Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 12/6 dẫn hãng tin Kyodo Nhật Bản cho biết, về việc tàu chiến Hải quân Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ngày 10/6 nhấn mạnh, để sớm khởi động cơ chế liên lạc trên biển giữa cơ quan quốc phòng hai nước nhằm tránh các cuộc xung đột bất ngờ, hy vọng hai bên có thể đẩy nhanh tiến trình tham vấn liên quan.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani. Nguồn ảnh: Bloomberg |
Ông Gen Nakatani cho hay: "Vấn đề này cần thông qua các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất để thể hiện tính cần thiết và tính cấp bách. Tôi cũng sẵn sàng và coi trọng đối thoại với các nhà lãnh đạo Trung Quốc".
Ông Gen Nakatani còn cho biết: "Khi xuất hiện vấn đề tương tự, liên lạc và kêu gọi đối phương dừng lại rất cần thiết về mặt an ninh".
Xung quanh cơ chế liên lạc này, tại cuộc hội đàm cấp cao Nhật-Trung tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 11/2014 đã xác nhận phương châm sớm khởi động tiến hành tham vấn, nhưng sau đó rơi vào tình trạng khó khăn.
Ngoài ra, theo tờ Tokyo Shimbun Nhật Bản ngày 11/6, một tàu chiến Trung Quốc đã đi vào khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku. Mặc dù đây là một thách thức to lớn đối với Nhật Bản, nhưng Nhật Bản vẫn cần thận trọng quan sát ý đồ của Trung Quốc, tránh mở rộng tình hình căng thẳng quân sự.
Trong cùng một khoảng thời gian, còn có 3 tàu chiến Nga cũng đã đi vào khu vực tiếp giáp. Hành động lần này là hành động liên hợp của quân đội hai nước Trung-Nga? Tại sao Trung Quốc chỉ có 1 chiếc tàu chiến đi vào? Họ đi vào khu vực tiếp giáp là ngẫu nhiên hay mất kiểm soát ở hiện trường? Hay là ý đồ cố tình của Trung Quốc? Bài báo cho rằng, những điều này đều cần nhanh chóng tiến hành phân tích.
Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tướng Kawano Katsutoshi nhấn mạnh, nếu Trung Quốc "xâm phạm lãnh hải", Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng. Nhưng hiện nay tình hình này giải quyết bằng con đường ngoại giao sẽ thỏa đáng hơn.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vùng tiếp giáp lãnh hải Senkaku. Nguồn ảnh: Tin tức Tham khảo |
Bài báo cho rằng, nếu tàu chiến Trung Quốc xâm phạm lãnh hải xảy ra tình trạng bất trắc, Nhật Bản cũng sẽ phát động hành động cảnh giới trên biển, điều tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển ứng phó.
Nhưng để tình hình đến mức này là điều không ai muốn. Vì vậy, Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc tự kiềm chế, không nên để tình hình tiếp tục xấu đi. Nhật Bản cũng cần bình tĩnh xem xét và ứng phó.
Bất kể hành động lần này của Trung Quốc có ý đồ gì, Nhật Bản và Trung Quốc đều cần tránh xung đột ngẫu nhiên. Chính phủ hai nước Nhật Bản và Trung Quốc mặc dù đều đồng ý xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng để tránh các tình huống bất trắc, nhưng tham vấn cơ chế luôn bị gác lại.
Chính phủ Nhật Bản cần lấy đây làm cơ hội, thúc giục Trung Quốc sớm khởi động cơ chế quản lý khủng hoảng.
Theo tờ Asahi Shimbun Nhật Bản ngày 11/6, sáng ngày 9/6, tàu chiến Trung Quốc đi vào khu tiếp giáp xung quanh đảo Senkaku, Chính phủ Nhật Bản lên tiếng phản đối Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên xác nhận tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở vùng biển này.
Chính vì hành động lần này của Trung Quốc không rõ ràng, cho nên mới dễ dẫn tới sự không tin tưởng, càng dễ gây căng thẳng. Hiện nay, giữa Nhật-Trung cần nhanh chóng xây dựng lòng tin tối thiểu.
Trước đây, giữa Nhật-Trung đã đạt được đồng thuận 4 điểm, đồng thời đã xác nhận tầm quan trọng của xây dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau. Chẳng hạn, hai bên đã bàn đến cơ chế quản lý khủng hoảng để ngăn chặn xảy ra tình huống bất trắc trên biển, trên không, nhưng tham vấn về cơ chế này mãi chưa được khởi động.
Đối đầu Trung-Nhật trên vùng biển đảo Senkaku năm 2012. Nguồn ảnh: Tin tức Tham khảo |
Đối thoại trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ như chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, văn hóa mới có thể tạo ra được các kênh trao đổi ở nhiều cấp độ. Trung Quốc và Nhật Bản cần những kênh như vậy, cần có nhiều trao đổi chân thành hơn giữa lưu học sinh, người dân thành thị.
Theo bài báo, chỉ có thông qua đối thoại, hai bên mới có thể hiểu được ý đồ của đối phương, đề phòng các cuộc khủng hoảng có hiểu nhầm tiếp tục leo thang. Hiện nay, điều cần nhất giữa Trung-Nhật chính là xây dựng lòng tin thực sự.