Thời báo Hoàn Cầu: Thái giám có đại diện cho Trung Quốc?

17/06/2016 16:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Một số người nâng quan điểm cuộc đón tiếp này thành "quốc nhục": Ai đời lấy thái giám đại diện cho Trung Quốc, Angela Merkel lại trở thành đại diện...

Mục Bình luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 16/6 đăng bài bình luận của Đan Nhân Bình, một cây bút bình luận thường xuyên của tờ báo này với tiêu đề gây chú ý: "Đan Nhân Bình: Thái giám có đại diện cho Trung Quốc? Angela Merkel có đại diện cho Liên quân 8 nước?"

Nội dung bài báo bàn về những tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc xung quanh chuyến thăm và hoạt động đón tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Cố Cung Thẩm Dương hôm 14/6 vừa qua.

Một màn nghênh đón quốc khách của triều đình phong kiến Trung Quốc thời Mãn Thanh được tái hiện tại Cố Cung Thẩm Dương để đón tiếp bà Merkel và phái đoàn cấp cao chính phủ Đức đã gây nên tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Thái giám, hình có tính chất minh họa. Ảnh: Sina.
Thái giám, hình có tính chất minh họa. Ảnh: Sina.

Số là trong cả dàn diễn viên sắm vai các nhân vật trong triều đình Mãn Thanh từ vua, hoàng hậu, văn võ bá quan, hoàng tử, cách cách mũ áo cân đai chỉnh tề tiếp bà Thủ tướng, thì nhân vật mời bà Merkel vào Cố Cung lại là một thái giám.

Trong khi có những người Trung Quốc khác lại cho rằng, bà Thủ tướng Đức là đại diện của Liên quân 8 nước từng tiến vào Đại Thanh trấn áp phong trào Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900.

Dưới sức tấn công của Liên quân 8 nước, quân đội nhà Thanh thua, triều đình phải chạy về Tây An, Thiểm Tây và sau đó phải ký Điều ước Tân Hợi, bồi thường chiến phí khổng lồ cho liên quân 8 nước.

Liên quân này có Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Italy, Áo và Nhật Bản. Trong khi Cố Cung Thẩm Dương lại là cung điện của nhà Mãn Thanh, nghi lễ đón tiếp của nhà Mãn Thanh, quốc khách lại đến từ nước Đức là một trong 8 nước liên quân năm xưa.

Chính điều này gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc, thậm chí một số người nâng quan điểm cuộc đón tiếp này thành "quốc nhục": Ai đời lấy thái giám đại diện cho Trung Quốc, Angela Merkel lại trở thành đại diện của "bát quốc liên quân"!

Tác giả Đan Nhân Bình bình luận về câu chuyện tranh cãi trên mạng xã hội với 4 nội dung chính. Một là chín người mười ý là điều bình thường, đặc biệt là một số người hay liên tưởng.

Do đó cơ quan chức năng khi tổ chức sự kiện cũng cần tính toán chặt chẽ tránh những vấn đề gây tranh cãi, nhưng chu toàn đến đâu thì cũng có thể mắc lỗi, và kêu gọi xã hội bao dung hơn.

Hai là việc chính quyền Thẩm Dương và ban quản lý di tích Cố Cung tổ chức đón tiếp Thủ tướng Đức bằng màn biểu diễn thiết triều của nhà Mãn Thanh chẳng qua chỉ muốn thể hiện sự nhiệt tình, hiếu khách với bà Angela Merkel chứ không có ý gì khác.

Còn việc để thái giám ra mời bà Thủ tướng vào Cố Cung cũng là chuyện thường, mọi tranh cãi và liên tưởng đều do người Trung Quốc tự nghĩ ra chứ phía Đức không có phàn nàn gì.

Thủ tướng Đức được "hoàng đế giả, hoàng hậu giả" đón tiếp tại Cố Cung Thẩm Dương, ảnh: bowenpress.com.
Thủ tướng Đức được "hoàng đế giả, hoàng hậu giả" đón tiếp tại Cố Cung Thẩm Dương, ảnh: bowenpress.com.

Cố Cung này có từ thời đầu nhà Mãn Thanh, khi đó đại diện nước ngoài đến còn phải quỳ trước hoàng đế nhà Thanh, lúc đó chưa có Liên quân 8 nước, và người Trung Quốc cũng chưa biết Đức là nước nào, ông Bình vỗ về dư luận với đầy ẩn ý.

Ba là tình cảm cá nhân cần được tôn trọng, nhưng Trung Quốc chủ trương xã hội hiện đại cần phải thoát khỏi "rào cản tâm lý do lịch sử để lại", để mở rộng tâm thế giao lưu và hội nhập với thế giới rộng lớn. Chỉ khi nào ai đó chủ động "khiêu khích các vấn đề lịch sử" thì  Trung Quốc sẽ đáp trả trực diện.

Bốn là, mọi người có quyền tranh cãi, dù việc Cố Cung đón tiếp Thủ tướng Đức chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng nên kiềm chế bản thân, không bên nào được độc quyền chân lý cho rằng chỉ có mình mới đúng.

Nên biết lắng nghe nhau, bà Angela Merkel về nước rồi mà vẫn ngồi tranh cãi việc đón tiếp bà ấy đúng hay sai, mà lại còn cãi nhau kịch liệt thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Đây là một câu chuyện xã hội Trung Quốc, thể hiện các góc nhìn khác nhau về một sự kiện bình thường được Thời báo Hoàn Cầu phản ánh và phân tích. Nhưng người viết chú ý đến nó bởi hiện tượng này chính là sản phẩm của một nền giáo dục, truyền thông và định hướng dư luận xã hội về lịch sử cũng như các quan hệ quốc tế của Trung Quốc mang đậm màu sắc lập trường, chính trị.

Theo cá nhân người viết, câu chuyện này cũng là một hệ quả trực tiếp của các bài viết tuyên truyền mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tư tưởng Đại Hán, bành trướng lãnh thổ thường thấy trên tờ báo này, khiến cho một bộ phận nhỏ người dân Trung Quốc chỉ được tiếp xúc với các thông tin sai lệch trở nên hung hăng, chiếu chiến và "độc quyền chân lý".

Đơn cử như việc truyền thông nhà nước Trung Quốc đang chống phá quyết liệt phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA bằng cách đánh tráo khái niệm và đánh lừa dư luận quốc tế lẫn trong nước. Không ít người dân Trung Quốc bị lừa gạt bởi những thông tin sai trái này và có thể dẫn đến những phản ứng bột phát.

Nhưng những thủ đoạn đổi trắng thay đen vì những động cơ không trong sáng như vậy bao giờ cũng là một con dao hai lưỡi, không cẩn thận chính người cầm dao sẽ bị đứt tay.

Do đó, trước khi đá quả bóng "nhận thức" về phía người dân, Trung Quốc cần xem lại chính cách tuyên truyền của mình về các vấn đề lịch sử hay quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với các nước láng giềng, cũng như vấn đề Biển Đông, tránh những hậu quả tai hại về mặt xã hội sau này.

Lắng nghe thế giới, lắng nghe các tiếng nói từ khu vực nhiều hơn để có sự điều chỉnh suy nghĩ, hành vi cho đúng đắn, đừng nói mãi một câu vô lý: Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác.

Hồng Thủy