Nhiều vi phạm tại Agribank Cần Thơ
Cơ quan an ninh điều tra (PA92) Công an TP.Cần Thơ vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Bùi Tuấn Anh, trưởng phòng tín dụng doanh nghiệp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh TP Cần Thơ (Agribank Cần Thơ, trụ sở đặt tại số 3, Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), để làm rõ hành vi vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cùng thời điểm trên, PA92 cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Đạt, phó giám đốc Công ty Tân Tiến để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh TP Cần Thơ (Agribank Cần Thơ) - ảnh nguồn Diendanhoptacdautu |
Vnexpress cho biết năm 2012, với vai trò Phó phòng Tín dụng doanh nghiệp, ông Bùi Tuấn Anh trực tiếp thụ lý, giám sát hồ sơ vay của Công ty nông thủy sản Tây Nam do Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân làm giám đốc; đã bỏ qua các quy định khi thiếu kiểm tra, giám sát dự án, nguồn vốn phát vay, tiến độ thực hiện dự án…
Ngoài ra, cán bộ này nhiều lần ký khống vào các biên bản kiểm tra tiến độ thi công, nghiệm thu công trình, tiếp tay cho công ty của Nhân rút 259 tỷ đồng từ Agribank Cần Thơ, theo gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi trong việc tiêu thụ hàng hóa nông thủy sản.
Trước đó, PA92 cũng bắt tạm giam Phạm Tường Thi - Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến và Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - Giám đốc Công ty Nông thủy sản Tây Nam.
Theo cơ quan điều tra, năm 2012, Công ty nông thủy sản Tây Nam do Nhân làm giám đốc đã làm hồ sơ vay gần 300 tỷ đồng của gói tín dụng ưu đãi (lãi suất 0% hai năm đầu và năm thứ 3 trở đi là 50% mỗi năm).
Nhân dùng siêu thị Citimart ở quận Ninh Kiều thế chấp và được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Cần Thơ cho vay 289 tỷ đồng (đã giải ngân gần 260 tỷ đồng).
Số tiền được ngân hàng giải ngân cho Công ty TNHH Tân Tiến do Thi (bạn học Nhân) làm đại diện. Đây là một trong những đơn vị liên doanh với Công ty nông thủy sản Tây Nam.
Có được tiền, Công ty Tân Tiến gửi ngược lại ngân hàng này gần 190 tỷ đồng để hưởng lãi suất chênh lệch.
Cơ quan điều tra xác định, Công ty nông thủy sản Tây Nam sử dụng tiền vay không đúng mục đích, không mua máy móc thiết bị và sử dụng vào việc khác. Phía ngân hàng phát vay sai diện ưu đãi, vì doanh nghiệp này không có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân…
Từ năm 2012 đến 2014, giám đốc Nhân đã chiếm đoạt hơn 60 tỷ đồng tiền hỗ trợ lãi suất.
Sau khi phát hiện sai phạm, Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã yêu cầu Chi nhánh Cần Thơ thu hồi lại số tiền trên, đồng thời chuyển gói vay ưu đãi lãi suất 0% sang gói vay thương mại để khắc phục hậu quả. Đến nay, Nhân chỉ mới "khắc phục" được 2 tỷ đồng.
Nhiều chi nhánh Agribank trong hệ thống Agribank Việt Nam bị phát hiện sai phạm kéo theo hàng loạt cán bộ bị bắt - ảnh minh họa nguồn Agribank. |
Cũng liên quan đến sai phạm tại Agribank chi nhánh Cần Thơ, ngày 6/1/2016 tờ Tuổi Trẻ cho biết, cơ quan điều tra đang khẩn trương củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong quan hệ tín dụng đối với khoản vay hàng trăm tỉ đồng giữa Agribank Cần Thơ và một doanh nghiệp có trụ sở tại TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang).
Xác minh bước đầu, lợi dụng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu họach đối với nông sản, thủy sản, ngày 15/10/2010, Công ty T.N (trụ sở đặt tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) đã làm hồ sơ xin vay hỗ trợ lãi suất 0% với số tiền gần 290 tỉ đồng.
Theo quy định, để được vay gói hỗ trợ này, khách hàng phải có giấy phép kinh doanh đúng ngành nghề, được địa phương nơi đặt trụ sở xác nhận ưu đãi đầu tư; kèm theo đó là giấy hạn ngạch hoặc chỉ tiêu xuất khẩu chỉ định trước.
Thế nhưng Công ty T.N chỉ mới xây được khung nhà xưởng, chưa đầu tư mua máy móc, thiết bị nhưng từ đầu năm 2012 đến tháng 4/2013, lãnh đạo Agribank Cần Thơ đã giải ngân trên 10 lần với số tiền khoảng 257 tỉ đồng. Chính sự hào phóng này từ phía Agribank Cần Thơ đã tạo điều kiện cho Công ty T.N chiếm đọat số tiền lãi trên 60 tỉ đồng.
Đại án gây thiệt hại nhà nước 2.500 tỷ đồng
Liên tục những năm qua, nhiều chi nhánh Agribank trong hệ thống Agribank Việt Nam bị phát hiện sai phạm, kéo theo đó là việc hàng loạt cán bộ lãnh đạo trong Agribank bị bắt.
Gây xôn xao dư luận và tốn không ít giấy mực của báo chí phải kế đến đại án tại Agribank Nam Hà Nội.
Cơ quan chức năng xác định giám đốc, phó giám đốc ngân hàng Agribank Nam Hà Nội đã bỏ qua các điều kiện giải ngân theo các nghị quyết của HĐQT Agribank Việt Nam cố tình cho Liên doanh Lifepro Việt Nam vay với số tiền lên đến 75 triệu USD.
Sau gần 20 ngày xét xử và nghị án (từ 21/12/2015 đến 7/1/2016), phiên tòa xét xử vụ “đại án” làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank, Hội đồng xét xử khẳng định hành vi của cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Agribank trong vụ việc đã vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng theo điều 179 Bộ luật hình sự; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 281 Bộ luật hình sự và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 Bộ luật hình sự. Đồng thời hành vi của các bị cáo ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước. Với hành vi nêu trên gây thiệt hại cho Nhà nước gần 2.500 tỷ đồng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, hệ thống tài chính quốc gia, tổn hại lòng tin của quần chúng. Phiên tòa ra quyết định tuyên phạt 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Agribank Việt Nam và Agribank chi nhánh Nam Hà Nội với khung hình phạt từ 4 năm đến 30 năm tù giam. |
Liên quan vụ việc, Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm nên không phát hiện việc làm trái pháp luật của lãnh đạo Agribank Nam Hà Nội.
Theo đó, nếu ông Tân thực hiện đúng 2 nghị quyết của HĐQT thì chi nhánh Nam Hà Nội sẽ không thể đủ tiền giải ngân cho Lifepro Việt Nam, do đó sẽ không bị chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Hàng loạt lãnh đạo chi nhánh Agribank bị bắt
Trước đó hàng loạt lãnh đạo các chi nhánh Agribank bị bắt.
Cụ thể, ngày 26/11/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nguyên giám đốc chi nhánh Agribank Bến Thành để hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cùng bị bắt với hành vi trên còn có ba cán bộ khác của Agribank Bến Thành.
Trong tháng 10/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Đăng Trung (trú P.7, Q.5, TP.HCM), Hồ Văn Long (trú P.12, Q.6, TP.HCM), nguyên giám đốc và trưởng phòng tín dụng Agribank chi nhánh 6, về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngày 18/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Đức Hưng (56 tuổi, nguyên giám đốc chi nhánh Hồng Hà, thuộc ngân hàng Agribank) về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Ông Hưng được cho là đã lợi dụng quyền hạn ký 8 bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số công ty, với tổng số tiền hơn 345 tỷ đồng. Liên quan vụ việc trên, hai cựu cán bộ khác thuộc Agribank Hồng Hà là Đỗ Thị Minh Hiền (44 tuổi, trưởng phòng tín dụng) và Trương Đăng Dần (38 tuổi, phó phòng) cũng bị khởi tố, bắt giam.
Trong tháng 5/2012, một cán bộ của Agribank cũng sa lưới pháp luật. Ngày 9/5, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Tuấn Anh (SN 1968, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nguyên Phó giám đốc chi nhánh Công ty vàng Agribank Hà Đông, về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.