Hãng thông tấn Kyodo News ngày 21/6 cho biết, Trung Quốc đã nói với các nước ASEAN rằng Bắc Kinh có thể rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) nếu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của họ ở Biển Đông.
Một nguồn tin ngoại giao nói với Kyodo News hôm nay, Trung Quốc quan tâm và lo ngại nhất trong vụ kiện của Philippines là số phận đường lưỡi bò. Kết quả tồi tệ nhất đối với Bắc Kinh là PCA phán quyết, đường lưỡi bò cũng như "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đưa ra không có căn cứ trong luật pháp quốc tế, tuyên bố đường lưỡi bò vô hiệu.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Inquirer. |
Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao ASEAN rằng Bắc Kinh không loại trừ khả năng rút khỏi UNCLOS nếu phán quyết này xảy ra. Bắc Kinh phê chuẩn UNCLOS 1982 năm 1996. Bắc Kinh vẫn khăng khăng không chấp nhận phán quyết của PCA.
Tuy nhiên vụ kiện của Philippines đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Phán quyết của PCA dự kiến sắp đưa ra đầu tháng tới là một bước tiến mới trong giải quyết tranh chấp, giảm bớt căng thẳng một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cá nhân người viết cho rằng, việc một nước thành viên UNCLOS 1982 đe dọa xin rút khỏi công ước chỉ vì phán quyết bất lợi cho mình trong một vụ kiện về tranh chấp giải thích, áp dụng và vi phạm UNCLOS 1982 là một suy nghĩ nông nổi, cực đoan chỉ làm tổn hại uy tín và hình ảnh của Trung Quốc trước dư luận quốc tế mà thôi.
Bởi lẽ khi phê chuẩn UNCLOS 1982 năm 1996, Trung Quốc chắc hẳn đã phải cân nhắc hết lợi hại. Chính nước này cũng rào trước bằng việc từ chối chấp nhận giải quyết tranh chấp lãnh thổ và phân định biển thông qua một bên thứ 3 như cơ quan tài phán.
Còn vụ kiện của Philippines và 7 nội dung PCA phán quyết đủ thẩm quyền xử lý như thông cáo báo chí ngày 29/10/2015 hoàn toàn liên quan đến việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 cũng như một số hành động vi phạm Công ước.
Chủ quyền hóa các vấn đề hàng hải / áp dụng giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông hông xong, Trung Quốc quay ra chống phá phán quyết của PCA, đe dọa rút khỏi UNCLOS 1982 cũng không thể tác động đến phán quyết của Hội đồng Trọng tài 5 thành viên mà PCA đã thành lập để thụ lý, bởi trước Tòa các thẩm phán chỉ tuân theo công lý.
Nếu điều này xảy ra, Bắc Kinh đã đẩy các nước còn lại trong khu vực vào thế phải đoàn kết lại chống tham vọng bành trướng phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, chính Trung Quốc đã đẩy các nước láng giềng vào chỗ phải cảnh giác trước nhất cử nhất động của họ trong khu vực.
Điều này rõ ràng không có lợi cho Trung Quốc mà Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình đang tìm cách vận động cho sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, Một vành đai một con đường phục vụ cho "giấc mơ Trung Quốc", phục hưng dân tộc Trung Hoa.
Bởi lẽ một cường quốc thực sự trong thế giới hiện đại không chỉ cần sức mạnh, mà còn cần ý thức thượng tôn pháp luật, bảo vệ luật pháp và công lý. Giải thích luật pháp quốc tế theo ý mình, hành động một mình một chiếu rõ ràng chỉ đẩy Trung Quốc ra ngoài lề đời sống sôi động của nhân loại văn minh.