Đối thoại An ninh Shangri-la lần thứ 15 đã khai mạc tối qua tại Singapore với bài phát biểu của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Bài phát biểu của Thủ tướng Thái Lan tập trung vào vai trò và sự chủ động của quân đội trong sự phát triển của đất nước.
Defense News ngày 3/6 cho hay, hầu hết các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-la năm nay tiếp tục quan tâm đến các hành vi leo thang, phiêu lưu quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục "nuốt chửng" những hòn đảo nhỏ, thách thức quyền tự do hàng hải hàng không của tàu chiến, máy bay Mỹ qua khu vực này.
Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la lần thứ 15, ảnh: iiss.org. |
Đây cũng sẽ là kỳ đối thoại "cuối cùng" trước khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS) trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ có bài phát biểu sáng hôm nay, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục lên án các hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông từ phía Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế. Sau Ash Carter sẽ là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Nhật Bản, cả hai nước đều phải đang đối mặt với tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-la năm nay cũng bàn tàn xôn xao về việc liệu có khả năng Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như tiết lộ trên tờ South China Morning Post hay không.
Ông Tôn Kiến Quốc - Phó tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Trung Quốc sẽ có bài phát biểu chính thức trước hội nghị vào ngày mai. Trong khi một cố vấn Lầu Năm Góc cho hay, Trung Quốc đang tìm cách nâng cao biện pháp quản lý khủng hoảng để tránh một thảm kịch với Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Trung Quốc sẽ không có gì thay đổi trong vấn đề Biển Đông
South China Morning Post ngày 3/6 dẫn lời Tiến sĩ Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói rằng, dự kiến Bắc Kinh và Washington sẽ tiếp tục bảo lưu quan điểm, nhưng không sử dụng đối thoại này để gây thêm chú ý về những bất đồng giữa hai bên trên Biển Đông.
Thay vì cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận, hai bên sẽ tìm kiếm cách thức quản lý những khác biệt, tránh căng thẳng leo thang thành xung đột hay tai nạn quân sự.
"Mỹ mong muốn khu vực tin cậy vào Hoa Kỳ như một bên đảm bảo hòa bình, an ninh cho khu vực và đồng minh đáng tin cậy. Nhưng đồng thời khu vực này cũng không muốn nhìn thấy một cuộc đối đầu Trung - Mỹ nổ ra. Sự cân bằng là những gì Mỹ đang cố gắng làm tại Đối thoại Shangri-la", bà Glaser cho hay.
Huang Jing, chuyên gia quan hệ Mỹ-Trung từ Đại học Quốc gia Singapore và là thành viên ban tổ chức Đối thoại Shangri-la cho hay, căng thẳng trên Biển Đông đã được lên kế hoạch cho một phiên thảo luận trong Đối thoại năm nay. Cả Trung Quốc và Mỹ đang sẵn sàng làm dịu sức khác biệt của họ về Biển Đông.
Ông nói rằng, dù Lầu Năm Góc và Nhà Trắng tiếp tục tranh cãi về việc đối phó với hành vi (phiêu lưu quân sự) của Trung Quốc trên Biển Đông như thế nào, chắc chắn ông Obama sẽ không cho phép nổ ra một vụ tranh cãi gay gắt trước khi diễn ra Đối thoại Chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ dự kiến bắt đầu vào Thứ Hai tuần tới.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ nghe thấy bất kỳ điều gì mới từ phía Trung Quốc. Hội nghị này là nơi phù hợp để trao đổi về sự khác biệt, nhưng có cân bằng. Tôi không nghĩ rằng sẽ có những lời lẽ đặc biệt mạnh tại Đối thoại Shangri-la năm nay", bà Glaser nhận định.
Học giả Úc tin Trung Quốc sẽ không dám tuyên bố áp đặt ADIZ trên Biển Đông lúc này
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia được The Straits Times ngày 3/6 dẫn lời đánh giá, Trung Quốc sẽ không đơn phương tuyên bố áp đặt ADIZ ở Biển Đông, mặc dù trước đó tờ South China Morning Post có dẫn nguồn "tin riêng từ quân đội Trung Quốc" tiết lộ khả năng này.
Mặc dù Trung Quốc đã bồi đắp các đảo nhân tạo quy mô lớn và tiến hành quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Biển Đông,, nhưng chỉ bấy nhiêu chưa đủ khả năng để cho Trung Quốc thực thi các quy định của một ADIZ trên Biển Đông.
"Họ có đường băng ở đó, nhưng không có các kho nhiên liệu, không có năng lực bảo trì cho tàu sân bay có thể hiện diện trong thời gian dài. Do đó không có cách nào để Trung Quốc thực hiện một ADIZ", Giáo sư Thayer nói.
Bởi vậy việc "xì" ra thông tin sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông chỉ là một chiêu trò tâm lý chiến mà Trung Quốc dựng lên để gây áp lực tâm lý lên các quốc gia láng giềng ở Biển Đông. Ngoài những ngón "võ mồm", Trung Quốc chưa có khả năng làm gì với một ADIZ ở Biển Đông.
South China Moring Post cho biết, trong một dấu hiệu thể hiện thiện chí, Việt Nam đã mời hải quân Trung Quốc ghé thăm một cảng không xác định, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói.
Lời mời được đưa ra trong cuộc tiếp xúc giữa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với ông Tôn Kiến Quốc bên lề Đối thoại Shangri-la.