Hiệu trưởng trường Chu Văn An có góc nhìn khác Bí thư Thăng về cấm dạy thêm

13/06/2016 13:37
Phương Linh
(GDVN) - Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Hiệu trưởng trường Chu Văn An, việc học thêm xuất phát từ nhu cầu có thật của phụ huynh thì cũng là bình thường, không nên cấm.

Ban biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của phụ huynh hiện đang có con theo học tại trường trung học cơ sở Chu Văn An (quận 11, TP.Hồ Chí Minh) về việc trường tổ chức luyện thi tuyển sinh lớp 10 tại trường.

Luyện thi xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh

Trước những thông tin nói trên từ phía phụ huynh, sáng ngày 13/6, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm – Hiệu trưởng trường Chu Văn An đã lên tiếng xác nhận, những thông tin mà phụ huynh phản ánh là chính xác.

Theo đó, trường tổ chức ôn thi luyện thi tuyển sinh lớp 10 cho học sinh khối lớp 9 trong vòng 5 tuần (từ ngày 9/5). Học sinh đóng 1,2 triệu đồng cho 3 môn Văn, Toán, Anh, với trung bình mỗi môn 6 tiết/tuần.

Ngoài ra, học sinh còn có thêm 2 tiết dành cho sinh hoạt chủ nhiệm mỗi tuần. Có khoảng hơn 70% tổng số học sinh khối lớp 9 có xét tuyển lớp 10 đăng ký học ôn tại trường.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, có một số học sinh được phụ huynh cho học tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, học ở ngoài hay ở nhà tự học thì cũng được nhà trường đồng ý, hoan nghênh, chứ không ép buộc phải học ở trường.

Về việc tổ chức lễ tri ân cho học sinh khối lớp 9 tại trường, trường tổ chức hôm 27/5 với tinh thần gọn, nhẹ, tiết kiệm.

Mỗi học sinh đóng 40.000 đồng để ban đại diện cha mẹ học sinh của trường mua hoa tặng thầy cô giáo và phụ huynh, mua quà cho học sinh (biểu trưng logo trường), cùng với kinh phí tổ chức lễ, tiệc.

Cũng như nhiều trường khác ở quận 11, trường Chu Văn An cũng tổ chức các lớp luyện thi tuyển sinh 10 (ảnh: P.L)
Cũng như nhiều trường khác ở quận 11, trường Chu Văn An cũng tổ chức các lớp luyện thi tuyển sinh 10 (ảnh: P.L)

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm khẳng định, việc thu tiền này là thu theo thỏa thuận của phụ huynh, được ban đại diện cha mẹ học sinh và toàn thể phụ huynh đồng ý. Các khoản tiền này cũng là do phụ huynh cầm, tổ chức, chứ nhà trường không đóng vai trò chính.

Như vậy, ngoài khoản tiền 10.000 đồng đóng để làm bằng tốt nghiệp, 50.000 đồng tiền đóng để photo tài liệu (3 môn Toán, Văn Anh), 40.000 đồng đóng cho lễ tri ân, học sinh khối lớp 9 của trường Chu Văn An phải đóng tất cả 100.000 đồng.

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm chia sẻ rằng, đối với những học sinh hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng đóng tiền, thì nhà trường vẫn chấp nhận, vẫn được tham gia lễ tri ân bình thường.

Còn các học sinh không tham gia xét tuyển vào lớp 10 thì không cần phải đóng tiền luyện thi, tiền photo tài liệu 3 môn học.

Học thêm xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh thì không nên cấm

Mới đây nhất, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã có yêu cầu bắt đầu từ đầu năm học tới đây, thành phố dứt khoát phải xóa được nạn dạy thêm và học thêm ở trường.

Đối với những học sinh sức học yếu, hay bồi dưỡng học sinh giỏi thì được phép tổ chức, nhưng phải hoàn toàn miễn phí, không được phép thu tiền của học sinh. Còn học sinh, giáo viên muốn học thêm và dạy thêm thì đến các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, trung tâm ngoại ngữ có sẵn các lớp học ở đấy.

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, dưới góc độ quản lý một trường trung học cơ sở, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm cho rằng, nếu học thêm và dạy thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh thì cũng là việc nên làm.

Theo bà Trâm, không nên cấm việc dạy thêm và học thêm, mà nên tạo điều kiện cho học sinh được học tập một cách tốt nhất. Nếu học thêm mà phụ huynh tự nguyện thì cũng là bình thường.

“Việc nào cũng có 2 mặt tốt, xấu. Nếu dạy thêm và học thêm bị biến tướng, gây mất uy tín cho ngành, cho trường, cho giáo viên thì hoàn toàn không nên chút nào”.

Việc yêu cầu giáo viên và học sinh đến các trung tâm, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm cho biết, đó cũng là một cách để thực hiện, tránh để giáo viên hay nhà trường trực tiếp đứng ra tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm cho rằng, vấn đề mấu chốt  ở đây là nếu phụ huynh cảm thấy nơi nào uy tín, học sinh theo học đạt được những kết quả như ý muốn thì họ sẽ làm, chính yếu nhất là nhu cầu. Nơi nào giáo viên dạy tốt, thì tất yếu nơi đó sẽ có học sinh theo học.

Cuối cùng, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm đánh giá rằng, chủ trương của thành phố đưa ra thì không sai, nhưng cần phải nhìn ở nhiều góc độ cụ thể, nhiều mặt khác nhau để tổ chức thực hiện được dư luận đồng thuận.

Phương Linh