Muốn xóa dạy thêm, trước tiên hãy quan tâm đến đồng lương của giáo viên

17/06/2016 06:10
Phương Linh
(GDVN) - Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 Đặng Đức Hoàng, muốn xóa nạn dạy thêm và học thêm, trước tiên hãy quan tâm đến đời sống, đồng lương của giáo viên

Xung quanh những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng về việc thành phố dứt khoát phải xóa được nạn dạy thêm và học thêm , Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 – ông Đặng Đức Hoàng đã chia sẻ những quan điểm của mình về vấn đề này.

Xóa dạy thêm và học thêm: Chủ trương nhân văn 

Theo ông Hoàng cho biết, chủ trương và chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng là đúng, rất nhân văn, nhằm giữ cho hình ảnh của người thầy trong lòng phụ huynh, học sinh thật thân thương, gần gũi, nhất là gần đây có quá nhiều hình ảnh tiêu cực liên quan đến việc này.

Với vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục của quận 11, ông Đặng Đức Hoàng cho rằng, việc cấm dạy thêm và học thêm ở nhà trường sẽ không tạo cho học sinh nhiều áp lực  trong học tập, giáo viên cũng không phải mệt mỏi vì tham gia giảng dạy quá nhiều.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này, theo ông Đặng Đức Hoàng, trước tiên là phải quan tâm đến đời sống và đồng lương của giáo viên.

“Dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng có một điều phải nói thật lòng, hiện giáo viên không thể đủ sống, nếu không tham gia dạy thêm, nhất là mức sống ở các thành phố lớn vẫn còn rất cao.

Do đó, muốn xóa dạy thêm học thêm, cần làm sao cho giáo viên sống được bằng chính đồng lương của mình” – ông Đặng Đức Hoàng chia sẻ.

Trưởng phòng Giáo dục quận 11 Đặng Đức Hoàng trong một lần trao học bổng cho học sinh (ảnh minh họa: Thanh Niên)
Trưởng phòng Giáo dục quận 11 Đặng Đức Hoàng trong một lần trao học bổng cho học sinh (ảnh minh họa: Thanh Niên)

Ngoài ra, các cấp lãnh đạo cũng cần giảm bớt những khối lượng chưa cần thiết cung cấp cho học sinh trong sách giáo khoa, cải thiện các chính sách về mặt thi cử cho học sinh, phải làm sao cho học sinh luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu nhất khi đi học, thì các em sẽ không phải tìm đến các lớp học thêm. 

Muốn xóa dạy thêm, trước tiên hãy quan tâm đến đồng lương của giáo viên ảnh 2

Áp dụng những cách này, không cần cấm thì dạy thêm cũng hết đất sống

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 ông Đặng Đức Hoàng cũng nhấn mạnh rằng, mô hình trường học 2 buổi ở một số trường, cũng là một trong số các cách để chống lại nạn dạy thêm học thêm, do các em học cả 2 buổi ở trường rồi, làm gì còn thời gian nào mà đi học thêm nữa.

Không kiểm soát được dạy thêm và học thêm

Là người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo của một quận có số lượng công nhân đông nhất TP.Hồ Chí Minh, ông N.V.T. đã nhấn mạnh với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, không thể kiểm soát được chặt chẽ nạn dạy thêm và học thêm như bối cảnh hiện nay.

Lý do mà ông T. đưa ra là: Cấm dạy ở trường thì còn kiểm soát được, chứ nếu giáo viên đưa học sinh về nhà thì khó mà kiểm tra được.

“Chẳng lẽ đích thân Trưởng phòng Giáo dục, Hiệu trưởng hay là Cảnh sát khu vực đi kiểm tra coi giáo viên có dạy thêm ở nhà không? Muốn khám nhà thì lại phải xin lệnh khám xét, lại còn bị vướng và ràng buộc bởi rất nhiều luật, qui định khác” – ông T. giải thích tiếp.

Với một đặc thù là một địa bàn có rất đông công nhân, nếu cấm dạy thêm và học thêm thì công nhân sẽ rất khó khăn trong việc đưa đón con.

Công nhân đa số là phài đều làm tăng ca, mà con cái họ ra về buổi chiều, không cho dạy thêm – học thêm thì ai sẽ đưa đón các cháu, nếu không phải là giáo viên?

Ngoài ra, nếu đúng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng là yêu cầu đến học tại các Trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, thì ai sẽ đưa học sinh đi, khi mà phụ huynh là công nhân thì đang phải đi làm.

Đối với giải pháp kiểm soát nạn dạy thêm học thêm bằng cách ra đề thi chung cả trường, ông T. đánh giá đây cũng là một cách hay. Tuy nhiên, ông T. cũng đánh giá, giải pháp này chỉ khả thi khi thực hiện một cách công tâm, công bằng nhất.

Tức là trong hoàn cảnh ấy, tổ trưởng bộ môn và ngay cả lãnh đạo nhà trường phải có chuyên môn cao, nắm bắt được hết chương trình, khối lượng kiến thức của các môn, thì mới có thể ra đề kiểm tra được.

Phương Linh