LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia về Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và biên giới lãnh thổ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xung quanh phát biểu mới nhất của Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 20/6 về việc, ông và Campuchia sẽ không ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục, ngõ hầu cung cấp một góc nhìn, nhận định từ một chuyên gia pháp lý về biên giới lãnh thổ hàng đầu xoay quanh vấn đề dư luận đang quan tâm. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chuẩn bị ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS 1982 ở Biển Đông lại một lần nữa làm dậy sóng dư luận.
Không những ông Hun Sen không ủng hộ phán quyết của PCA mà còn tỏ ra rất bực bội khi dư luận cho rằng, Campuchia phải chịu trách nhiệm trong việc Hội nghị Đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc phải rút lại tuyên bố về Biển Đông hồi tuần trước.
Tuy nhiên với tư cách là một quốc gia liên quan trực tiếp, có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền 200 hải lý dọc bờ biển ven Biển Đông bị đường lưỡi bò Trung Quốc xâm hại và nhiều khả năng sẽ nằm trong đối tượng điều chỉnh của phán quyết PCA sắp ra, người viết thiết nghĩ chúng ta cần bình tĩnh mổ xẻ xem nguyên nhân nào dẫn đến những phản ứng dữ dội từ Thủ tướng Campuchia, tác động ảnh hưởng của việc này ra sao, chúng ta nên phản ứng thế nào?
Phản ứng dữ dội bất ngờ của ông Hun Sen
Đưa tin về phản ứng của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tẩy chay phán quyết của PCA, các hãng thông tấn trích dẫn những nội dung khác nhau và phản ánh không hết bối cảnh, suy nghĩ, lập trường của ông Hun Sen.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: Yahoo. |
Đơn cử như truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích dẫn mỗi câu có lợi nhất cho Bắc Kinh, tuy nhiên không thấy các hãng thông tấn quốc tế hay Campuchia trích dẫn câu này:
"Tôi xin tuyên bố rằng lập trường của Campuchia là sẽ không ra bất kỳ tuyên bố nào ủng hộ phán quyết của Hội đồng Trọng tài. Campuchia sẽ có tuyên bố của riêng mình", Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc dẫn lời ông Hun Sen nói.
AFP chỉ nói, Hun Sen sẽ tẩy chay phán quyết của PCA với lý do: "Đây không phải vấn đề pháp lý, nó hoàn toàn là về chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của Tòa. Vụ kiện này là một âm mưu chính trị giữa một số quốc gia và Tòa án".
Hãng thông tấn này giải thich thêm về thái độ giận dữ của Hun Sen trước việc truyền thông quốc tế chỉ trích Campuchia, Lào, Myanmar đứng sau việc ASEAN rút lại tuyên bố về Biển Đông:
"Như thế rất không công bằng với Campuchia. Một số nước đang sử dụng Campuchia để chống Trung Quốc. Họ dùng chuyện này để nguyền rủa chúng tôi."
VOA Cambodia ngày 20/6 thì nói, Hun Sen phản đối quan điểm cho rằng lập trường của Campuchia về Biển Đông gây chia rẽ ASEAN, nhấn mạnh lập trường của nước này lâu nay vẫn là ASEAN không phải một bên tranh chấp, các nước tranh chấp hay tự giải quyết việc này với nhau.
Đáng chú ý, VOA Cambodia có dẫn lời ông Hun Sen nói rằng: "Tôi không thể hỗ trợ mà không suy nghĩ về công lý và đất nước của mình".
Còn tờ Khmer Times ngày 21/6 phản ánh có lẽ là khá đầy đủ những phát biểu của Hun Sen khi ông tham đự một buổi lễ tốt nghiệp tại Phnom Penh. Thủ tướng Campuchia cho biết, tháng trước một nhà ngoại giao "bên ngoài ASEAN" đã đến vận động các thành viên của khối thống nhất ủng hộ phán quyết của PCA.
"Khi PCA chưa ra phán quyết họ đã có tiếp xúc với tòa án là bất công. Đó là động thái chính trị chống lại Trung Quốc. Tôi muốn khẳng định rằng lập trường của Campuchia là, chúng tôi sẽ không ra bất kỳ tuyên bố nào ủng hộ phán quyết của PCA.
Đây là một vụ tranh chấp mà Philippines khởi kiện Trung Quốc, vì vậy Philippines và Trung Quốc hãy giải quyết nó. Tại sao họ phải cần sự hỗ trợ của ASEAN?
Vì vậy tôi muốn nói, nếu bạn đã biết rằng Tòa sẽ có phán quyết có lợi cho Philippines thì phán quyết ấy không hợp pháp mà là quyết định duy ý chí chính trị, và tôi không ủng hộ nó.
Nó có nghĩa là họ đã liên hệ với PCA, vì vậy đây không còn là vấn đề pháp lý, mà là vấn đề chính trị. Campuchia muốn giữ vững lập trường của mình. Campuchia sẽ không phải là một con rối cho bất kỳ ai.
Campuchia là một nước nhỏ và nghèo, nhưng không phải không biết gì về chính sách đối ngoại. Campuchia ủng hộ ai, đó đơn giản là lập trường của Campuchia.
ASEAN không có quyền để phân chia ranh giới lãnh thổ cho bạn. Bạn phải tự làm việc này. Họ sẽ nói là Campuchia không đoàn kết với các nước ASEAN, nhưng tôi muốn hỏi lại, khi Philippines khởi kiện Trung Quốc, họ có hỏi gì ASEAN không?
Khi Campuchia có tranh chấp với Thái Lan, tôi đã không yêu cầu ASEAN hỗ trợ, ủng hộ phán quyết của Tòa án ở The Hague. Đừng đổ thêm dầu vào lửa.
Họ cáo buộc Campuchia hủy các cuộc họp của ASEAN liên quan đến Biển Đông. Đừng đổ lỗi cho Campuchia. Hãy làm rõ và khẳng định chắc chắn lập trường chính thức của bạn." Ông Hun Sen nói.
Tại sao Hun Sen lại nổi đóa?
Có thể thấy việc Hun Sen phản ứng như vậy về vụ kiện và phán quyết của PCA là do Campuchia đã và đang bị chỉ trích gay gắt xung quanh lập trường của họ về vấn đề Biển Đông. Hun Sen không đồng tình với những chỉ trích này do có sự khác biệt trong nhận thức.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Sự khác biệt ấy xuất phát từ 3 nguyên nhân: Trung Quốc đã tuyên truyền sai sự thật và lôi kéo rất mạnh nhằm tranh thủ sự ủng hộ trước phán quyết của Tòa; Cơ chế đồng thuận của ASEAN bộc lộ nhiều bất cập; Công tác tuyên truyền giải thích của các bên liên quan còn nhiều vấn đề.
Thứ nhất, việc Trung Quốc liên tục tuyên truyền sai sự thật ở tất cả các cấp độ, đặc biệt "hỏa lực mồm" của họ tập trung mạnh nhất là trong 3 tháng gần đây.
Hàng ngày mở báo chí quốc tế ra, các tin tức về Biển Đông chủ yếu đến từ phân tích, bình luận của một số học giả quốc tế và Trung Quốc, những tiếng nói từ Philippines, và đặc biệt là Việt Nam với tư cách một bên liên quan trực tiếp rất ít.
Đi đến đâu Trung Quốc cũng nói vấn đề Biển Đông là "tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền", do đó PCA không có thẩm quyền thụ lý. Nhưng rất ít các tiếng nói phản đối và đấu tranh trực diện với Trung Quốc về bản chất câu chuyện này, đặc biệt là tại các nước mà Trung Quốc có quan hệ thân mật về kinh tế - chính trị - ngoại giao...
Không có được thông tin đúng đắn, phản hồi chính thức từ các bên liên quan mà chỉ nghe Trung Quốc nói về Biển Đông, Hun Sen có phản ứng như vậy cũng là chuyện có thể hiểu được.
Phản ứng của ông Hun Sen không mới, cũng không phải chuyện gì lạ, nhất là khi Bắc Kinh dùng mọi thủ đoạn có thể để lôi kéo, mua chuộc các nước nằm trong vòng ảnh hưởng mềm của Trung Nam Hải.
Thứ hai là cơ chế "đồng thuận tuyệt đối" của ASEAN rõ ràng một lần nữa bộc lộ tính bất cập của nó. Trình độ phát triển cao và xuất phát điểm khá đồng đều như Liên minh châu Âu còn đang đối mặt với nguy cơ chia rẽ, huống hồ 10 nước ASEAN là 10 thể chế chính trị, 10 nền kinh tế, 10 nền văn hóa còn có nhiều khác biệt, khoảng cách.
Tuy nhiên người viết cho rằng, kể từ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 đến nay, nhận thức chung của khối về vấn đề Biển Đông đã có những bước phát triển cao hơn trước. Điều này thể hiện qua tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Lào vừa qua, cũng như tinh thần thể hiện trong bản tuyên bố chung được cho là bị rút lại tuần trước.
Việc rút lại cũng là cực chẳng đã, khi hội nghị diễn ra trên đất Trung Quốc. Nhưng ASEAN vẫn có những tiếng nói và phản ứng kiên quyết, thống nhất để thể hiện lập trường: Bỏ họp báo chung, các nước tự ra tuyên bố của riêng mình về hội nghị. Thiết nghĩ trong bối cảnh này, khó có thể đòi hỏi nhiều hơn từ ASEAN.
Muốn củng cố đoàn kết trong khối, thì chúng ta với tư cách bên liên quan trực tiếp cần lắng nghe, chia sẻ, giải thích, trao đổi để hiểu rõ hơn lập trường các nước, cũng như để các nước hiểu rõ hơn về mình. Càng chỉ trích, chúng ta càng đẩy các nước láng giềng ra xa mình, trong khi Bắc Kinh thì đang tìm mọi cách lôi kéo họ.
Thứ ba là bất cập trong công tác tuyên truyền. Trong khi đó vấn đề Biển Đông lại rất phức tạp về mặt pháp lý, bao gồm nhiều loại tranh chấp khác nhau như tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ đối với các thực thể ở Trường Sa, Hoàng Sa, Scarborough, tranh chấp áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 như đường lưỡi bò, tranh chấp vi phạm UNCLOS như việc bồi đắp đảo nhân tạo phá hủy môi trường, tranh chấp các vùng chồng lấn...
Ngay cả các nước lớn như Nga còn không phân biệt rạch ròi được các loại tranh chấp này dẫn đến những tuyên bố Trung Quốc lợi dụng. Trong dư luận Việt Nam chúng ta, một nước liên quan trực tiếp và được hưởng lợi rất lớn nếu PCA hủy bỏ đường lưỡi bò mà còn có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau.
Thậm chí ngay cả một bộ phận đội ngũ nghiên cứu, quản lý, tham mưu và hoạch định chính sách của chúng ta còn không phân biệt rạch ròi các tranh chấp.
Thậm chí trước những phát biểu của Nga nhầm lẫn hoặc cố tình đánh đồng giữa "tranh chấp lãnh thổ / chủ quyền" với tranh chấp giải thích, vận dụng và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông được phân tích mổ xẻ, có người còn quy chụp người phân tích làm rõ lập trường của Nga là "chống lại quan hệ Việt - Nga" thì làm sao Hun Sen hiểu được bản chất câu chuyện?
Áp đặt, quy chụp là dội nước lạnh vào nhiệt huyết bảo vệ Tổ quốc |
Còn có những quan điểm bàng quan, coi vụ kiện này là việc riêng của Philippines chứ không phải công việc của chính mình và mình phải có trách nhiệm, có tiếng nói cùng Philippines và khu vực bảo vệ công lý, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 ở Biển Đông mà đòi hỏi một nước thứ 3 như Campuchia, Myanmar hay Lào phải hành xử như mong muốn của chúng ta là điều khó có thể xảy ra.
Đặc biệt là trên mặt trận báo chí, truyền thông cũng thể hiện rõ những nhận thức lệch lạc này. Ví dụ như một số tờ báo khi dịch lại tin tức từ báo chí nước ngoài đã vô tình tuyên truyền cho quan điểm, lập trường của Trung Quốc mà cứ đinh ninh, thế mới là "khách quan, trung thực".
Mấy ngày gần đây, một số tờ báo dẫn lại nguồn tờ South China Morning Post, Hồng Kông, Trung Quốc về việc có một nhóm luật gia Hồng Kông gửi khiếu nại lên PCA cho rằng Tòa không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện vì bản chất vụ việc là tranh chấp lãnh thổ.
Tân Hoa Xã lập tức vơ vào ngay, phỏng vấn một số học giả nước Trung Quốc nói rằng có khả năng PCA phải "hoãn" ra phán quyết vì "động thái mới" này.
Đáng nhẽ phải vạch rõ chiêu trò, thủ đoạn gây rối dư luận trước thềm PCA ra phán quyết của truyền thông Trung Quốc, một số tờ báo khi đưa lại đăng nguyên văn, không một lời giải thích gây hoang mang cho dư luận. Trong khi PCA đã ra phán quyết về THẨM QUYỀN của Tòa như thông cáo báo chí ngày 29/10/2015 nêu rõ.
Vậy mà chỉ một bài báo vớ vẩn từ Trung Quốc cũng có thể khiến dư luận xao động thì chúng ta thấy mình yếu như thế nào trong công tác tuyên truyền, còn Trung Quốc họ nói mạnh ra sao, mặc dù họ chẳng có lý lẽ gì thuyết phục. Nhưng họ gần như độc diễn trên mặt trận truyền thông 3 tháng qua. Đó là điều chúng ta, người đọc hay người viết đều cần phải độc lập suy nghĩ.
Phát biểu của ông Hun Sen chẳng ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA, nhưng chúng ta cần xem lại mình, tiên trách kỷ hậu trách nhân
Hun Sen có quyền phản đối, đó là việc của ông ấy. Vần đề quan trọng hơn là phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế không bị ảnh hưởng bởi phát biểu hay lập trường của bất kỳ chính khách nào, quốc gia nào, dù là liên quan đến bản án hay là người ngoài cuộc.
Phát biểu của Thủ tướng Campuchia về bản chất phiên tòa, không ủng hộ phán quyết của PCA nó chỉ thể hiện nhận thức của cá nhân ông ấy và lập trường của Campuchia về vụ việc, trong đó có nhiều sai lệch mà chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền, giải thích thêm.
Ngoại trưởng Singapore bỏ họp báo ra về là "chơi đẹp" trong thuật ngoại giao! |
Còn việc ông Hun Sen nói vụ kiện và phán quyết của PCA là phi pháp lý, là một vấn đề chính trị cho thấy ông đã hiểu lầm nghiêm trọng bản chất câu chuyện, nếu không muốn nói là ông đang xúc phạm đến Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán mà PCA mời từ Tòa án Quốc tế về Luật Biển qua thụ lý vụ án.
Việc dư luận cho rằng PCA sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines là nhận định dựa trên các căn cứ pháp lý mà Manila đệ trình và Bắc Kinh thể hiện gián tiếp qua tuyên bố phản đối của Bộ Ngoại giao nước này. Điều đó không đồng nghĩa với phán quyết cuối cùng của PCA.
Không một nước nào có thể làm thay vai trò của cơ quan tài phán. Cũng không nước nào được làm ảnh hưởng và có thể làm ảnh hưởng đến phán quyết của cơ quan tài phán.
Còn việc một quan chức ngoại giao "bên ngoài ASEAN" đến vận động Campuchia ủng hộ phán quyết của PCA, cũng giống như Bắc Kinh vận động các nước chống lại phán quyết này về mặt hình thức.
Chỉ có điều người vận động ủng hộ PCA là muốn bảo vệ công lý quốc tế, UNCLOS 1982 ở Biển Đông. Còn kẻ phản đối là vì muốn bảo vệ tham vọng bành trướng nước lớn vĩ cuồng, kéo bè kéo đảng chống lại luật pháp quốc tế.
Nắm rõ điều này rất quan trọng đối với Việt Nam để chúng ta có những phản ứng phù hợp. Chúng ta biết đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết, thì Campuchia, Lào, Myanmar hay bất kỳ quốc gia nào cũng thế.
Nên đặt mình vào vị trí người khác để tìm hiểu thiệt hơn, được mất của người ta rồi tìm cách giải thích vận động mới mong tìm được tiếng nói ủng hộ.
Hun Sen có cái khó của ông ấy, như ông đã nói: Không thể hỗ trợ mà không suy nghĩ đến đất nước mình, Campuchia là một nước nhỏ và nghèo.
Trong khi quan hệ quốc tế ngày nay bị chi phối bởi lợi ích và điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế chứ không còn thời của phe nhóm, của lập trường, của đồng chí anh em cùng chung lý tưởng như trước. Đó chính là những thay đổi, diễn biến mới của thời cuộc mà chúng ta cần phải nhận thức được và nhanh chóng đổi mới, thích nghi.
Người viết cho rằng, có lẽ không nên đặt vấn đề về câu chuyện xương máu của cha anh chúng ta đổ xuống để giúp dân tộc Campuchia thoát họa diệt chủng ngày trước với câu chuyện Biển Đông ngày nay để đòi hỏi họ phải làm theo ý mình. Hai câu chuyện khác nhau cần có hai cách nhìn, cách tiếp cận khác nhau.
Do đó người viết cho rằng, trước những phát biểu không thuận với suy nghĩ của chúng ta về Biển Đông như Thủ tướng Campuchia đưa ra, chúng ta hơn ai hết phải có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân tại sao và tìm cách khắc phục.
Đòi hỏi người khác phải hành động theo ý mình, trong khi chính mình còn nhận thức chưa rõ về bản chất các tranh chấp, quyền và lợi ích của mình ở đâu, mình nên phản ứng như thế nào...là một điều vô lý.
Mặt khác, đối tượng Trung Quốc lo sợ nhất, muốn tìm cách lôi kéo, chia rẽ và phân hóa nhất trong vấn đề Biển Đông, xung quanh vụ kiện của Philippines chính là Việt Nam chứ không phải Campuchia hay Lào, Myanmar.
Bởi vậy người viết thiết nghĩ chính chúng ta, những người Việt Nam yêu nước cũng cần yêu cho tỉnh táo, hiểu biết, nắm được bản chất vấn đề và căn cứ pháp lý, cơ sở pháp lý để đấu tranh bảo vệ cho độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, hòa bình ổn định ở Biển Đông.
Chúng ta nên tập trung các nguồn lực ủng hộ PCA ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò, đồng thời chuẩn bị các phương án đấu tranh tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như khu vực, các quốc gia có cùng lợi ích.
Với những nước còn có tiếng nói bất đồng, chúng ta chỉ nên tuyên truyền, giải thích để tranh thủ họ, đừng lên án chỉ trích họ vì như vậy chúng ta chỉ đẩy họ về phía Trung Quốc và chống lại chúng ta.