Chiều tối ngày 13/6, Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) có văn bản gửi nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chất vấn về việc bổ nhiệm nhân sự tại Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trong văn bản, VAFI đề nghị ông Vũ Huy Hoàng nên có khuyên con trai là Vũ Quang Hải rời khỏi vị trí lãnh đạo tại Tổng công ty này.
Văn bản của Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) gửi nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. |
Văn bản của VAFI cho biết: Đầu năm 2015, ông Vũ Quang Hải (khi đó mới 28 tuổi) được Lãnh đạo Bộ Công Thương quyết định điều động về Sabeco ở vị thế Hàm Phó Vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó Tổng giám đốc Sabeco, tiến tới có thể bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Sabeco.
Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải được Bộ Công Thương cho rằng "nhằm tăng cường nhân sự trẻ, có năng lực và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp làm tiền đề cho việc trẻ hóa nguồn cán bộ lãnh đạo Sabeco”.
Ngay sau quyết định bổ nhiệm này, theo VAFI, cán bộ nhân viên Sabeco, cổ đông và giới đầu tư cho rằng với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương, Sabeco sẽ nhanh chóng cải thiện quản trị doanh nghiệp, nhanh chóng niêm yết để làm gia tăng lợi nhiuận và giá trị tài sản cho nhà nước và cho cổ đông.
Tuy nhiên trên thực tế không phải như vậy. VAFI cho biết, vào năm 2011 khi mới 25 tuổi, ông Vũ Quang Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 51% vốn điều lệ.
Khi đó, việc bổ nhiệm này đã khiến dư luận thắc mắc bởi ông Hải còn quá trẻ, không có kinh nghiệm trong ngành tài chính lại được giao một trọng trách lớn như vậy.
Ông Vũ Quang Hải và quyết định điều động về làm thành viên HĐQT đại diện cho cổ phần nhà nước tại Sabeco. |
“Việc bổ nhiệm này hoàn toàn trái với các quy định hiện hành của nhà nước, hoàn toàn phi lý nếu xét về công tác quản trị doanh nghiệp và sẽ đe dọa đến rủi ro về đồng vốn cổ phần của nhà nước và mọi cổ đông”, văn bản của VAFI nêu.
Ngay sau đó VAFI dẫn chứng, PVFI dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Quang Hải liên tục bị thua lỗ. Cụ thể, năm 2011 lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng. Qua 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau hai năm làm lãnh đạo khiến PVFI thua lỗ nặng nề, ông Vũ Quang Hải lại được điều động về Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) với chức danh Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu.
Theo VAFI, thời điểm này, PVFI đã gần như tê liệt hoạt động, dù là công ty đại chúng nhưng mọi thông tin về PVFI đều bị bưng bít hoàn toàn.
Và sau chỉ khoảng 1 năm về Cục Xúc tiến Thương mại, ông Hải lại được Bộ Công Thương giới thiệu về Sabeco với vai trò đại diện phần vốn nhà nước với vị trí Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco.
VAFI nêu vấn đề: “Ông Vũ Quang Hải mới chỉ làm công chức được một năm và để PVFI lỗ hai năm liên tiếp (theo quy định sẽ bị cắt chức) nhưng lại được đề bạt và thăng chức vượt cấp như vậy có lợi cho nhà nước hay không?”.
Từ hàng loạt dẫn chứng trên, VAFI đặt câu hỏi cho nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: “Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai? Có đúng quy định của nhà nước hay không? Ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông là người lao động trong ngành dầu khí?”.
Qua đó, VAFI đề xuất ông Vũ Quang Hải và những người ra quyết định bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cổ đông PVFI, trong đó ông Vũ Quang Hải chịu trách nhiệm bồi thường chính.
“Cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải lên chức danh Phó Vụ trưởng? Cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc một tập đoàn Kinh tế lớn như Sabeco (một tập đoàn kinh tế của nhà nước với vốn chủ sở hữu trên 12.000 tỷ đồng, gấp 40 lần PVFI?)”, VAFI tiếp tục chất vấn.
VAFI đề nghị cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “hãy nhanh chóng hành động. Hãy khuyên bảo con mình tự nguyện thôi vai trò là đại diện cổ phần nhà nước tại Sabeco”. |
Cũng liên quan đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp do ngành Công Thương quản lý, VAFI cũng cho là có vấn đề khi Tổng công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Sabeco đã cổ phần hóa gần 8 năm nhưng vẫn không được chuyển giao về SCIC dù SCIC đã nhiều lần đề xuất.
“Nếu như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chuyển giao Sabeco về cho SCIC theo đúng quy định thì sẽ không có chuyện bổ nhiệm con ruột và thư ký riêng vào các vị trí quyền lực nhất tại Sabeco?”, VAFI đặt câu hỏi.
VAFI cũng đặt câu hỏi về vai trò là người được giao quản lý các đơn vị như Habeco, Sabeco của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trong việc ký quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải về làm lãnh đạo Sabeco.
Cuối cùng, VAFI đề nghị cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “hãy nhanh chóng hành động. Hãy khuyên bảo con mình tự nguyện thôi vai trò là đại diện cổ phần nhà nước tại Sabeco”.