Thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng Ban Dân nguyện yêu cầu làm rõ vấn đề đang rất thời sự là sử dụng xe công có đúng luật không?
Ông Hiền nói: “Tiêu chuẩn của nhà nước thế nào, quy định sử dụng xe ra sao? Bất cập hiện nay là tiêu chuẩn, định mức thì rõ nhưng thực hiện thì chưa chắc con người sử dụng đã đúng.
Có những cán bộ được tiêu chuẩn đi xe công nhưng không đi, vậy là họ đang thực hiện tiết kiệm cho nhân dân, cho nhà nước. Nhưng cũng có những cán bộ không đủ tiêu chuẩn thì lại đi xe công, thậm chí đi xe đẹp hơn cả cấp trên.
Cần phải có tuyên truyền để công khai tất cả những quy định sử dụng xe công để người dân giám sát, đồng thời cán bộ của từng cơ quan, tổ chức giám sát việc sử dụng xe công tại nơi mình công tác có đúng không?".
Bên cạnh đó, ông Hiền cho rằng kỷ luật trong vấn đề chi ngân sách thường xuyên không nghiêm. Qua báo cáo cho thấy, kiểm tra ở 50 tỉnh, thành phố thì có đến 40 tỉnh, thành phố vượt chi thường xuyên. Có 6 tỉnh thành phố vượt chi rất cao từ 38% đến 76%.
Ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội. ảnh: trung tâm thông tin quốc hội. |
Đánh giá về thực trạng lãng phí năm vừa qua, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu ra 8 vấn đề còn tồn tại:
Thứ nhất, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách nhà nước. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước lớn (67,7%).
Thứ hai, lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục
Việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án vượt quá khả năng cân đối vốn hoặc chưa thực sự cần thiết và cấp bách.
Bố trí vốn dàn trải, manh mún, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí thời gian, vốn đầu tư; nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để.
Chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư vẫn còn bất cập, một số dự án đầu tư, nhất là dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
Qua dư luận và ý kiến của cử tri, vẫn còn có một số dự án sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước lãng phí, hiệu quả kém như:
"Ông Trịnh Xuân Thanh nên từ chức, rút khỏi danh sách Đại biểu Quốc hội" |
Đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, chi phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, an toàn lao động trong thi công không được nhà thầu bảo đảm dẫn đến nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản trong thời gian qua;
Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp;
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng...
Thứ ba, quản lý, sử dụng sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có chuyển biến, song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu.
Ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Báo cáo về tiết kiệm chống lãng phí phải chỉ rõ sai phạm ở từng địa chỉ. Nếu chỉ nói một số nơi, một số địa phương... đọc rồi nó trôi đi”. Đồng thời ông Lưu cũng yêu cầu cần phải làm rõ vấn đề lãng phí trong chủ trương thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đưa ra điều kiện tiêu chí nguyên tắc xác định giá trị doanh nghiệp, chẳng hạn, đất thế nào, nhà thế nào, thương hiệu thế nào... cơ chế đấu giá thế nào? Đối với các dự án BOT, ông Lưu cho hay, dư luận quan tâm tới các dự án BOT lãng phí là khi xác định định mức kinh tế kỹ thuật chưa chặt chẽ, dẫn tới nâng khống chỉ tiêu định mức. |
Quá trình tái cơ cấu, tiến độ thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra.
Việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng, người đại diện theo pháp luật ở một số nơi còn buông lỏng đã dẫn đến việc vi phạm các quy định của nhà nước, gây thất thoát tiền và tài sản nhà nước.
Thứ tư, tình trạng quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, gây lãng phí tài nguyên
Tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong xã hội, làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Trong thời gian qua, vụ cá chết hàng loạt tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã làm dấy lên dư luận về công tác quản lý chất thải của các cơ quan chức năng đối với các khu công nghiệp tại Việt Nam…
Thứ năm, công tác quản lý đất đai còn những yếu kém, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất còn lớn gây lãng phí
Tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn diễn ra phức tạp còn diễn ra phổ biến ở một số địa phương.
Việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường còn chậm, nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả.
Thứ sáu, việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực giáo dục, y tế còn gây lãng phí.
Việc thành lập mới và phân ngành quá nhiều ở một số trường dẫn đến chất lượng đào tạo của nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề còn thấp.
Chưa giải quyết được căn bản tình trạng dạy thêm, học thêm; hoạt động liên kết đào tạo, nhất là với đối tác nước ngoài còn nhiều vi phạm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực.
Việc đào tạo tràn lan, quá nhiều tiến sĩ, thạc sĩ ở một số cơ sở đào tạo, cơ cấu đào tạo bất hợp lý chậm được khắc phục. Việc sử dụng lao động không đúng chuyên môn đào tạo còn khá phổ biến, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn xảy ra.
Tình trạng quá tải bệnh viện chậm được khắc phục; y đức vẫn là vấn đề được xã hội quan tâm; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, yếu kém đang trở thành vấn đề bức xúc trong nhân dân.
Thứ bảy, còn biểu hiện lãng phí trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, ý thức tiết kiệm chưa thực sự được nâng cao
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại một số địa phương còn có một số mặt yếu kém nhất định, vẫn để xảy ra biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi, vi phạm quy chế tổ chức và làm giảm giá trị của lễ hội nói riêng và giảm mỹ quan về Việt Nam nói chung trước bạn bè thế giới.
Thứ tám, công tác cải cách hành chính chưa thực sự đi vào chiều sâu, việc thực thi công vụ có nơi còn chưa nghiêm.
Công tác cải cách thủ tục hành chính ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển.
Tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ vẫn còn khá phổ biến; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả; nhiều thủ tục hành chính phiền hà chưa được loại bỏ, gây bức xúc trong nhân dân.
Việc thực thi công vụ của một số bộ phận cán bộ lao động, viên chức hành chính còn chưa nghiêm, có biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền...