Cô giáo giao bài làm văn về tình yêu cho HS lớp 3

10/10/2011 11:00
Theo Vietnamnet
Cô giáo đã chọn những câu ca dao nói về tình yêu để các bé phân tích biện pháp tu từ so sánh trong tiếng Việt.
Phụ huynh Khánh Hoan chia sẻ câu chuyện về bài tập làm văn của con đang học lớp 3 trên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã khiến cho nhiều người ngỡ ngàng. Cô giáo đã chọn những câu ca dao nói về tình yêu để các bé phân tích biện pháp tu từ so sánh trong tiếng Việt:

“Tìm sự vật so sánh trong câu văn, thơ sau và gạch hai gạch dưới từ so sánh:
b/Con cò trắng tựa như vôi
Tụi mình còn nhỏ xứng đôi quá chừng.
c/Thân em tựa cánh chuồn chuồn
Khi vui nó đậu khi buồn nó bay”.



Phân tích biện pháp so sánh luôn đi kèm với nội dung của văn cảnh để thấy được tác dụng hay cái hay. Vì thế, phụ huynh cảm thấy thật khó khăn và không ổn chút nào nếu phải giải thích cho các con mới học lớp 3 về tình yêu, về thân phận người con gái trong những câu ca dao này.

Chị phản ứng: “Đừng quá chủ quan khi cho rằng ở lứa tuổi lớp 3, học sinh còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được những điều bất ổn trong những câu chữ có nội dung như thế! Hãy vì những mầm non tương lai của đất nước mình mà “chăm bón” cho các em những thứ “dễ tiêu hoá” và phù hợp với lứa tuổi của chúng.”

Chia sẻ suy nghĩ của mình, một số giáo viên có đôi chút “giật mình” vì có thể thấy lại hình ảnh của mình từng mắc phải những sai lầm tương tự như thế. Cô Đào Thị Thủy, hiệu phó phụ trách chuyên môn trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm đồng cảm, khi còn là một giáo viên trẻ, đôi lúc quá say mê, mình cũng từng có những lựa chọn không phù hợp.
Qua tìm hiểu sơ bộ ở một số trường tiểu học, có thể nói việc cô giáo cho các con tiếp cận với những nội dung “quá lứa” này không phải là nhiều. Hầu hết, các em được học ca dao, tục ngữ về gia đình, tình anh em, bạn bè, quê hương… Sách tham khảo môn Văn hầu như không có. Nhiều thầy cô cho hay, đôi khi các em biết từ chính từ điển tục ngữ, ca dao mà bố mẹ mua ở nhà. Vì thế, khi các con hỏi, thầy cô mới cần giải thích đó là vẻ đẹp tinh tế trong cách thể hiện tình cảm của người xưa. “Bắt bệnh” cô giáo trong bài viết của phụ huynh Khánh Hoan, cô Nguyễn Phương Lan, hiệu trưởng trưởng tiểu học Dịch Vọng A và cô Đào Thị Thủy đều nói chung một điểm: Cô giáo suy nghĩ đơn giản và quá để ý đến dấu hiệu của biện pháp so sánh là những từ ngữ “như”, “giống như”, “như là” nên chỉ cần gặp câu nào có từ này, đảm bảo là có sử dụng phép so sánh, cô đã dùng ngay mà không để ý đến yêu cầu khác. Cô Lan nhận xét: “Có thể nói là cô giáo có phần “cẩu thả” và thiếu mất sự tinh tế khi lựa chọn. Thơ dành cho trẻ em của Trần Đăng Khoa, Anh Thơ… rất hay, nhiều hình ảnh so sánh và chắc chắn là các con sẽ rất thích, sao cô không chọn? Hơn nữa, ngay cả những câu ca dao này cũng không phải là những câu hay, thể hiện được ngôn từ tinh tế, chọn lọc của cha ông.” Kể thêm câu chuyện dạy các con về tác hại của thuốc lá, cô hiệu trưởng của trường tiểu học Dịch Vọng A cho thấy khi dạy tiểu học, dù chỉ là những điều rất đơn giản, nhưng giáo viên cần phải sàng lọc để phù hợp với độ tuổi, cảm nhận của các em. Vì thế, không phải cứ dạy tác hại của thuốc lá, các cô giáo có thể mang những hình ảnh mà người lớn nhìn cũng khiếp sợ như chân tay lở loét, ung thư cổ họng loang lổ…để trưng bày. Tính giáo dục quan trọng, nhưng bên cạnh đó cũng cần tính thẩm mỹ.
Cô Đào Thị Thủy tỏ ra cảm thông với cô giáo.

Cô Thủy cho rằng, đây là cô giáo còn trẻ, có lòng nhiệt tình nên mới tìm thêm bài để các con luyện tập. Ở tiểu học, lớp 5 các em đã được học về giới tính, chuyện trứng gặp tinh trùng, nhưng đó là dưới góc độ khoa học. Theo ý kiến của cô Thủy, cảm nhận một cách sâu sắc và hay lo ngại là tâm lý của người lớn.

“Làm giáo viên bây giờ quả thực có nhiều áp lực. Nhất là phụ huynh bây giờ nhiều chữ, lại có trong tay nhiều phương tiện thông tin”- cô Thủy nói thêm- “Tại sao phụ huynh không góp ý với nhà trường để các cô giáo rút kinh nghiệm?”.

Theo các cô giáo, góp ý trực tiếp hoặc với nhà trường là cách giúp các cô giáo có thể sửa ngay và ít áp lực hơn.
Theo Vietnamnet