Cẩn thận khi dạy viết chữ cho trẻ mẫu giáo

18/06/2016 06:57
Khánh Văn
(GDVN) - Để dạy trẻ ngồi đúng tư thế và cách cầm bút viết thì giáo viên mầm non, mẫu giáo và các bậc phụ huynh cần chú ý tạo cho các cháu những thói quen ban đầu.

LTS: Vài năm trở lại đây đặc biệt ở các thành phố lớn “trào lưu” cho con “đọc thông, viết thạo” khá nở rộ. Trong suy nghĩ của phụ huynh, việc cho con biết trước sẽ là lợi thế khi con vào lớp 1.

Mặc dù, Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT địa phương luôn cảnh báo không nên cho trẻ học trước chương trình bởi ở độ tuổi này nếu gây “quá tải” sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
 
Trong bài viết này, thầy giáo Khánh Văn sẽ chỉ ra hệ lụy đó. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của thầy. 


Những năm gần đây, khi mà điều kiện kinh tế dần được nâng cao, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên nhiều gia đình đầu tư cho con cái học rất nhiều. 

Đặc biệt, khi mà các cháu chuẩn bị bước vào lớp 1 thì tâm lí các bậc làm cha, làm mẹ thường muốn cho con học trước để con mình không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1. 

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không biết rằng, nếu việc học trước kiến thức nhưng không nắm kỹ các kỹ năng, phương pháp thì sẽ dẫn đến những hệ lụy không tốt về sau với con mình. 

Cẩn thận khi dạy viết chữ cho trẻ mẫu giáo (Ảnh: thanhnien.vn)
Cẩn thận khi dạy viết chữ cho trẻ mẫu giáo (Ảnh: thanhnien.vn)

Hiện nay, ngoài hệ thống trường mầm non, mẫu giáo công lập thì hệ thống các trường tư thục, dân lập cũng được cấp giấy phép hoạt động rất nhiều đặc biệt là trên địa bàn các thành phố lớn. 

Đây là một tín hiệu vui vì có thể đáp ứng được sự quá tải đối với hệ thống trường công lập, đồng thời giải quyết các trường hợp không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. 

Để cho nội dung đào tạo tương ứng và giống nhau với các trường công lập thì các trường tư thục cũng tổ chức cho các cháu tô, viết chữ.

Song, tiếc thay một bộ phận giáo viên các trường tư đang làm hỏng các kĩ năng cơ bản ban đầu của các cháu về tư thế ngồi viết, cách cầm bút đúng quy cách mà hệ lụy sau này rất khó khắc phục khi đã tạo thành thói quen.

Cẩn thận khi dạy viết chữ cho trẻ mẫu giáo ảnh 2

Năm học 2016-2017 tựu trường muộn nhất là ngày 25/8

(GDVN) - Theo Bộ GD&ĐT quy định học sinh tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8/2016, muộn nhất vào ngày 25/8/2016.

Cách đây vài năm, khi con trai tôi được hơn 4 tuổi, lúc ấy vợ chồng chúng tôi chưa dạy cháu viết, hay tô chữ mà chỉ dạy cháu đếm số và làm quen với các hình ảnh minh họa có chữ cái để cháu tập làm quen với mặt chữ. 

Nhưng, sau một lần đi đón con, cô giáo có nhắc đóng tiền để mua vở tập tô cho các cháu nên vợ chồng tôi cũng “miễn cưỡng” đóng tiền bởi nếu không thì sợ con không được hòa đồng với các bạn. 

Mấy ngày sau, thấy cháu đi học cứ đòi mẹ mua vở tập tô để cho cháu tập tô. Chiều ý con, vợ tôi mua cho cháu quyển tập để cháu tô ở nhà. 

Điều làm cả hai vợ chồng tôi vô cùng thất vọng là cháu đã cầm bút sai hết quy cách, ngồi không đúng tư thế. Hỏi cháu: “Cô có dạy con cách cầm bút và cách ngồi không?

Thì cháu trả lời, cô phát cho mỗi bạn một quyển rồi các bạn tự ngồi tô chứ không dạy cách ngồi và cách cầm bút.

Từ chuyện của con trai mình mà tôi nghĩ đến những học trò phổ thông mà hàng ngày chúng tôi đang trực tiếp giảng dạy. 

Mỗi khi các em ngồi viết bài mà thấy tội nghiệp vô cùng. Em thì cúi sát cuốn vở, em thì nghiêng người để viết, em thì cầm bút thẳng đứng, em thì cầm bút bằng 4- 5 ngón tay, chữ thì xấu vô cùng.

Cẩn thận khi dạy viết chữ cho trẻ mẫu giáo ảnh 3

Bắt học sinh soạn bài trước, có nên không?

(GDVN) - Tôi nhận thấy hoạt động yêu cầu học sinh soạn bài trước là cần thiết nên tiếp tục duy trì nhưng cũng cần linh hoạt, mềm dẻo, tạo hứng thú cho học sinh.

 
Phải chăng đây là hệ lụy từ những ngày đầu các em cầm bút mà không được hướng dẫn cặn kẽ, chu đáo để bây giờ tạo thành một thói quen không dễ sửa chữa.

Từ lâu, Bộ GD&ĐT lên tiếng "cấm" cho học sinh học chữ sớm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dư luận.

Minh chứng, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) từng nói rằng:

Cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 giống như bắt chín ép, rất phản khoa học. Khi giáo viên dạy không chu đáo, trẻ có thể ngồi sai tư thế, viết sai, sau này sửa khó. 

Việc này cũng khiến trẻ dễ gặp phải những khuyết tật về cơ, hệ thần kinh. Khi vào lớp 1 trẻ sẽ không còn sự háo hức, chủ quan khi thấy kiến thức cũ và càng về sau càng đuối


Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều phụ huynh luôn muốn con mình phải bằng hoặc hơn bạn bè nên thúc ép con đi học trước từ rất sớm.

Đặc biệt, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì họ không chỉ cho con học trước mà còn thuê gia sư về nhà dạy kèm. 

Nhưng tiếc thay, không phải phụ huynh nào cũng tìm được gia sư biết đúng quy cách tập viết của các cháu bởi đa số gia sư là sinh viên nên không nắm được những quy cách cần thiết ban đầu. 

Hơn nữa, việc học chữ sớm đã khiến nhiều học sinh khi vào lớp 1 vì phải học lại kiến thức nên các em chủ quan, chán học. 

Cẩn thận khi dạy viết chữ cho trẻ mẫu giáo ảnh 4

Muốn đổi mới căn bản và toàn diện, phải chỉnh đốn giáo dục!

(GDVN) - Thăng tiến quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế rất cần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục một cách quyết liệt và vững chắc.

Để dạy các cháu ngồi đúng tư thế và cách cầm bút viết thì các giáo viên mầm non, mẫu giáo và các bậc phụ huynh cần chú ý tạo cho các cháu những thói quen ban đầu. Đó là: 

Đối với tư thế ngồi:

- Phải tạo cho các cháu ngồi viết đúng tư thế, thoải mái, không gò bó; -

- Khoảng cách từ mắt đến quyển tập từ 25-30 cm;

- Hai chân thoải mái không được chân co, chân duỗi;

- Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi;

- Tay trái xuôi theo chiều ngồi và giữ vở cho không bị lệch;

- Ánh sáng phải chiếu từ bên trái sang.

Đối với cách cầm viết:

- Tay phải cầm chắc bút bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa);

- Mép bàn tay là điểm tựa của cánh tay phải khi đặt bút xuống bàn viết. 

- Lúc viết, điều khiển cây bút bằng các cơ cổ tay và các ngón tay;

- Không để ngửa bàn tay quá, tạo nên trọng lượng tì xuống lưng của hai ngón tay út;

- Cầm bút xuôi theo chiều ngồi. 

- Góc độ bút đặt so với mặt giấy khoảng 45 độ, không cầm bút dựng đứng 90 độ;

- Đưa bút từ trái qua phải từ trên xuống dưới các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay, không ấn mạnh đầu bút vào mặt giấy.

Ở giai đoạn viết chì, cần chuẩn bị chu đáo cho đầu nét chì hơi nhọn đúng tầm vì nếu quá nhọn dẫn đến nét chữ quá mảnh, đôi khi còn chọc thủng giấy. Ngược lại, đầu nét chì quá lớn, nét chữ quá to, chữ viết ra rất xấu.

Tạo cho các cháu một thói quen, khoa học để sau này không để lại hệ quả xấu là điều cần thiết của các bậc phụ huynh ngay từ khi các cháu chập chững cầm viết. 

Khi các cháu còn quá non nớt, tay còn yếu thì chúng ta không nên quá nặng dạy con em mình tập viết sớm sớm, bắt các em phải "chín ép" và hậu quả sẽ khôn lường. 

Bởi những tháng đầu tiên của lớp 1, các cháu sẽ được dạy các kĩ năng cơ bản về việc cầm bút và tô những nét cơ bản. Lúc đó, chỉ cần phụ huynh kèm cặp con em mình thêm ở nhà thì chắc chắn sẽ tạo cho các em một tư thế ngồi đúng, nét chữ cứng cáp mà kĩ năng viết và cầm bút cũng đúng khoa học.

Khánh Văn