Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang thông tin liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, những trang này lại không mang đến cho người theo dõi thông tin đa chiều, khách quan về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng mà chỉ tập trung vào việc đăng dẫn những thông tin, bài viết “một chiều”.
Điển hình, hiện trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một trang có tên là Bảo vệ người tiêu dùng thường xuyên dẫn link những bài của các báo nhằm "tẩy chay” sản phẩm URC và Pepsico, kèm theo đó là những link bài báo "khen, ủng hộ" sản phẩm của Tân Hiệp Phát hết mức.
Không chỉ dẫn lại link các bài báo theo chủ đề như trên mà người quản trị trang này còn thường đưa RA LỜI KÊU GỌI rất hùng hồn để "tẩy chay" sản phẩm của URC và Pepsico, ngược lại là ủng hộ sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Trang này còn có thái độ "kích động" người tiêu dùng để gây sức ép đến cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan báo chí.
Điều bất thường, khi Facebook công khai việc nickname Bảo vệ người tiêu dùng "được tài trợ" trong một thời gian dài, tức admin (người quản trị) phải chi một số tiền rất lớn qua tài khoản cho Công ty Facebook tại Việt Nam.
Như vậy, đây không chỉ là việc "yêu, ghét" sản phẩm thông thường, vô tư của người tiêu dùng mà đã có bàn tay "bẩn thỉu" của ai đó nhằm "dắt mũi" dư luận và người tiêu dùng. Họ sẵn sàng "đổ" hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng cho Facebook để định hướng dư luận bằng việc ngồi "đếm like, đo coment".
Trang này chuyên đưa những thông tin, bài viết "đánh" sản phẩm URC |
Chưa nói đến tính đúng sai của những thông tin mà trên trang nickname facebook “Bảo vệ người tiêu dùng” đã dẫn link, ra lời kêu gọi mà ở đây rõ ràng có sự "định hướng" thông tin một chiều.
Admin "Bảo vệ người tiêu dùng" đã có thái độ rõ ràng trong việc bảo vệ Tân Hiệp Phát bằng cách dẫn link nhiều bài báo như: Chớ dại dột tẩy chay các sản phẩm của Tân Hiệp phát; Tân Hiệp Phát lao đao vì khủng hoảng, Coca Cola bất ngờ tuyên bố kinh doanh có lãi; Tân Hiệp Phát mà kết hợp với Coca Cola khác nào hổ mọc thêm cánh; Vì sao Tân Hiệp Phát không thể buông tha Võ Văn Minh?;…
Và cả nhưng video clip liên quan đến sản phẩm URC cũng được trang này đăng tải |
Ngoài trang "Bảo vệ người tiêu dùng", trên Facebook còn xuất hiện trang “Tẩy chay nước uống có chì” đã thu hút hàng chục nghìn người bấm "like". Trang này, liên tục kêu gọi người tiêu dùng hãy tẩy chay sản phẩm của URC nhiễm độc, chì và ủng hộ sản phẩm Tân Hiệp Phát.
Một trang trên mạng xã hội cũng chuyên đưa những thông tin về sản phẩm của URC |
Thông tin về người dùng của trang "Tẩy chay nước uống có chì" không được công khai nhưng lại luôn hiện dòng chữ "được tài trợ" xuất hiện trên hàng triệu tài khoản Facebook.
Trang “Tẩy chay nước uống có chì” đăng những tin có liên quan đến URC và dùng những dòng tiêu đề gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng như:
“Bấy lâu nay tôi lầm tưởng có thể bảo vệ gia đình nhỏ của mình an toàn trước thực phẩm bẩn bủa vây bằng cách nói không với thức ăn nhanh, quán ăn vỉa hè. Nào ngờ…
Hóa ra, bấy lâu nay Công ty URC “nuôi” hàng triệu người Việt mỗi ngày bằng thứ nước chứa hàm lượng chì cực độc. Thứ độc dược mà theo lời Giáo sư Jerome Nriagu nói, là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế La Mã thời đó. Tôi càng thấm câu nói của một Đại biểu Quốc hội “chưa bao giờ từ bàn ăn đến nghĩa địa lại ngắn đến như thế”.
Tình cảm, thái độ về một sản phẩm nước uống là quan điểm của từng người và được tôn trọng nhưng khi nó bị "vấy đục" bởi những trò ma mãnh, thiếu lành mạnh trong kinh doanh thì chúng ta phải lên tiếng ngăn chặn.
Chưa bao giờ việc "dắt mũi, định hướng" dư luận, người tiêu dùng lại dễ dàng như hiện nay. Một ai đó chỉ cần chi số tiền từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng cho Công ty Facebook là họ có thể tự động "hiện" thông tin trang lên hàng triệu tài khoản người dùng ở Việt Nam.
Việc những tài khoản Facebook có thái độ "tẩy chay" sản phẩm URC, Pepsico nhưng lại ủng hộ Tân Hiệp Phát mà có "tài trợ" thì hơn lúc nào hết cơ quan điều tra phải vào cuộc làm rõ, "động cơ" của những người đứng sau là gì?