Giấy khen bát nháo, lỗi do người thực hiện chứ không tại Thông tư 30

15/06/2016 07:31
Tùng Sơn
(GDVN) - Giấy khen “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt” đã mang lại niềm vui cho học sinh, phụ huynh hay thực tế đã đưa đến sự nháo nhác, ngẩn ngơ cho xã hội.

LTS: Giấy khen “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt” của một trường Tiểu học nằm ngay tại Thủ đô Hà nội làm dư luận xôn xao suốt tuần qua. 

Ngay sau đó, giấy khen này đã bị thu hồi. Chuyện sai thì sửa là đương nhiên. Nhưng điều đáng nói ở đây là người phát ngôn của trường học đó lại cho rằng trường làm đúng tinh thần Thông tư 30. 

Một số báo đặt tít “Giấy khen lạ dù đúng tinh thần Thông tư 30 vẫn bị thu hồi”.  

Thậm chí, chương trình thời sự buổi 19 giờ trên Đài truyền hình Việt Nam VTV1 tối 7/6 (BTV: Thuý Hằng, Vân Anh) cũng khẳng định giấy khen từng mặt đúng tinh thần Thông tư 30. 

Là một giáo viên Tiểu học đã xem rất kỹ và đang thực hiện theo tinh thần Thông tư 30, thầy giáo Tùng Sơn (Hải Dương) khẳng định: “Giấy khen “Đạt danh hiệu học sinh từng mặt” của trường Tiểu học T.P (Hà Nội) là sai. Sai cả về tinh thần lẫn câu chữ”. 

Dù không có ý lật lại vấn đề nhạy cảm của trường Tiểu học T.P (Hà Nội) nhưng hôm nay thầy Tùng Sơn muốn xã hội có cái nhìn xác đáng hơn về những sai phạm để ngành giáo dục cùng rút kinh nghiệm. 

Để rộng đường dư luận, tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của thầy. 

Thứ nhất,Khen từng mặt” là cách khen thưởng cũ theo Thông tư 32/2009: 

Trước khi Thông tư 30 là Thông tư 32/2009. Theo khoản 2, điều 13, Thông tư 32 quy định: 

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Giỏi … Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiên tiến … Khen thưởng thành tích từng môn học, từng mặt cho các học sinh chưa đạt các danh hiệu …”. 

Giấy khen bát nháo, lỗi do người thực hiện chứ không tại Thông tư 30 ảnh 1
Giấy khen bát nháo, lỗi do người thực hiện chứ không do Thông tư 30

Như vậy, theo Thông tư 32 trước đây, giấy khen học sinh Tiểu học cơ bản có hai loại: Khen về danh hiệu (Đạt danh hiệu Học sinh Giỏi) và khen từng mặt (Học Giỏi môn Tiếng Việt; Có tiến bộ vượt bậc về môn Toán;…). 

Vậy nên ghi giấy khen dùng cụm từ “khen từng mặt” là theo quan niệm cũ và sai so với Thông tư 30.

Thứ hai, Thông tư 30 không khen thưởng theo danh hiệu

Điểm khác nhau cơ bản của cách khen thưởng mới (Thông tư 30/2014) so với cách khen thưởng cũ (Thông tư 32/2009) là không dùng “danh hiệu”. 

Hay nói cách khác, một trong những khác biệt cơ bản của Thông tư 30 so với Thông tư 32 là không công nhận danh hiệu học sinh, theo đúng tinh thần không so sánh học sinh này với học sinh khác. 

Mà khen thưởng theo Thông tư 30 cần cụ thể để có tính chất khích lệ học sinh. 

Giấy khen bát nháo, lỗi do người thực hiện chứ không tại Thông tư 30 ảnh 2
Chữ xấu, cô vẫn viết giấy khen

Sau khi ban hành Thông tư 30, để gỡ khó cho các trường học, ngày 6/01/2015 Bộ GD&ĐT đã ra công văn số 39 để hướng dẫn đánh giá và khen thưởng học sinh. 

Công văn số 39 ngày 6/1/2015 quy định: 

Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá... 

Ví dụ: 

Khen thưởng về các môn học: Hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Khoa học và môn Âm nhạc; Có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Tiếng Việt; Có sáng tạo, say mê học tập môn Mỹ thuật;…; 

Khen thưởng về năng lực, phẩm chất: Có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; Có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường; Có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản; Luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập; …


Như vậy, công văn số 39 này hướng dẫn cụ thể cách viết từng loại giấy khen. Và không hề có khen theo “Danh hiệu”.

Thứ ba, “Khen từng mặt” là sai về chữ nghĩa

Nói đến danh hiệu là nói đến cái được công nhận khi đạt được thành tích hay kết quả trọn vẹn. Học sinh mới có kết quả tốt về một mặt hay kể cả về một vài mặt thì chưa thể “đạt danh hiệu”.

Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2010 (Hoàng Phê chủ biên) viết: “Danh hiệu: Tên gọi nêu lên phẩm chất tốt đẹp, cao quý dành riêng cho cá nhân hay tập thể có thành tích xuất sắc”.

Vậy thì một em học sinh hoàn thành tốt một môn học hay có một mặt tốt nào đó thì sao đã tạo nên một danh hiệu để khen thưởng. 

Thứ tư, viết giấy khen chung chung như vậy là đi ngược với mục đích của Thông tư 30 và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT: 

Mục 3 Công văn số 39/BGDĐT-GDTH “V/v tổng hợp đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo TT 30/2014/TT-BGDĐT” (ngày  06 tháng 01 năm 2015) ghi rõ:

“... Khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích khả năng của mỗi học sinh, giúp động viên các em phấn đấu vươn lên, mang lại niềm vui và hứng thú học tập, rèn luyện cho các em.”

Vậy thì giấy khen viết “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt” đã mang lại niềm vui cho học sinh, phụ huynh hay thực tế đã đưa đến sự nháo nhác, ngẩn ngơ cho xã hội.

Mổ xẻ giấy “Khen từng mặt” của một trường Tiểu học ở Hà Nội để chúng ta thấy cái sai chung của nhiều trường khi thực hiện Thông tư 30.
 
Bởi không riêng gì trường Tiểu học T.P sai mà còn rất nhiều những giấy khen vô trách nhiệm như: Tích cực tham gia từ thiện, Có tinh thần tương thân tương ái, Tham gia tốt các hoạt động phong trào

Tôi khẳng định, giấy khen bát nháo trong hai năm qua là do người thực hiện chứ không phải do Thông tư 30. 

Tùng Sơn