Ngành giáo dục TP.Hồ Chí Minh xin làm chương trình, sách giáo khoa riêng

07/06/2016 13:12
Phương Linh
(GDVN) - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu, năm học tới, TP.Hồ Chí Minh dứt khoát phải xóa chuyện chạy trường, chạy lớp đầu năm học, gây khó khăn đủ đường cho dân.

Ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Hồ Chí Minh về vấn đề phát triển giáo dục của thành phố trong thời gian vừa qua.

Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong.

Dân số gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học

Báo cáo của ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo thành phố trình bày tại buổi làm việc cho thấy, là một trong những thành phố lớn của cả nước, trong những năm gần đây, do áp lực của gia tăng dân số cơ hội kéo theo sự gia tăng học sinh mỗi năm đến 65.000 học sinh.

Dù TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng rất nhiều trường lớp mới, nhưng chỗ học vẫn bị quá tải, sĩ số ở các lớp vẫn còn cao, chưa thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Hiện trên toàn địa bàn thành phố có 30% số trường mầm non, tiểu học, 15% số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tại mỗi quận huyện, ở mỗi bậc học đều có ít nhất từ 2 đến 3 trường học khác nhau, đạt theo đúng tiêu chuẩn hội nhập.

Số trường có nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân bóng đá vẫn chưa nhiều, diện tích sân chơi tại mỗi trường còn nhỏ, nên ảnh hưởng đến việc vui chơi của các em thiếu nhi,

Buổi làm việc giữa TP.Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục, Đào tạo diễn ra sáng ngày 7/6 (ảnh: P.L)
Buổi làm việc giữa TP.Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục, Đào tạo diễn ra sáng ngày 7/6 (ảnh: P.L)

Người đứng đầu ngành giáo dục của TP.Hồ Chí Minh cũng đề xuất lãnh đạo Bộ cho phép ngành giáo dục của thành phố thực hiện một số cơ chế đặc thù, nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.

Cụ thể: Cho phép thành phố tự xây dựng chương trình giáo dục, sách giáo khoa dựa trên chương trình của Bộ.

Giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được kiểm tra, đánh giá và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ Giáo dục chỉ định kỳ đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các tiêu chuẩn quốc tế, công bố rộng rãi toàn quốc.

Phân cấp quyền tự chủ 100% cho các trường Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập được phép tự quyết định chương trình, nhập khẩu chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định học phí và chỉ tiêu tuyển sinh.

Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, còn Sở chỉ đánh giá chung vào giữa và cuối cấp học, làm cơ sở để đánh giá xem xét hoàn tất chương trình của cả cấp học.

TP.Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020, học sinh sẽ được giảng dạy, học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy sáng tạo, khoa học biết tìm tòi nghiên cứu.

Giáo dục hội nhập là không có chạy trường, chạy lớp

Tham dự buổi làm việc, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, hiện thành phố đang ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế trong khu vực, trên thế giới.

Chính vì vậy, nguồn nhân lực lao động có chuyên môn, trình độ cao đang có một nhu cầu rất lớn.

Do vậy, một nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho ngành giáo dục là phải nâng cao chất lượng dạy và học, đào tạo đội ngũ nhân lực cho tương lai của thành phố.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thí điểm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố. Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bí thư Đinh La Thăng: Giáo dục hội nhập là không có chạy trường, chạy lớp (ảnh: P.L)
Bí thư Đinh La Thăng: Giáo dục hội nhập là không có chạy trường, chạy lớp (ảnh: P.L)

Về vấn đề dạy thêm, học thêm, Bí thư Đinh La Thăng khẳng định: Phải dứt khoát xóa bỏ chuyện dạy thêm và học thêm. Tại sao các trường quốc tế không có dạy thêm, học thêm mà chất lượng đầu ra vẫn cao.

“Giáo dục hội nhập là không có dạy thêm, học thêm, chạy trường, chạy lớp gì cả. Cứ mỗi khi đến đầu năm học mới là lại xuất hiện chạy trường, chạy lớp đủ kiểu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành giáo dục thành phố, gây khó khăn đủ điều cho người dân” – Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Đinh La Thăng, chỉ cho phép phụ đạo học sinh yếu, nhưng tuyệt đối không mở các lớp dạy thêm trong trường học.

“Nếu cần thì đã có sẵn các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, ở đó có sẵn các lớp rồi, nên muốn dạy thêm và học thêm thì cứ đến đó đăng ký thôi” – Bí thư Đinh La Thăng kết luận.

Phương Linh