VOA Khmer ngày 31/5 đăng bình luận của một số nhà nghiên cứu, nhà quan sát Campuchia lo ngại, món nợ ngày càng tăng của Campuchia đối với đồng minh phương Bắc - Trung Quốc, đang ngày một lớn, trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ.
Tính đến năm 2015, Campuchia đã nợ Trung Quốc tổng cộng 2,7 tỉ USD, theo Vongsey Vissoth, một quan chức Bộ Kinh tế Tài chính Campuchia. Ông tuyên bố, các khoản Campuchia vay Trung Quốc không có ràng buộc nào đòi hỏi Phnom Penh phải thực hiện các nghĩa vụ về nhân quyền, tự do, dân chủ như phương Tây.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Daily Mail. |
Tuy nhiên các nhà phân tích nói với VOA Khmer rằng, Trung Quốc không gắn hoạt động viện trợ và cho vay với Campuchia vào vấn đề nhân quyền, dân chủ, nhưng lại gắn với các lợi ích địa chính trị, địa quân sự mà Bắc Kinh theo đuổi trên Biển Đông.
Trong những năm gần đây, cách tiếp cận tương tự được Trung Quốc áp dụng khắp toàn cầu, từ châu Á đến châu Phi hay châu Mỹ Latinh. Nơi đâu Trung Quốc đến, nơi đó mọc lên các nhà máy thủy điện, các mỏ khoáng sản và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khác.
Heng Sreang, một nhà nghiên cứu chính trị Campuchia nói với VOA Khmer: "Trung Quốc chủ yếu kết bạn với một số quốc gia ở châu Á, châu Phi và biến các nước này thành con nợ hay con tốt của họ. Rất dễ để Trung Quốc thâm nhập các quốc gia này và khai thác tài nguyên khoáng sản, đầu tư vào các khu đất vàng, xây dựng các con đập để phục vụ cho lợi ích của họ".
Nhà nghiên cứu này cho rằng, tình trạng hạn hán tồi tệ đang diễn ra tại Campuchia có khả năng đẩy đất nước chùa tháp vào tình cảnh ngày càng phụ thuộc hơn nữa vào nguồn vốn vay từ Trung Quốc.
Ông than phiền chính phủ Campuchia có thể đặt số phận dân tộc này vào tay Trung Quốc mà không tính đến các tác động trong việc trở thành con nợ của Bắc Kinh.
Kem Ley, một nhà nghiên cứu và vận động chính trị xã hội nói rằng, Campuchia nên tìm cách cân bằng trong các hoạt động đầu tư và cho vay của phương Tây với Trung Quốc.
"Nếu chúng ta gặp ngõ cụt trong quan hệ với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ không chỉ làm chúng ta đau khổ mà còn bế tắc về cả chính trị lẫn ngoại giao", ông Kem Ley nói.
Tuy nhiên tân Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon tuyên bố sau một cuộc họp gần đây với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng, Campuchia duy trì lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông:
"Lập trường của Campuchia là kêu gọi các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, đàm phán và tôn trọng luật pháp quốc tế."
Ou Virak, người sáng lập Diễn đàn Future cho rằng, mặc dù tân Ngoại trưởng khẳng định trung lập, nhưng Campuchia vẫn là một đồng minh của Trung Quốc: "Đó là một mối quan tâm đối với chúng tôi, thực tế chúng ta dựa vào Trung Quốc quá nhiều. Campuchia có thể trở thành một công cụ bị Trung Quốc lợi dụng trong các tranh chấp quốc tế."