cường quan hệ với Ấn Độ để dần thay thế cho Pakistan đang ngày càng ngả về Trung Quốc.

Có thế thấy rằng Nhật, Mỹ đang ngày càng gia tăng hợp tác với Ấn Độ qua những chuyến đi con thoi của Thủ tướng Modi tới những quốc gia này.

Narendra Modi thách thức Tập Cận Bình ảnh 4

Gene lãnh đạo thoái hóa

(GDVN) - Không phải cứ “hổ phụ” là chắc chắn sẽ sinh “hổ tử”. Vì vậy nếu INC tiếp tục lấy "truyền ngôi, nối dõi" làm phương châm lựa chọn lãnh đạo đảng là một sai lầm.

Việc nâng tầm quan hệ với New Delhi sẽ giúp cho Washington và Tokyo giảm thiệt hại vì hành động “cốc mò cò xơi” của Trung Quốc, nước này dựa vào Ấn Độ để làm điều ấy.

Việc giảm ảnh hưởng của New Delhi vào Bắc Kinh cũng sẽ khiến cho nhánh đường bộ “con đường tơ lụa mới” của Tập Cận Bình gặp thêm nhiểu cản trở.

Đặc biệt, khi Bắc Kinh không thể kiềm chế New Delhi thì AIIB có thể sẽ giảm hiệu quả vì ai cũng nhận ra Tập Cận Bình hy vọng Ấn Độ sẽ là nơi AIIB rót vốn nhiều nhất cho những đại công trường thay thế dần cho những ngành công nghiệp phải hạ nhiệt tại quốc nội.

Nay thì Bắc Kinh sẽ không còn dễ dàng có thể thực hiện điều ấy, vì vậy Washington và Tokyo sẽ bù đắp cho New Delhi những thiệt hại mà có thể không có được từ tiền của AIIB.

Trong khi đó, hợp tác với New Delhi thì Teheran có thể khai thác trực tiếp lợi ích từ dầu mỏ của mình khi cấm vận xoá và sản lượng tăng mà không phải qua "cầu" Trung Quốc.

Ấn Độ vừa là thị trường tiêu thụ nhưng cũng vừa là đối tác có thể giúp Teheran thoát khỏi sự kiềm chế của các đối thủ và các đối tác thiếu chân thành. Cho dù Iran chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng dầu thế giới nhưng vai trò của Iran rất quan trọng.

Nhờ có sản lượng dầu của Iran thì Trung Quốc mới đủ lực để khống chế và điều tiết giá dầu thế giới. Nhưng chơi với Trung Quốc thì như chơi dao hai lưỡi vì Trung Quốc luôn hướng tới khống chế đối tác để có lợi trong vai trò người tiêu dùng và người mua bán.

Mặt khác, Trung Quốc đang có quá nhiều đối thủ nên không thể che chở cho Iran.

Trong khi đó, với Nga thì Iran không thể chia sẻ lợi ích từ giá dầu nên có thể chỉ xoay quanh họp tác quân sự. Nhưng cũng như Bắc kinh, Moscow cũng có nhiều đối thủ “không đội trời chung” và lại đang khốn khổ vì vòng kim cô cấm vận.

Do đó, hợp tác làm ăn với New Delhi là phương án lành nhất. Đặc biệt là Tehran không phải đánh đổi quá nhiều những lợi ích vì sự không an toàn của các đối tác như Moscow hay Bắc Kinh.  

Như vậy, khi Narendra Modi ra tay thì Tập Cận Bình mới thấy sự lợi hại của những nước đi mà Modi thực hiện. Bắc Kinh đã tham bát bỏ mâm nên có thế mất cả chì lẫn chài, qua đó khiến cho New Delhi trở nên lợi hại và nguy hiểm hơn. Song với cá tính và khát vọng “giấc mộng Trung Hoa”, Tập Cận Bình sẽ không dễ dàng buông xuôi để Modi vùng vẫy. 

Có thể thấy rằng, khi Bắc Kinh có những biện pháp nhằm hoá giải công lực bởi những chính sách của New Delhi thì cũng là lúc cuộc chiến kinh tế Trung - Ấn bắt đầu.

Có lẽ Thủ tướng Modi đã có ý tránh tối đa cuộc chiến này vì nó không có lợi cho cả Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng dường như Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn điều ấy hay không nghĩ sẽ xảy ra điều ấy. Song Trung Nam Hải đã nhận định sai vị thế của New Delhi, đánh giá sai tài trí của Narendra Modi nên có thể họ phải trả giá cho những sai lầm ấy của mình.

Ngọc Việt