Nhân Dân nhật báo ngày 8/6 đưa tin, trong chương trình "Tiêu điểm hôm nay" phát sóng trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Đỗ Văn Long - một Đại tá và chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đưa ra một số bình luận về hợp tác quân sự quốc phòng Việt - Nhật trên Biển Đông.
Truyền thông và giới nghiên cứu nhà nước Trung Quốc đặc biệt quan tâm, theo dõi hoạt động hợp tác quốc phòng Việt - Nhật và những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trọng điểm mà Trung Quốc để ý là việc Nhật bản viện trợ, cung cấp cho Việt Nam nhiều tàu tuần tra hàng hải hơn.
Đại tá Đỗ Văn Long, ảnh: China.org.cn. |
Nhân Dân nhật báo cho rằng, động thái này càng đáng chú ý sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Tờ báo dẫn lời ông Long kêu gọi, Bắc Kinh vừa phải phản đối, vừa phải chuẩn bị sẵn sàng?!
Đại tá Long tin rằng, với việc Nhật Bản can thiệp sâu hơn vào Biển Đông làm cho cục diện khu vực ngày càng quốc tế hóa, phức tạp hóa và Bắc Kinh cần phải chuẩn bị nâng cao khả năng và mức độ "đấu tranh" theo hướng này.
Ông Long bình luận: "Việc can thiệp quân sự của Nhật Bản vào Biển Đông đang tiến hành theo hai bước. Một là can thiệp gián tiếp, hai là can thiệp trực tiếp.
Hiện nay phương thức can thiệp chủ yếu của Nhật là gián tiếp, cung cấp vũ khí trước để mọi người cảm nhận được sự hiện diện của Nhật về mặt quân sự ở Biển Đông.
Khi hoàn thành bước 1, quan hệ hợp tác quân sự Việt - Nhật xích lại gần nhau hơn thì chúng ta cần phải cảnh giác cao độ giai đoạn 2, can thiệp trực tiếp.
Ví dụ như Nhật có thể tuần tra chung với Mỹ ở khu vực nhất định trên Biển Đông, thậm chí có thể tuần tra 3 bên Mỹ - Nhật - Philippines.
Liệu khả năng tuần tra 3 bên ở Biển Đông sắp tới đến đâu? Liệu có hình thành cục diện tuần tra chung 4 bên Mỹ-Nhật-Việt-Philippines hay không, sau khi Nhật Bản không ngừng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Việt Nam?
Một khi hình thành cục diện này về mặt quân sự, Nhật Bản đã hình thành năng lực tấn công trực tiếp. Nếu việc bán vũ khí như hiện nay trở nên bình thường thì không loại trừ Nhật Bản bán cả tàu ngầm, tàu khu trực, tàu hộ vệ đã qua sử dụng cho Việt Nam.
Những vũ khí này sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng khống chế trên không, trên biển ở mức độ nhất định, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Nhật sẽ đạt tới ngưỡng chưa từng có".
Theo ông Long, phản ứng với hợp tác quân sự Việt - Nhật, Bắc Kinh một là phải phản đối, hai là cần tiếp tục quan sát, ba là cần chuẩn bị sẵn sàng.
Cá nhân người viết cho rằng, nhận định của Đại tá Long chỉ nhằm tuyên truyền chính sách bài Nhật và cổ súy bành trướng Biển Đông. Hợp tác an ninh hàng hải Việt - Nhật và cụ thể là Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra hàng hải cho Việt Nam hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, phòng vệ chính đáng.
Mặt khác thực tế là số lượng trang bị tàu thuyền của Cảnh sát biển / Tuần duyên toàn bộ khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản cũng không nhiều bằng Trung Quốc, nên mọi động thái củng cố phòng thủ của các nước trong khu vực Biển Đông, bao gồm Việt Nam, chỉ nhằm bảo vệ mình, không phải chống đối ai.
Việc phản đối hợp tác quốc phòng, an ninh hàng hải bình thường, hợp pháp giữa Nhật Bản với Việt Nam như gợi ý của Đại tá Long là cách làm thiếu chín chắn, nếu không muốn nói là ấu trĩ, suy nghĩ hẹp hòi và không nên trở thành công cụ để Trung Quốc sử dụng trong quan hệ đối ngoại ngày nay.