LTS: Mặc dù, chiếc cân công lý tự thân nó đã chính xác khi cân đong đo đếm các tình tiết phạm tội nhưng tương truyền thần công lý còn bịt mắt bằng dải băng đen để khi cầm chiếc cân phán xét sẽ được hoàn toàn vô tư.
Ấy thế mà hiện nay nhiều quan lớn lại tìm cách bịt mắt vị thần này để hướng mọi việc theo ý mình.
Hôm nay, trong bài viết này, Ths Trương Khắc Trà bày tỏ quan điểm của mình về vị thần công lý khi bị quan lớn bịt mắt thì hậu quả sẽ ra sao. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Trong thần thoại Hy Lạp thần công lý được biết đến với cái tên Lady Justice, tay trái cầm chiếc cân thể hiện cho sự công bằng tay còn lại cầm thanh gươm tượng trưng cho sức mạnh cưỡng chế và một dải băng đen bịt kín đôi mắt hàm ý cho sự vô tư không bị tác động bởi ngoại cảnh.
Người Hy Lạp xưa vô cùng thâm thúy khi “cơ cấu” thần công lý là một phụ nữ đồng trinh đứng trên cả loài người, ngụ ý sự mềm mại uyển chuyển, linh hoạt và khó bị xâm phạm.
Quan lớn và vị thần công lý bịt mắt (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Ở Việt Nam một đất nước luôn biểu dương và thượng tôn mọi giá trị phổ quát của dân chủ và luật giới nước ta cũng có câu nói hay “pháp bất vị thân”, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy không phải người dân mà là chính giới “cầm cân nảy mực” đang “bịt mắt” trước vị thần công lý.
Những ầm ĩ từ vụ quán cà phê Xin chào và cái lều vịt cũng đã ngã ngũ sau thời gian dài tranh đấu giữa pháp quyền và độc quyền, những gì chốt lại là lời trần tình làm “thổn thức” nhiều người của vị Đại tá Nguyễn Văn Qúy “thừa nhận sai sót trong nhận thức pháp luật”.
Có tin được không khi một Đại tá công an - cấp bậc cao nhất trong hàm sỹ quan lại không nhận thức đúng pháp luật?
Nước mắt của Tổng Bí thư và sự tha hóa của cán bộ(GDVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thay mặt Bộ Chính trị nhận khuyết điểm trước dân, trước Đảng, bởi vẫn còn đó nạn tham nhũng và những kẻ cơ hội. |
Và dư luận có lý do để nghĩ về một kịch bản B nếu như báo chí không phát hiện và phanh phui sự việc thì chủ quán cà phê Xin Chào và cái lều vịt giờ này chắc lên bờ xuống ruộng.
Những ngày đầu tháng sáu này dư luận lại xôn xao về chiếc Lexus trị giá hơn 5 tỷ đồng phục vụ cho ông quan to tỉnh Hậu Giang và cái quy trình “công hóa” xe tư nhân nhập nhằng đến nổi…nằm ngoài quy định của luật pháp.
Đây là những hành vi phạm pháp luật mà chỉ có người có quyền lực và chức vụ mới có thể làm, ngang nhiên bẻ cong chỉ đạo của Chính phủ về định mức xe công được quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015, tức là mới tròn một năm Quyết định được ký chưa ráo mực.
Người ta còn tá hỏa vì biết ông Trịnh Xuân Thanh vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, người dân có thể bầu nhầm nhưng không thể không đặt câu hỏi cho công tác hiệp thương chọn lựa của cơ quan Mặt trận khi đối chiếu với những tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân thì ông Thanh khó lòng đáp ứng.
Có thể ông Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang làm “cay mắt” dư luận vì chiếc siêu xe gắn biển xanh nhưng sau sự cố này những người có trách nhiệm mới phát hiện ra hàng loạt các sai phạm âm thầm về xe công tại nhiều tỉnh thành khác, người ta sẵn sàng đứng trên luật pháp để chi tiêu vô tội vạ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân.
Móng tay quyền lực to hay bé?(GDVN) - Biến Nhà nước thành công cụ trấn áp là hành động chống lại Nhà nước chứ không phải bảo vệ Nhà nước, hành động đó cần bị nghiêm trị. |
Đơn cử ở một tỉnh nghèo như Sóc Trăng qua rà soát thực tế, số xe ô tô công phục vụ công tác chung của tỉnh này lên tới 194 xe, thừa 29 xe so với tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước.
Nguyên nhân dư thừa được chỉ ra là do nhiều đơn vị ở tỉnh Sóc Trăng theo định mức chỉ được trang bị tối đa 1 xe/1 đơn vị nhưng thực tế lại được UBND tỉnh Sóc Trăng ra định mức gấp đôi 2 xe/đơn vị.
Trong số 13.000 tỷ đồng dùng để “nuôi sống” 40.000 xe công hàng năm chắc chắn có không ít tỷ đồng bị đội lên do nhiều địa phương phớt lờ quy định để sắm và cấp xe ào ạt.
Làm quan, đáng ra phải là người gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước chứ không phải vì lợi ích cá nhân, lợi dụng chức vụ quyền hạn để giẫm đạp lên công lý, Đảng cử, dân bầu, giao quyền lực và trọng trách để cầm cân nảy mực chứ không phải để “cân gian” và vẽ vời trên trời dưới đất.
Sự “vẽ vời” và “cân gian” ấy đã lan sang lĩnh vực tổ chức cán bộ khi mà mấy hôm nay báo chí phanh phui vụ bổ nhiệm “ông trẻ” (vốn là con trai ruột vị cựu Bộ trưởng) làm lãnh đạo Sabeco, chưa nói chuyện làm ăn, lương bổng, lỗ lãi ra làm sao nhưng nếu chiểu theo Luật doanh nghiệp thì đã vi phạm trắng trợn.
Điều 65 Luật Doanh nghiệp ghi: “…Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó…”
Xét cụ thể trường hợp tại Sabeco, chuyên gia kinh Lê Đăng Doanh cho biết, hiện công ty này thuộc Bộ Công Thương mà ông Vũ Quang Hải khi được điều động về Sabeco thì ông Vũ Huy Hoàng lại đang là Bộ trưởng Bộ Công Thương là hoàn toàn sai với quy định của Luật doanh nghiệp.
Một đất nước pháp quyền nhất quyết phải là đất nước nghiêm minh về luật pháp, hơn ai hết bậc quan phụ mẫu, cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong gương mẫu, không có lý do gì để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật của những con người được nhận xét đánh giá là đủ năng lực, trình độ để ngồi vào vị trí lãnh đạo đất nước.
Vị thần công lý vốn bịt mắt là để tránh những cám dỗ của tiền tài vật chất, cách ly với tham, sân, si nhưng xin các vị quan lớn đừng bịt mắt trước công lý.