LTS: Sau khi chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kết thúc, trong dư luận vẫn có những đánh giá khác nhau về triển vọng hợp tác song phương cũng như ảnh hưởng của quan hệ Việt - Mỹ tới các quan hệ đối ngoại khác của Việt Nam như quan hệ Việt - Trung, Việt - Nga.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài chia sẻ góc nhìn của ông xung quanh vấn đề này. Xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết của Giáo sư. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Tổng thống Hoa Kỳ đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam, một sự kiện đối ngoại quan trọng mà theo phản ánh của báo chí trong nước và nước ngoài, đã để lại những dấu ấn sâu đậm khó phai trong lòng người dân Việt Nam cũng như Tổng thống Obama và phái đoàn cấp cao Hoa Kỳ.
Sau các cuộc hội đàm, tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, các bài phát biểu, các văn bản được ký kết và những hình ảnh đẹp của chuyến thăm, vấn đề đặt ra là quan hệ Việt - Mỹ sẽ phát triển ra sao.
Có những ý kiến cho rằng, sau chuyến thăm này sẽ có những bước phát triển đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và an ninh hàng hải, bảo vệ tự do hàng hải hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội. Ảnh do Giáo sư cung cấp. |
Nhưng cũng có người băn khoăn, liệu tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam có trở thành hiện thực, hay chỉ là động tác xã giao.
Những băn khoăn, trăn trở ấy phản ánh nhận thức của xã hội Việt Nam chúng ta về quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh. Dù về mặt chính sách đối ngoại và quan hệ song phương, chúng ta đã bình thường hóa quan hệ hơn 20 năm, nhưng sâu thẳm trong tiềm thức không phải không còn những rào cản.
Nhận diện được những rào cản này và nguyên nhân do đâu, hai nước mới có thể viết tiếp câu Kiều mà ông Obama đã gửi gắm trong bài phát biểu tại Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định cho khu vực, phát triển cường thịnh và củng cố vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc.
Có cần đặt vấn đề Tổng thống Obama nói lời xin lỗi Việt Nam vì chiến tranh?
Vấn đề này được Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng nêu ra khi trả lời báo điện tử VTC News. Cá nhân người viết cho rằng, đó cũng là câu hỏi của nhiều người, nhất là những ai từng chứng kiến hy sinh, mất mát của người thân, đồng đội, đồng bào vì bom đạn Mỹ trong chiến tranh.
Tướng Trung đánh giá cao kết quả chuyến thăm cũng như những phát biểu của Tổng thống Obama tại Việt Nam. Ông cho biết, nếu Tổng thống Obama nói lời xin lỗi nhân dân Việt Nam vì cuộc chiến hơn 40 năm trước, ông sẽ đánh giá ông Obama là một Tổng thống xuất sắc nhất, anh dũng nhất và vĩ đại nhất của Hoa Kỳ.
Tôi hiểu đó là một giả thiết của ông Võ Tiến Trung. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu giả thiết của ông Trung xảy ra thì có thể đánh giá Tổng thống Obama trong trường hợp này rất dũng cảm.
Còn việc ông Obama có phải một Tổng thống xuất sắc nhất hay vĩ đại nhất nước Mỹ không thì điều đó phải do người dân Mỹ đánh giá, căn cứ vào công trạng của ông đối với đất nước mình.
Quay trở lại với câu chuyện có nên đặt vấn đề ông Obama xin lỗi Việt Nam hay không. Từ trước khi Việt Nam với Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995 cho đến nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chúng ta không quên quá khứ, nhưng sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai.
Đây là chính sách nhất quán không phải chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn đối với tất cả các nước từng đem quân xâm lược Việt Nam. Chính sách đó cũng phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lấy xây đắp hòa bình vững bền cho dân tộc, hợp tác chung sống hòa bình với các dân tộc khác của cha ông ta trong công cuộc dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm qua làm trọng.
Do đó theo tôi, một khi ông Obama và Chính phủ Mỹ đã chủ động dỡ bỏ rào cản cuối cùng trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đóng góp vào công cuộc khắc phục hậu quả của chiến tranh, tích cực hợp tác với Việt Nam trong phát triển kinh tế và trong đấu tranh giữ gìn luật pháp quốc tế, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông, chúng ta cũng không nên khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ rõ sự chân thành, thiện chí, thân thiện và lịch duyệt khi đến thăm Việt Nam, ảnh: Reuters. |
Về phần mình, thực tình tôi nghĩ rằng không nên khoét sâu ngăn cách bởi những chuyện đã qua, vì nó sẽ là rào cản của tương lai đang tới.
Nhưng đã nói cũng cần nói cho hết lẽ. Ý kiến của Thượng tướng Võ Tiến Trung đặt ra vấn đề ông Obama nên xin lỗi Việt Nam, thì cũng nên đặt ra với cả ông Tập Cận Bình khi ông ấy đến Việt Nam, bởi 3 lý do.
Một là cho đến nay, Trung Quốc vẫn chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam, quân sự hóa các đảo họ đã chiếm giữ, bất chấp luật pháp quốc tế và đạo lý, liên tục đe dọa, xâm hại tính mạng và tài sản ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên Biển Đông.
Hai là chúng ta phải nghĩ đến máu xương của đồng bào, chiến sĩ đã đổ xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc suốt 10 năm 1979-1989, bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988 cũng như tình cảm, nỗi niềm của các cựu chiến binh và những nạn nhân may mắn sống sót.
Ứng xử nhất bên trọng, nhất bên khinh có lẽ sẽ khiến nhiều gia đình có người ngã xuống vì súng đạn Trung Quốc, nhiều cựu chiến binh từng cầm súng bảo vệ biên cương, bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa cảm thấy chạnh lòng.
Ba là cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì lập trường Nhật Bản phải xin lỗi họ vì những gì lực lượng quân phiệt Nhật Bản đã gây ra cho dân tộc Trung Hoa trong chiến tranh thì quan hệ giữa hai nước mới có thể bình thường hóa hoàn toàn.
Trung Quốc vẫn coi việc tuyên truyền về "thế kỷ bị sỉ nhục" là công việc thường xuyên, quan trọng để làm nền tảng cho việc theo đuổi yêu sách chủ quyền của họ ở Hoa Đông.
Nhưng Trung Quốc quên mất trách nhiệm của chính họ vì những gì tương tự họ đã gây ra cho các dân tộc khác, trong đó có Việt Nam.
Biết sai và sửa sai là quan trọng, xin lỗi có nhiều cách
Xin lỗi thể hiện nhận thức về lỗi, biết mình sai và thay đổi, sửa sai. Trên thực tế, trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, hay giữa nhà nước với nhân dân, không phải cứ nói thành lời mới thể hiện được thái độ biết lỗi và xin lỗi.
Tại sao Hoa Kỳ thiện chí mong muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam? |
Thay đổi chính sách, thay đổi cách tiếp cận sai lầm cũng là cách xin lỗi và mang lại giá trị thiết thực hơn những lời có cánh nhưng chỉ là chót lưỡi đầu môi.
Ngay cả các chính phủ có lỗi với dân, do khóa trước để lại hay bộ máy đương nhiệm mắc phải, mặc dù có thể là lỗi lầm rất lớn nhưng có nhà lãnh đạo chọn cách xin lỗi công khai, có nhà lãnh đạo lựa chọn cách thay đổi chính sách, và không ít trường hợp, người dân cũng có thể chấp nhận như là một sự hối lỗi.
Ông Obama đã thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu Hoa Kỳ về cuộc chiến và bom đạn Mỹ gây ra những thảm họa cho Việt Nam bằng hành động rất cụ thể, thiết thực được nêu ra trong chuyến thăm này. Đó là điều rất đáng hoan nghênh.
Nếu Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II cứ đặt điều kiện Mỹ phải xin lỗi vì thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki thì mới chấp nhận bắt tay hợp tác, có lẽ nước Nhật không có được ngày hôm nay.
Chính hoạt động giúp đỡ Nhật Bản tái thiết và phục hồi sau chiến tranh là lựa chọn sáng suốt, có trách nhiệm và hiệu quả nhất của Hoa Kỳ.
Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã từng bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa sớm hơn, phát triển quan hệ song phương sớm hơn thay vì phải đợi mãi đến năm 1995. Vì khi đó ảnh hưởng của cuộc chiến đối với cả hai phía còn nặng nề, một bên dứt khoát đòi bồi thường chiến tranh mới bình thường hóa quan hệ, một bên chỉ chấp nhận viện trợ chứ không phải bồi thường.
Chính điều đó đã khiến 2 dân tộc mất đi cơ hội quý báu thực hiện hòa giải, tăng cường hợp tác, tạo dựng lòng tin và những giá trị tốt đẹp, nhân văn cho chính mình và cho nhân loại.
Cũng trong dịp VTC News đăng bài phỏng vấn Thượng tướng Võ Tiến Trung, người viết có đọc một bài trên một trang báo khác đặt vấn đề, có nên để cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey làm Chủ tịch HĐQT Đại học Fulbright hay không, vì lý do ông Bob Kerrey từng tham chiến tại Việt Nam và tham gia một cuộc thảm sát ở Bến Tre trong chiến tranh.
Theo bài báo này, mặc dù ông Bob Kerrey đã công khai xin lỗi và nhắc lại lời xin lỗi người dân Việt Nam một cách rất chân thành và cầu thị, ông vẫn bị ám ảnh bởi ký ức cuộc chiến, tuy ông nói rằng mình không trực tiếp giết ai trong cuộc thảm sát năm xưa.
Với ông, chỉ có cách làm điều gì đó có ích cho Việt Nam mới khiến ông nguôi ngoai ám ảnh của chiến tranh. Cũng giống như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Thượng nghị sĩ John McCain, ông Bob Kerrey đang làm tất cả những gì có thể để tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Mỹ.
Ông Bob Kerrey lựa chọn lĩnh vực giáo dục, giúp đỡ Việt Nam xây dựng và phát triển nguồn nhân lực là điều cực kỳ đáng quý, đáng trân trọng. Huống hồ, Đại học Fulbright là một dự án 100% vốn nước ngoài, Chủ tịch HĐQT do phía Mỹ chứ không phải Việt Nam bổ nhiệm.
Việc bổ nhiệm một cựu Thượng nghị sĩ làm Chủ tịch HĐQT chứng tỏ phía Mỹ rất coi trọng vai trò của cơ sở giáo dục đại học này.
Do đó theo tôi, những định kiến đối với cá nhân ông Bob Kerry hay bất kỳ cựu binh Mỹ nào muốn đóng góp cho Việt Nam và cho quan hệ Việt - Mỹ là không phù hợp với chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta cũng như lợi ích lâu dài của hai nước, hai dân tộc.
Câu Kiều tặng Tổng thống Obama |
Đành rằng trong xã hội mỗi người có quan điểm khác nhau và chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt, nhưng khoét sâu vào vết thương chiến tranh thiết nghĩ không phải cách ứng xử nhân văn.
Tôi chắc rằng, đối với một xã hội coi trọng các ý kiến khác biệt như Hoa Kỳ, những ý kiến này có thể không làm Chính phủ và người dân Hoa Kỳ phân tâm.
Nhưng những ý kiến này có thể gây chia rẽ trong chính nội bộ dư luận Việt Nam về quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, vô hình trung có thể trở thành lực cản không cần thiết.
Người Mỹ ngày nay khác người Mỹ ngày trước. Họ đã bỏ gánh nặng cuộc chiến xuống để hướng về Việt Nam, hợp tác cùng phát triển phồn vinh. Chúng ta cũng không nên mãi mặc cảm với quá khứ.
Hiểu, ghi nhớ và trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử nhưng đừng để quá khứ trở thành rào cản tương lai tốt đẹp.
Triển vọng hợp tác Việt - Mỹ sau chuyến thăm và bên thứ 3
Triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đến đâu sau chuyến thăm của ông Obama phụ thuộc vào nhận thức cũng như nỗ lực chung của hai bên. Tuy nhiên, người viết cho rằng, điều đó chủ yếu được quyết định bởi lợi ích chiến lược của hai nước.
Nếu lợi ích chiến lược trùng hợp thì lời ước “trăm năm” của ông Obama sẽ trở thành hiện thực, dù cho ở Mỹ đảng nào nắm quyền.
Những băn khoăn lo ngại rằng, động thái dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ với Việt Nam chỉ là "ngoại giao" hay khó có tiến triển nào thực tế vì Mỹ chưa chắc thật lòng, hay Việt Nam chưa hoàn toàn tin tưởng thiện chí của Mỹ theo tôi là không có cơ sở.
Chuyện hợp tác giữa hai quốc gia là đại sự, không phải chuyện ngẫu hứng nhất thời hay chuyện có thể nói một đằng, làm một nẻo. Việc hợp tác trong lĩnh vực quân sự, an ninh hàng hải được dư luận quan tâm sau dỡ bỏ lệnh cấm chỉ còn lại những vấn đề mang tính chất kỹ thuật, phụ thuộc vào tính toán mỗi bên.
Cũng có người đặt vấn đề, Trung Quốc rất lo ngại khi Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là trên Biển Đông. Tôi nghĩ rằng, người Việt Nam hiểu mình, hiểu người.
Việt Nam là một nước nhỏ nằm trong vùng cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn. Chúng ta không theo nước này chống nước kia, không liên minh liên kết với nước nào để chống lại nước thứ 3. Nhưng một khi độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa hoặc xâm hại, thì liên minh tự vệ sẽ tự nó hình thành.
Việc Việt Nam phát triển quan hệ với Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào không nhằm chống lại Trung Quốc. Các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế, hòa bình ổn định ở Biển Đông không thể xem là "chống Trung Quốc".
Các hoạt động hợp tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông trước các hành vi leo thang, phiêu lưu quân sự, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Việt Nam từ phía Trung Quốc như vụ giàn khoan 981 không thể gọi là "chống Trung Quốc".
Trung Quốc thường hay nhấn mạnh đến phương châm 16 chữ “vàng” trong quan hệ Việt - Trung: "Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan", trong đó vấn đề "lý tưởng tương thông" hay quan hệ anh em, đồng chí được họ khai thác tối đa trong quan hệ với Việt Nam.
Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ? |
Nhưng “vàng” của nước láng giềng có phải vàng thật không? Nếu họ ứng xử đúng theo tinh thần "bốn phương vô sản đều là anh em" thì đã không có Chiến tranh Biên giới 1979-1989, xâm lược Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988.
Chúng ta luôn mong muốn vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Trung, nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia dân tộc.
Do đó, tinh thần 16 chữ và 4 tốt trong quan hệ Việt - Trung cần được chúng ta vun bồi và khai thác tối đa theo hướng đưa hai nước vào bàn đối thoại, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế một cách khách quan, cầu thị, khoa học và hợp pháp.
Lập trường chính trị, quan hệ chính trị tạo môi trường cho đối thoại, không phải căn cứ để giải quyết tranh chấp bất đồng.
Tôi tin rằng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng hay phương hại gì đến quan hệ Việt - Mỹ nếu cả hai bên thực hiện đúng bản chất của phương châm, tinh thần ấy.
Tổng thống Obama cũng đã khẳng định, ông ủng hộ Việt Nam - Trung Quốc đối thoại giải quyết vấn đề và Mỹ không can thiệp trong các tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
Có thể thấy Trung Quốc có lẽ cũng bất ngờ trước quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ và cảm thấy lo lắng.
Chúng ta sẽ làm yên lòng các nước liên quan bằng hành động thực tế của mình, chứ không cần giải thích là Việt Nam có mua hay không mua vũ khí Mỹ.
Vũ khí hiện đại là yếu tố quan trọng, nhưng người sử dụng vũ khí mới là yếu tố quyết định thắng lợi của công cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.
Trên tinh thần độc lập tự chủ, công khai minh bạch, yêu chuộng hòa bình và công lý, chúng ta hoàn toàn có thể nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như giữa Việt Nam với các nước khác để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đấu tranh chống bá quyền và chống các âm mưu lợi dụng nước này chống lại nước kia.