Sẽ có luật xóa bỏ tận gốc rào cản kinh doanh, đầu tư

29/06/2016 07:33
Nguồn: chinhphu.vn
(GDVN) - Những quy định về hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được ban hành tới đây sẽ được tiếp tục rà soát, sửa đổi để sát với thực tiễn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo một luật sửa đổi nhiều luật chuyên ngành có những quy định không hợp lý, để bảo đảm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, đón nhận làn sóng đầu tư phát triển.

Đây là khẳng định rất đáng chú ý của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trước các nhà đầu tư tại Hội thảo Đối thoại chính sách đầu tư 2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức ngày 28/6.

Ảnh: VGP/Huy Thắng.
Ảnh: VGP/Huy Thắng.

Dứt khoát loại bỏ điều kiện bất hợp lý

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện nay ở nước ta nhiều đơn vị vẫn nặng về tư duy quản lý chứ không phải phục vụ, hình thức quản lý vẫn theo hình nón.

Cơ quan Nhà nước vẫn nặng về tiền kiểm hơn hậu kiểm. Nghĩa là, việc quản lý hiện nay vẫn theo kiểu đầu vào rất chặt, nhưng sau cấp phép hoạt động thì lại quản lý không chặt, thậm chí có chỗ buông lỏng; các quy định thiếu đồng bộ.

Vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh lại, thay đổi lại theo hình phễu. Nghĩa là các doanh nghiệp (DN) được thành lập, hoạt động thông thoáng, thuận lợi hơn, Nhà nước xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn giám sát hoạt động đó. Đây là tư duy mới, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế hơn.

Điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý cần có tư duy quản lý thân thiện hơn với DN. Các cán bộ, công chức cần bỏ ngay việc coi DN là những đối tượng làm ăn không minh bạch, có điều kiện tài chính, cố tình gây khó khăn để vụ lợi.

Quan điểm xây dựng hệ thống pháp luật mới là phải dựa trên mối quan hệ Nhà nước và DN trên tinh thần tạo sự thân thiện, có hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả chặt chẽ để DN yên tâm bỏ tiền ra làm ăn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, quyết tâm chính trị lớn của Chính phủ là không để khoảng trống pháp luật trong bất cứ thời gian nào.

Theo đó, về nội dung, các thông tư nâng lên thành 49 nghị định đến nay đã và đang chuẩn bị được ban hành. Bên cạnh việc bảo đảm tiến độ (không muộn hơn ngày 1/7), còn phải bảo đảm chất lượng, “sản phẩm” phải có chất lượng tốt nhất. Các thông tư không phải là “nâng cơ học” lên nghị định, mà nâng trong rà soát, sửa đổi với tinh thần cái nào không cần thiết thì loại bỏ, cái gì không cụ thể phải cụ thể hóa.

“Các quy định phải bảo đảm thật phù hợp với tình hình thực tế. Thậm chí, ngay cả Luật Đầu tư nếu có những điểm chưa phù hợp vẫn phải sửa ngay để tạo môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thuộc loại hấp dẫn hàng đầu khu vực để đón nhận làn sóng phát triển. Dự kiến kế hoạch soạn thảo này sẽ được hoàn thành trong tháng 10 để trình Quốc hội và cố gắng thực hiện thông qua trong một kỳ họp”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Tư duy xây dựng luật minh bạch hơn

Đại diện phía DN, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam, một đơn vị chuyên tư vấn đầu tư cho nhiều DN FDI đánh giá: Các nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc cải thiện và nâng cao môi trường đầu tư đã bước đầu phát huy hiệu lực và giúp nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam, cải thiện năng suất lao động tổng hợp của nền kinh tế.

Các DN FDI kỳ vọng, với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Trao đổi về chất lượng rà soát điều kiện kinh doanh, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chưa đủ thời gian để khẳng định mức độ hiệu quả cao đến đâu, nhưng có thể khẳng định, quan trọng nhất là đã có sự thay đổi về chất trong công tác xây dựng văn bản có tính đối thoại cao hơn, minh bạch hơn.

Nếu như trước đây khi xây dựng luật, các bộ được giao xây dựng chỉ tham vấn các bên liên quan rồi tự báo cáo lên trên, thì nay việc phản biện độc lập đã được coi trọng hơn. Chính phủ đã trực tiếp mời đại diện cộng đồng DN (như VCCI) và các bên phản biện độc lập để lắng nghe các ý kiến khác nhau tại các cuộc họp do Văn phòng Chính phủ chủ trì.

Từ đó, lãnh đạo Chính phủ sẽ có đầy đủ căn cứ để quyết định. Điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn nhiều.

Ông Hiếu cũng cho rằng, đợt rà soát các điều kiện kinh doanh lần này mới chỉ là công việc bước đầu, “tập dượt” cho các mục tiêu lớn hơn về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thời gian tới đây, hằng năm, các bộ, ngành sẽ phải tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh, xem xét sửa đổi những điều không hợp lý.

Có cùng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Quách Ngọc Tuấn cho rằng, việc rà soát vừa qua cho thấy thông điệp rất rõ ràng của Chính phủ là phải tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, khả thi, trong đó phải lắng nghe các ý kiến phản hồi từ nhiều phía.

Về phía mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư kinh doanh đề trình Chính phủ trong tháng 8 và trình Quốc hội vào tháng 10. 

Hiện tại, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được đổi mới, nhưng phải thấy là nhiều quy định trong các luật chuyên ngành khác vẫn chưa được sửa đổi và không tương thích, do đó vẫn phải tiếp tục cải cách.

Nhấn mạnh về vai trò tương tác của DN trong xây dựng quy định, ông Quách Ngọc Tuấn đề nghị cộng đồng DN cần tích cực, chủ động góp ý vào dự thảo để luật mới thật sự bám sát thực tế, sửa chữa những điều trái với tinh thần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Dưới góc độ cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc hoàn thiện chính sách phải gắn liền với thực thi chính sách cả 2 phía - cơ quan quản lý Nhà nước và DN, đồng thời có chế tài cụ thể.

Luật pháp phải rõ ràng, minh bạch, không để tình trạng khi công chức lẫn phía DN đọc luật và áp dụng, hiểu theo hai hay nhiều nghĩa, dễ phát sinh sai phạm, giảm hiệu lực chính sách.

Tâm đắc với những hành động quyết liệt của Chính phủ mới, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE khẳng định, cộng đồng DN rất hào hứng với những nỗ lực của Chính phủ cương quyết giảm thiểu điều kiện giấy phép con, điều kiện kinh doanh bất hợp lý.

Trong quá trình xây dựng pháp luật, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có buổi đối thoại thẳng thắn các vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt việc tháo gỡ bớt những rào cản.

“Cộng đồng DN đang kỳ vọng cam kêt về một nhà nước kiến tạo được hiện thực hóa, cởi trói, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển”, TSKH Nguyễn Mại bày tỏ. 

Nguồn: chinhphu.vn